Chủ Nhật, 05/05/2024 14:48:43 GMT+7

Tin đăng lúc 17-01-2017

Lượt xem: 2190

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hồng Bắc: “Thái Nguyên cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư”

Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX nhiệm kỳ (2015 – 2020) đã xác định: Xây dựng, phát triển Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020. Để thực hiện định hướng đó và khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, Thái Nguyên đang tập trung mọi nguồn lực và thu hút các nhà đầu tư. Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Hồng Bắc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên xung quanh vấn đề này.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hồng Bắc:  “Thái Nguyên cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư”
Trong dây chuyền sản xuất của Tập đoàn điện tử Sam Sung

PV: Thái Nguyên là cái nôi của ngành công nghiệp luyện kim đầu tiên của miền Bắc, phát huy truyền thống đó, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã có những chính sách gì để mời gọi, đón nhận các nhà đầu tư đến Thái Nguyên, thưa ông?

 

Ông Vũ Hồng Bắc: Thái Nguyên là tỉnh trung tâm của vùng trung du miền núi phía Bắc, là cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội và đi các tỉnh vùng Đông Bắc. Xác định tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi và quan trọng, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đưa Thái Nguyên vào quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm tạo ra vệ tinh phát triển của vùng Thủ đô, là động lực phát triển đối với các tỉnh trong vùng trung du miền núi phía Bắc.

 

Theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2016, Thái Nguyên nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước được đánh giá là có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2015, đứng ở vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng PCI (vượt 1 bậc so với năm 2014). Trong khu vực miền núi phía Bắc, Thái Nguyên xếp thứ 2 sau tỉnh Lào Cai. Hiện nay các tập đoàn kinh tế lớn, có uy tín trong và ngoài nước, trong đó có tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia đã đến Thái Nguyên đầu tư. Do vậy môi trường đầu tư ở Thái Nguyên đã và đang rất sôi động, hứa hẹn gặt hái nhiều thành công cho tỉnh và các nhà đầu tư.

 

Tỉnh Thái Nguyên luôn cam kết thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh với mức ưu đãi tốt nhất theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành các Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

 

Nhiều chính sách ưu đãi có lợi cho nhà đầu tư nhằm thu hút, mời gọi các các nhà đầu tư, các tập đoàn kinh tế lớn vào Thái Nguyên được áp dụng như: Các chính sách về thu hồi đất, tiến độ giao đất, giao mặt bằng, cho thuê đất để thực hiện đầu tư; hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án; Hỗ trợ tư vấn các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư; Hỗ trợ xúc tiến thương mại; Các chính sách ưu đãi về giá thuê đất và miễn tiền thuê đất; Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng; Hỗ trợ đào tạo nghề đối với các dự án thuộc danh mục khuyến khích đầu tư của tỉnh; Hỗ trợ về chuyển giao, ứng dụng công nghệ; Chính sách khuyến khích phát triển dịch vụ hỗ trợ đầu tư và hỗ trợ đầu tư phát triển... Đề án cải thiện môi trường đầu tư tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016 – 2020, nhằm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình mới, nhằm huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo môi trường đầu tư thuận lợi đã cụ thể hóa và là sự cam kết của tỉnh với các nhà đầu tư.

 

PV: Văn hóa là nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, xin ông cho biết nét đẹp văn hóa đặc sắc nhất của vùng đất được mệnh danh là xứ sở của hương trà là gì? Những nét đẹp nhân văn đó đang được Thái Nguyên gìn giữ và phát triển thế nào trong thời kỳ hội nhập quốc tế?

 

Ông Vũ Hồng Bắc: Thái Nguyên là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, với gần 800 di tích lịch sử, trong đó có quần thể Khu di tích lịch sử ATK Định Hoá đã được Chính phủ xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Thái Nguyên cũng là mảnh đất hội tụ và giàu bản sắc văn hoá các dân tộc vùng Việt Bắc với các làn điệu dân ca, dân vũ như hát Sli, hát Lượn, hát Then, múa Tắc Xình. Thái Nguyên có nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như: Hồ Núi Cốc, Hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà... Đặc biệt, khi nói về Thái Nguyên là người ta nhớ đến vùng đất với những sản phẩm trà, văn hóa trà nổi tiếng. Năm 2013, sản phẩm trà Thái Nguyên đã được tổ chức Kỷ lục gia Việt Nam công nhận là: “Sản phẩm Trà thuộc Top các đặc sản quà tặng có giá trị của Châu Á” và  “Thái Nguyên - Thương hiệu Trà danh tiếng được nhiều người biết đến nhất”. Những kỷ lục trên là vinh dự, tự hào của Thái Nguyên.

 

Để giữ gìn các giá trị văn hóa đặc sắc, trong thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã và đang triển khai có hiệu quả một số nội dung như:

 

Tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020”; lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích; lựa chọn danh mục văn hóa phi vật thể, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia; hoàn thành hồ sơ quốc gia Then Tày-Nùng-Thái đệ trình UNESCO đề nghị đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; tiến hành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, lập hồ sơ xếp hạng di tích...

 

Chỉ đạo các địa phương tổ chức các hội thi, hội diễn, ngày hội văn hóa các dân tộc; tham gia các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ để nhân dân các địa phương có dịp gặp gỡ, trao đổi, sáng tạo và thụ hưởng những giá trị văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần.

 

Tổ chức thành công 3 kỳ Festival Trà theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục theo lộ trình, Thái Nguyên sẽ tổ chức các kỳ Festival Trà để góp phần quảng bá, giới thiệu văn hóa Trà, hình ảnh đất và người Thái Nguyên đến với đông đảo nhân dân trong nước và du khách quốc tế. Đồng thời, tăng cường quảng bá giá trị di sản văn hóa tiêu biểu thông qua các chương trình hợp tác, liên kết, tuần văn hóa Việt Nam ở nước ngoài của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các chương trình xúc tiến, hợp tác đầu tư giữa các tỉnh, thành phố trong nước; tăng cường tuyên truyền tới mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc giữ gìn và bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể.

 

 

PV: Thái Nguyên đang giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, chuyển mạnh sang CNH-HĐH tạo đột phá, chuyển dịch cơ cấu, nhằm tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Xin ông cho biết những giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh trong thời gian tới?

 

Ông Vũ Hồng Bắc: Tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy phát triển công nghiệp, cụ thể:

 

Một là: Tập trung rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư; các quy hoạch, chương trình, đề án, kế hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; huy động vốn của mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp. Hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ về công nghệ, thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực, thông tin môi trường đầu tư và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

 

Hai là: Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp, triển khai và thực hiện có hiệu quả việc xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là các khu, cụm công nghiệp có lợi thế, duy trì từ 30-50ha quỹ đất sạch phục vụ cho thu hút đầu tư.

 

Ba là: Triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao; dành kinh phí cho công tác hỗ trợ đầu tư và phát triển các sản phẩm công nghệ mới; hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề ở khu vực nông thôn.

 

Bốn là: Chú trọng công tác thu hút đầu tư, kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực; các dự án đầu tư có thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại. Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp mũi nhọn sử dụng công nghệ tiên tiến, sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu như: Công nghệ thông tin; công nghiệp điện tử; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp cơ khí; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản gắn với sản xuất vật liệu mới; công nghiệp chế biến lâm sản, nông sản sạch và sản xuất thân thiện môi trường.

 

Năm là: Kịp thời huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, trong đó nghiên cứu, áp dụng hiệu quả các cơ chế đầu tư mới như PPP, thu hút đầu tư nước ngoài và các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào triển khai dự án trên địa bàn tỉnh. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư, trong đó trọng tâm là lựa chọn các dự án đầu tư có quy mô.

 

Sáu là: Thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh; tăng cường gặp gỡ, đối thoại, giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

 

Nhân dịp đầu xuân mới, thay mặt lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, tôi xin gửi tới bạn đọc và các nhà đầu tư lời chúc mừng năm mới an khang, thịnh vượng. Thái Nguyên cam kết sẽ tiếp tục tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Sự thành công của các bạn là sự thành công của Thái Nguyên.

 

PV: Xin cảm ơn ông! 

 

Hương Lan


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang