Thứ Bẩy, 27/04/2024 04:37:58 GMT+7

Tin đăng lúc 29-07-2016

Lượt xem: 5991

"Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VI- Bình Định 2016: Nâng tầm võ Việt"

Đến hẹn, hai năm một lần, tỉnh Bình Định lại hân hoan chào đón các đoàn võ thuật, quốc tế và trong nước hội tụ về miền đất võ – cái nôi của võ cổ truyền Việt Nam, tinh hoa kế thừa từ kinh nghiệm chiến đấu bảo vệ và xây dựng đất nước mà linh hồn của nó là hào khí Quang Trung – “áo vải cờ đào”.
"Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VI- Bình Định 2016: Nâng tầm võ Việt"
Họp báo Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VI - Bình Định 2016

Được sự cho phép của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, đầu tháng 8/2016, Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Bình Định được tổ chức lần thứ VI với chủ đề: “Bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Việt Nam” với sự đa dạng, biến hóa cả nội dung và hình thức, góp phần đem lại sức sống trường tồn đặc trưng của võ cổ truyền dân tộc.

 

Trước thềm ngày hội lớn của võ cổ truyền Việt Nam, Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tuấn Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - Trưởng BTC Liên hoan về những vấn đề bạn đọc quan tâm:

 

PV: Xin ông cho biết ý nghĩa và quy mô của Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VI – Bình Định 2016?

 

Ông Nguyễn Tuấn Thanh: Tổ chức Liên hoan quốc tế Võ thuật cổ truyền Việt Nam lần thứ VI - Bình Định năm 2016 nhằm bảo tồn, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, trong đó có võ cổ truyền Bình Định - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Qua đó, tăng cường giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế về quê hương, đất nước, con người Bình Định, miền đất có truyền thống thượng võ lâu đời, quê hương của người Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ. Liên hoan cũng là dịp để các võ phái, võ đường trong nước và quốc tế gặp gỡ, giao lưu, trao đổi về công tác bảo tồn và phát triển võ cổ truyền Việt Nam nói chung, võ cổ truyền Bình Định nói riêng, giúp bạn bè quốc tế hiểu sâu sắc hơn về văn hóa truyền thống Bình Định. Thông qua hoạt động trong các chương trình của Liên hoan sẽ tăng cường công tác quảng bá về văn hóa, du lịch của địa phương đối với các nhà đầu tư cũng như du khách trong và ngoài nước, nhằm phát triển du lịch và thu hút đầu tư.

 

Với yêu cầu tổ chức Liên hoan lần này đạt hiệu quả cao và tiết kiệm nên Ban Tổ chức đã chọn lọc khách mời tham dự Liên hoan đạt chất lượng. Có 51 đoàn võ thuật trong và ngoài nước đăng ký tham dự Liên hoan, trong đó có 16 đoàn võ thuật đến từ 8 quốc gia (Ma rốc, Ý, Pháp, Mỹ, Nga, Angiêri, Canada, Bồ Đào Nha) và 35 đoàn trong nước, với tổng số 1.000 võ sư, huấn luyện viên, võ sinh tham gia.

 

 PV: Đã có kinh nghiệm 5 lần tổ chức Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam, xin ông cho biết những điểm nhấn khác biệt tại liên hoan lần này?

 

Ông Nguyễn Tuấn Thanh: Chúng ta tổ chức Liên hoan nhằm mục đích giới thiệu bản sắc văn hóa Bình Định, quảng bá để thu hút khách du lịch, thu hút nhà đầu tư góp phần phát triển kinh tế địa phương; các đoàn trong và ngoài nước tham gia có cơ hội thể hiện những tinh hoa võ thuật của môn phái, võ đường, đồng thời trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn. Liên hoan lần này tập trung vào biểu diễn võ cổ truyền Việt Nam, hạn chế các chương trình nghệ thuật trong khai mạc, bế mạc và nội dung liên hoan. Tạo điều kiện nhiều hơn cho các đoàn tham gia Liên hoan được biểu diễn phục vụ khán giả, giao lưu để trao đổi kinh nghiệm và tham quan các di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh của địa phương. Qua Liên hoan lần này, chúng ta hướng đến việc xây dựng bộ hồ sơ để trình Chính phủ cho phép võ cổ truyền Bình Định trình UNESCO xem xét trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại trong thời gian đến.

 

 PV: Bình Định tạo thông điệp gì đối với quốc tế và trong nước về góp phần vinh danh tinh thần thượng võ của dân tộc, thưa ông?

 

Ông Nguyễn Tuấn Thanh: Võ cổ truyền Bình Định tự hào là một trong những cái nôi của võ cổ truyền Việt Nam, được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tổ chức các kỳ liên hoan nhằm khẳng định chân giá trị của võ cổ truyền Bình Định, đồng thời luôn tạo điều kiện cho bạn bè trong và ngoài nước đến với miền đất võ để trải nghiệm và nâng cao những tinh hoa quý giá về võ học cổ truyền của dân tộc Việt Nam.

 

PV: Hiện nay, nhiều địa phương trong toàn quốc cùng tổ chức Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam, theo ông, Bình Định làm thế nào để giữ được thế độc quyền trong tổ chức liên hoan quốc tế võ cổ truyền cho miền đất “trời văn, đất võ” này đúng với ý nghĩa là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia?

 

Ông Nguyễn Tuấn Thanh: Hiện nay, trong cả nước có 3 địa phương tổ chức hoạt động võ cổ truyền Việt Nam mang tầm quốc tế. Thành phố Hà Nội tổ chức “Đại hội Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam Cúp Thăng Long lần thứ I năm 2015”; thành phố Hồ Chí Minh tổ chức “Giải vô địch thế giới Võ cổ truyền Việt Nam 2016” và Bình Định là “Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam” tổ chức từ năm 2006. Sau khi kết thúc Liên hoan lần thứ I, tỉnh Bình Định đã đăng ký bản quyền tổ chức “Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam” với chu kỳ 2 năm/lần vào các năm chẵn. Thực tế hiện nay, việc tổ chức các hoạt động võ cổ truyền Việt Nam tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh không ảnh hưởng cũng như vi phạm bản quyền đối với Liên hoan tổ chức tại Bình Định. Thứ nhất, tên gọi của ba hoạt động trên đều khác nhau. Thứ hai, nội dung, tính chất chuyên môn cũng khác nhau. Bình Định tổ chức cho các đoàn đến để biểu diễn và giao lưu; thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội tổ chức thi đấu, tranh thắng - thua.

 

Để “Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam” tổ chức tại Bình Định ngày càng lan tỏa, nâng tầm và đạt trình độ chuyên môn cao, chúng ta cần quan tâm đến một số nội dung sau:

 

Thứ nhất, Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam tại Bình Định phải đạt được mục đích: Giới thiệu, quảng bá văn hóa Bình Định; Tạo không gian cho các đoàn hoạt động giao lưu, biểu diễn; Thu hút khách du lịch và đầu tư phát triển kinh tế.

 

Thứ hai, công tác tổ chức phải đi vào chiều sâu, tạo dấu ấn về chuyên môn, tăng cường công tác tuyên truyền; tránh phô trương, hình thức, lãng phí.

 

Thứ ba, chủ động trong tiếp cận nắm bắt thông tin đối với các tổ chức, liên đoàn võ thuật các nước, song song với hợp tác với liên đoàn võ cổ truyền các tỉnh, thành phố, đồng thời tranh thủ sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hỗ trợ của Tổng cục Thể dục thể thao, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, Liên đoàn thế giới Võ cổ truyền Việt Nam trong công tác tổ chức Liên hoan để mở rộng Võ cổ truyền Việt Nam ra nước ngoài nhiều hơn./. 

 

PV: Thay mặt độc giả Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng chân thành cám ơn ông và kính chúc Liên hoan quốc tế võ cổ truyền lần thứ VI – Bình Định 2016 thành công tốt đẹp.

                                                                            

     Văn Thuận (thực hiện)


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang