Thứ Bẩy, 27/04/2024 20:14:05 GMT+7

Tin đăng lúc 17-01-2024

Lượt xem: 342

Sở Công Thương Bình Phước: Hiệu quả của hoạt động khuyến công đối với phát triển công nông thôn

Bình Phước là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thuận lợi về khí hậu và thổ nhưỡng, thích hợp với trồng cây công nghiệp như cao su, điều, tiêu, cà phê, cây ăn trái. Đây là những nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến của tỉnh.
Sở Công Thương Bình Phước: Hiệu quả của hoạt động khuyến công đối với phát triển công nông thôn

Xác định phát triển công nghiệp nông thôn là một trong những giải pháp cơ bản để thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong, đồng thời triển khai có hiệu quả Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 09/6/2004 của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn (được thay thế bằng Nghị định 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công), Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định, việc thành lập một tổ chức chuyên trách để giúp lãnh đạo tỉnh triển khai thực hiện nhiệm vụ này là cần thiết. Theo đó, ngày 03/4/2006, Trung tâm Khuyến công tỉnh Bình Phước được UBND tỉnh quyết định thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9/2006 (nay là Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp).

 

Ngay sau khi được thành lập, Trung tâm tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn bền vững, góp phần vào việc thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế của địa phương.

 

Góp phần nâng cao hoạt động khuyến công, Trung tâm tham mưu Sở Công Thương trình UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế, chính sách khuyến công, phù hợp với đặc thù của địa phương, theo đó, mục tiêu là khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn không ngừng phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm, cạnh tranh doanh nghiệp, cạnh tranh cấp tỉnh, tiến tới nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

 

Để đạt được kỳ vọng cũng như mục tiêu đề ra, Sở Công Thương chỉ đạo Trung tâm Khuyến công chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu về các chính sách hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn, các chương trình, đề án khuyến công cho từng giai đoạn, hàng năm, phù hợp với khả năng, nguồn lực của tỉnh; kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở công nghiệp nông thôn; tranh thủ sự hỗ trợ nguồn lực từ Cục Công Thương địa phương - Bộ Công Thương, trong đó tập trung hỗ trợ đổi mới công nghệ thiết bị trong sản xuất, phát triển sản phẩm, tạo ra sản phẩm có năng lực cạnh tranh trên thị trường, tiến tới đẩy mạnh sản xuất sản phẩm xuất khẩu.

 

Qua 17 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp đã thực hiện tốt vai trò khuyến của mình. Hoạt động khuyến công góp phần quan trọng trong việc khuyến khích thúc đẩy công nghiệp nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tạo việc làm cho lao động địa phương, thông qua việc triển khai thực hiện 280 đề án (50 đề án khuyến công quốc gia và 230 đề án khuyến công địa phương) với tổng kinh phí 54,4 tỷ đồng (quốc gia 24,9 tỷ đồng, địa phương 29,5 tỷ đồng). Đồng thời, thu hút được nguồn đầu tư tăng thêm của các cơ sở công nghiệp nông thôn khoảng 1.243,5 tỷ đồng.

 

Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp tham mưu UBND tỉnh tổ chức được 06 kỳ bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh với 108 lượt sản phẩm được bình chọn; tổ chức và hỗ trợ các cơ sở CNNT tham gia 05 kỳ bình chọn sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực và 04 kỳ bình chọn cấp quốc gia (có 47 lượt sản phẩm được bình chọn cấp khu vực và 18 lượt sản phẩm được bình chọn cấp quốc gia).

 

Tiếp tục phát huy những kết quả tích cực đã đạt được của hoạt động khuyến công trong những năm qua, đồng thời góp phần thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, Sở Công Thương Bình Phước định hướng các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của hoạt động khuyến công trong thời gian tới như sau: 

 

1. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình Khuyến công quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, cụ thể hóa bằng kế hoạch hành động cụ thể đối với nội dung phát triển công nghiệp theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025; xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án khuyến công tại địa phương; sử dụng hiệu quả cao nhất nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và nguồn kinh phí khuyến công địa phương được giao.

 

2. Thường xuyên rà soát cơ chế, chính sách đã ban hành để đề nghị cơ quan có thẩm quyền bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp trong công tác thực hiện hoạt động khuyến công.

 

3. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn có sản phẩm tiêu biểu xây dựng và đăng ký thương hiệu, mở rộng sản xuất, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại.

 

4. Khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ vào sản xuất công nghiệp nông thôn. Ưu tiên, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm, giảm sức lao động thủ công, xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường, đẩy mạnh thực hiện chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.

 

5. Chủ động xây dựng các đề án khuyến công lồng ghép với các chương trình hỗ trợ khác của Nhà nước. Đặc biệt, đối với các xã nông thôn mới, ưu tiên hỗ trợ các cơ sở công nghiệp trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất các sản phẩm có lợi thế, sản phẩm chủ lực của tỉnh phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu.

 

6. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Nhà nước để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn bền vững; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn hoạt động khuyến công để nâng cao hiệu quả của hoạt động khuyến công.

 

7. Đào tạo bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản lý, tổ chức thực hiện cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công.

 

Qua hoạt động khuyến công, các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đã không ngừng lớn mạnh, tự khẳng định mình, sản phẩm sản xuất ra ngày càng nhiều, đa dạng, chất lượng sản phẩm được nâng cao gắn với nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa, sản phẩm có giá cả cạnh tranh, đáp ứng với nhu cầu của thị trường, từng bước tham gia hoạt động xuất khẩu. 

 

 

Nguồn Cục Công Thương địa phương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang