Chủ Nhật, 28/04/2024 00:22:48 GMT+7

Tin đăng lúc 26-09-2016

Lượt xem: 2883

Thái Nguyên: Chặn thực phẩm bẩn

Thái Nguyên là tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp nhưng hầu như không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là ngộ độc tập thể. Kết quả này có được do địa phương luôn nỗ lực, chủ động trong vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP).
Thái Nguyên: Chặn thực phẩm bẩn
Kiểm tra ATTP tại chợ Thái - chợ trung tâm lớn nhất tỉnh Thái Nguyên

Đồng loạt vào cuộc

 

Nhằm tăng cường quản lý thị trường thực phẩm, đầu năm 2016, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Chỉ thị số 05/CT-UBND về tăng cường công tác đảm bảo ATTP, trong đó, yêu cầu sự vào cuộc tích cực, nghiêm túc của tất cả các sở, ban, ngành và đoàn thể, tổ chức chính trị,từ việc chỉ đạo, quản lý, tham mưu, tuyên truyền đến tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP. Ngoài ra, thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP, Thái Nguyên đã bắt tay vào kiện toàn Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP của tỉnh. Theo đó, Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP có sự tham gia của tất cả các lãnh đạo cao nhất của tỉnh, thành phố, huyện, các sở, ban, ngành, do đích thân ông Vũ Hồng Bắc- Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên làm Trưởng ban.

 

Với sự chủ động, tích cực, công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thực sự có những thay đổi rõ rệt. 8 tháng đầu năm nay, Thái Nguyên xử lý vi phạm hành chính hơn 1.500 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách gần 6 tỷ đồng.

 

Bên cạnh đó, thực hiện việc phân cấp quản lý và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, ngành Y tế, ngành Nông nghiệp, ngành Công Thương Thái Nguyên đã thực hiện phân công, phân cấp tới các đơn vị ở xã, phường, thị trấn để tránh sự chồng chéo, bỏ sót. Kết quả, 7 tháng đầu năm đã cấp gần 3.690 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Trong đó, ngành Y tế cấp 220 giấy, ngành Nông nghiệp 129 giấy, ngành Công Thương 20 giấy.

 

Nâng cao ý thức người dân

 

Theo ông Nguyễn Vy Hồng - Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên, xác định vai trò chủ lực trong công tác ATTP, tháng 6/2016, 3 ngành: Y tế, Nông nghiệp, Công Thương đã tổ chức ký quy chế phối hợp và thực hiện ký cam kết đảm bảo ATTP với 3.796 cơ sở.

 

“Mỗi ngành, địa phương đều có đường dây nóng tiếp nhận thông tin về vi phạm ATTP, hoạt động 24/24h, tất cả các ngày trong tuần” – ông Nguyễn Vy Hồng nhấn mạnh. Cũng theo ông Hồng, do Thái Nguyên chưa quy hoạch được vùng trồng, vùng nuôi nên việc truy xuất nguồn gốc gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, nguồn kinh phí cho hoạt động ATTP còn hạn chế (tính đến tháng 9 vẫn chưa có kinh phí hoạt động của năm 2016!); quá trình kiểm tra, thanh tra vẫn tồn tại những vướng mắc, chồng chéo.

 

Cũng theo ông Hồng, bên cạnh sự phân công, phối hợp hiệu quả của các ngành, rất cần tuyên truyền để nêu cao vai trò, trách nhiệm của người dân. Người dân có nhận thức tốt về ATTP, thì quá trình sản xuất, cung cấp, vận chuyển, chế biến, lưu thông thực phẩm mới đảm bảo an toàn.

 

Ông Trịnh Việt Hùng - Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP tỉnh Thái Nguyên - nhấn mạnh: Làm sao để mỗi người dân là một giám sát viên về ATTP. Có như vậy, vấn đề ATTP mới có thể được giải quyết hiệu quả và rộng khắp.

 

Thái Nguyên đang triển khai kế hoạch đầu tư 16 tỷ đồng trang bị bộ máy xét nghiệm cho ngành Nông nghiệp tỉnh, với mục tiêu kiểm soát tốt nhất chất lượng sản phẩm nông nghiệp ở các vùng trồng, vùng nuôi.

 

Nguồn Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang