Thứ Sáu, 03/05/2024 04:23:23 GMT+7

Tin đăng lúc 07-10-2015

Lượt xem: 5163

Ban quản lý các KCN tỉnh Hòa Bình: Thực hiện hiệu quả trong tư vấn và quản lý dự án

Cũng giống như Ninh Bình và Thanh Hóa, tỉnh Hòa Bình nằm giáp ranh giữa 3 khu vực: Tây Bắc, Đông Bắc và Bắc Trung Bộ của Việt Nam. Địa giới Hòa Bình: phía Bắc giáp với tỉnh Phú Thọ; phía Nam giáp với các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình; phía Đông và Đông Bắc giáp với Thủ đô Hà Nội, phía Tây, Tây Bắc, Tây Nam giáp với các tỉnh Sơn La, Thanh Hóa.
Ban quản lý các KCN tỉnh Hòa Bình: Thực hiện hiệu quả trong tư vấn và quản lý dự án
Nhiều dự án được xây dựng trong các KCN

Hòa Bình hiện có 1 thành phố và 10 huyện; Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 4.662.5 km, chiếm 1,41% tổng diện tích tự nhiên của Việt Nam. Thu nhập bình quân đầu người: 730 USD (tương đương 15.300.000 đồng) (12/2011). Nông nghiệp Hòa Bình: Nhiều vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh nguyên liệu tập trung được phát triển và nhân rộng, như: Vùng cam huyện Cao Phong; Vùng mía tím huyện Tân Lạc, Cao Phong; Vùng gỗ, luồng nguyên liệu ở huyện Đà Bắc, Mai Châu; Vùng lạc, đậu ở huyện Lạc Sơn, Yên Thủy; Vùng cây dưa hấu ở huyện Lạc Thủy, Kim Bôi; Vùng cây dược liệu ở Tân Lạc, Lạc Sơn; Vùng chè ở huyện Lương Sơn, Mai Châu, Đà Bắc…

 

Ngay từ đầu năm 2015, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hòa Bình đã tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 1692/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 26/5/2014 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2014-2020. Tính đến hết ngày 25/5/2015, các KCN hiện có 63 dự án, trong đó có 17 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 389 triệu USD và 46 dự án trong nước với số vốn đăng ký 7.521 tỷ đồng; có 42 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh; tổng số lao động trong các KCN là 12.800 người. Hoạt động của các doanh nghiệp trong các KCN cũng có nhiều khởi sắc. Ban Quản lý thường xuyên hướng dẫn, đốn đốc các doanh nghiệp trong KCN thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về lao động; đặc biệt là các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động. 6 tháng đầu năm 2015, số lao động mới tăng thêm 1.800 người, đạt 75% kế hoạch năm. Trong tổng số 12.800 lao động, đã có 10.000 lao động tham gia BHXH, chiếm trên 78,1%.

 

Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật: Tại các KCN trên địa bàn tỉnh được Ban Quản lý tích cực triển khai, để nhanh chóng tạo mặt bằng thu hút các dự án vào đầu tư và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Khu công nghiệp bờ trái sông Đà tiếp tục thi công san nền và các hạng mục hạ tầng, phối hợp với thành phố Hòa Bình đẩy mạnh giải phóng mặt bằng KCN.

 

KCN Mông Hóa: Hoàn thành lập và báo cáo UBND tỉnh về phương án thực hiện dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN; lập và đăng ký với Sở Tài nguyên Môi trường về kế hoạch thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất 2015-2017. Thống nhất với UBND huyện Kỳ Sơn về biện pháp đẩy mạnh công tác GPMB khu công nghiệp. Hoàn thiện báo cáo đầu tư mới của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Mông Hóa trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.

 

KCN Lạc Thịnh: Nhà đầu tư đã hoàn thành lắp đặt đưa vào sử dụng trạm trộn bê tông tươi phục vụ và khoan giếng thăm do kiểm nghiệm đánh giá chất lượng và trữ lượng nước phục vụ việc xây dựng hạ tầng KCN và nhà máy Bia… Ban Quản lý thực hiện tốt công tác phối hợp tuyên truyền phát triển đoàn viên, hướng dẫn Công đoàn cơ sở tổ chức Đại hội theo nhiệm kỳ. Đến nay, các KCN có 29 tổ chức công đoàn cơ sở với hơn 9.000 đoàn viên công đoàn. Phối hợp với Công an tỉnh tổ chức thành công Hội nghị phổ biến, quán triệt Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC và tổ chức diễn tập, cứu hộ. Chuẩn bị các điều kiện nhận ủy quyền một số nhiệm vụ trong công tác quản lý lao động từ Sở LĐ-TB&XH theo nội dung thông tư 32/2014/TT-BLĐTBXH.

 

Công tác xúc tiến và quản lý đầu tư: Với phương châm chăm sóc, hỗ trợ kịp thời cho các nhà đầu tư và các dự án, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hòa Bình đã tư vấn, hướng dẫn và cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, công tác quy hoạch, đầu tư, chính sách ưu đãi trong các KCN,... cho các nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát và thực hiện đầu tư vào các KCN. Ban Quản lý cũng thường xuyên thực hiện rà soát, phân loại các doanh nghiệp, dự án trong các KCN. Phần lớn các dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư thực hiện đúng tiến độ, mục tiêu đầu tư đã đăng ký; nhiều dự án triển khai xây dựng nhà xưởng chỉ trong thời gian ngắn sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

 

Công tác bảo vệ môi trường: được Ban Quản lý chú trọng thực hiện với việc thường xuyên đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong các KCN.

 

Công tác cải cách hành chính: Ban Quản lý đã xây dựng và tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch cải cách hành chính năm 2015. Thực hiện rà soát chức năng, nhiệm vụ theo Nghị định 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ; rà soát các quy định mới trong các bộ luật và văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành để sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính; tổ chức cho tập thể, cá nhân đăng ký cam kết thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; hoàn thành việc điều chỉnh, bổ sung Quy chế hoạt động, Quy chế chi tiêu nội bộ, mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản nhà nước....

 

Mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu phát triển các KCN 6 tháng cuối năm 2015: Ban Quản lý các KCN tỉnh Hòa Bình tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật các KCN bờ trái sông Đà, Mông Hóa, Yên Quang và Lạc Thịnh; tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư, tập trung thu hút các dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, đóng góp nhiều cho ngân sách địa phương. Phấn đấu trong năm 2015, Ban Quản lý các KCN tỉnh thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quyết định số 1692/QĐ-UBND của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 26/5/2014; Phối hợp chặt chẽ với các ngành, chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ GPMB tại các KCN; Tăng cường đôn đốc các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng đẩy nhanh tiến độ GPMB và xây dựng đồng bộ hạ tầng cơ sở kỹ thuật để bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư; Thực hiện công khai, minh bạch, nghiêm túc các thủ tục hành chính, đơn giản hóa; nâng cao chất lượng các dịch vụ cung cấp cho các doanh nghiệp trong KCN; Xây dựng Đề án phát triển nhà ở xã hội cho công nhân trong các KCN đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030; Xây dựng Kế hoạch tổ chức hội nghị Xúc tiến đầu tư vào các KCN dành cho các nhà đầu tư Hàn Quốc trình UBND tỉnh phê duyệt./.

 

Thanh Bình


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang