Thứ Bẩy, 27/04/2024 11:33:34 GMT+7

Tin đăng lúc 30-06-2016

Lượt xem: 2934

Doanh nghiệp cần niềm tin, cần nguồn cảm hứng và đặc biệt là cần điểm tựa từ Chính phủ

Những ngày cuối tháng tư vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã rất vui mừng khi ngay trong tháng đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016 với nhiều cam kết, tuyên bố và hành động chứng minh Chính phủ sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, phục vụ doanh nghiệp thay vì coi doanh nghiệp là đối tượng để quản lý như trước kia.
Doanh nghiệp cần niềm tin, cần nguồn cảm hứng và đặc biệt là cần điểm tựa từ Chính phủ
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam

Coi doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển kinh tế

 

Nhiều người đã tỏ ra lạc quan khi nhìn vào số lượng các doanh nghiệp (DN) tham gia vào Hội nghị đối thoại với Thủ tướng Chính phủ. Có tới 300 DN tư nhân được Chính phủ mời tham dự, trong khi cả DN nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cộng lại chỉ có 70 DN. Đặc biệt, ngay tại Hội nghị, Thủ tướng cũng khẳng định lại một lần nữa “DN tư nhân là động lực phát triển kinh tế”. Đó là mong muốn, là cam kết của Chính phủ, tuy nhiên, sự phân biệt đối xử giữa DN nhà nước và DN tư nhân là điều có thể cảm nhận được trong thực tiễn cho đến thời điểm hiện nay.

 

Theo ý kiến của một chuyên gia, nền kinh tế nước nào cũng cần phải có hai chân để đi, đó là cộng đồng các DN trong nước và các DN FDI. Trong đó, DN trong nước phải là “chân phải” và DN FDI là “chân trái”. Tuy nhiên, hiện nay “chân trái” quá lớn, đi quá tốt trong khi chân phải thì quá chậm. Nguyên nhân có lẽ bởi các DN quốc doanh của chúng ta trong nhiều năm liền không làm tốt được vai trò của mình, trong khi đó họ lại được hưởng quá nhiều đặc quyền, đặc lợi và khi cơ hội đã dồn hết cho các DN nhà nước thì đương nhiên các DN tư nhân sẽ bị teo lại. Để giải quyết vấn đề này, việc mà Chính phủ và cộng đồng DN Việt phải làm là tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để các DN trong nước lớn nhanh cho bằng với các DN FDI. Chính phủ cần xem xét nếu DN nào làm ăn tốt, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp tốt cho ngân sách nhà nước, có đủ năng lực cạnh tranh quốc gia và thế giới thì hãy ưu tiên cho các DN đó, đây chính là cách nuôi dưỡng nguồn thu. Còn đối với những DN FDI, họ ít bị ràng buộc bởi những rào cản thể chế của ta, vốn vay của họ cũng không bị phụ thuộc vào thị trường trong nước. Do vậy, công việc cần làm hiện nay là làm sao nâng các DN trong nước lên để họ có thể cạnh tranh bình đẳng với các DN FDI.

 

Giảm bớt kiểm tra, bớt gánh nặng cho doanh nghiệp

 

Đã có rất nhiều vấn đề mà các doanh nghiệp kiến nghị với Chính phủ, một trong những bức xúc của các doanh nghiệp đó chính là tình trạng thanh tra kiểm tra chồng chéo của các cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều DN tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Mỗi năm doanh nghiệp phải tiếp hàng chục đoàn thanh tra kiểm tra, thậm chí có DN trong một tháng tiếp tới 4 đoàn thanh tra. Vì vậy, Nhà nước nên tạo ra những hành lang pháp lý để DN tự tuân thủ, tự hoạt động, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật chứ các cơ quan quản lý nhà nước không cần phải tiến hành thanh tra, kiểm tra quá nhiều, gây bức xúc cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để khắc phục điều này không thể một sớm một chiều. 

 

 

Xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn, công nghệ cao

 

Hiện nay một vấn đề nữa cũng đang đè nặng lên doanh nghiệp đó là thuế và phí. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, năm 2016 thì DN Việt Nam đang phải dành 39,4% lợi nhuận để nộp thuế (tỉ lệ này rất là cao so với mức 18,4% của Singapore, 7,5% của Thái Lan và 29,7% của Indonesia). Đáng tiếc là trong bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn như hiện nay thì xu hướng này được dự đoán là sẽ tiếp tục đè nặng hơn cho DN.

 

Không chỉ vậy, ngay từ đầu năm 2016, DN lại nhận thêm một cú “sốc” khi phải gánh thêm hai khoản tăng thêm của chi phí lao động nữa là lương tối thiểu tăng thêm 12,4% và tăng phí đóng BHXH cho người lao động (NLĐ). Đây thực sự là gánh nặng lớn cho các DN, nó không chỉ có tác động mạnh đến hoạt động SXKD của DN mà còn ảnh hưởng đến cả tâm lý của các nhà quản lý DN.

 

Nói về vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, do áp lực phải tăng thu nên có những chi phí trước đây được tính là chi phí hợp lý hợp lệ thì năm nay lại không được tính là chi phí hợp lý hợp lệ nữa, hoặc cũng là một loại thuế, trước đây tính là 0% nhưng qua tính toán, giờ lại áp 5% và điều đáng lo ngại là không chỉ thu cho một năm mà còn hồi tố lại cho 5 hay 10 năm trước. Như vậy khoản thuế mà DN phải nộp thêm so với bình thường DN phải nộp là tăng lên rất nhiều. Bên cạnh đó, DN còn phải gánh thêm các loại chi phí đối với NLĐ, trong đó mức đóng BHXH 22% được cho là quá cao so với các nước trong khu vực như Malaysia là 15%, Thái Lan là 5%, Trung Quốc là 19%.Nếu chi phí lao động tăng thì sẽ có một lượng lớn NLĐ bị mất việc làm và về lâu dài thì rõ ràng là không bền vững. Do đó, nên thay đổi cách tính tăng lương hiện nay vì nó phi thị trường, hãy để DN họ quyết định trên cơ sở chúng ta cung cấp cho NLĐ những kỹ năng, thông tin để họ đàm phán với DN. Thời điểm này là thời điểm phải “khoan dung” cho DN nhiều hơn, mà muốn vậy thì phải giảm chi, đồng thời nâng cao hiệu quả các khoản chi của Chính phủ…

 

Cần phải có cơ chế đánh giá, giám sát thường xuyên các cơ quan thực thi

 

Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao và rất tâm đắc về thông điệp mới của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị vừa qua. Tuy nhiên, theo ý kiến của các DN thì để thực thi thông điệp này cần phải có cơ chế đánh giá, giám sát thường xuyên từ Chính phủ trở xuống và cần tham khảo ý kiến, quan điểm của các hiệp hội, trong đó, Thủ tướng chính là người giám sát thực thi các cơ quan quản lý nhà nước.

 

Chính phủ thông qua các Hiệp hội để các DN bỏ phiếu tín nhiệm các công chức thừa hành các nhiệm vụ phục vụ cho DN. Nếu vấn đề này được thực thi chắc chắn cộng đồng các DN sẽ ủng hộ, sẽ cải thiện thái độ và nhận thức của đội ngũ công chức trong quá trình phục vụ DN.

 

Thời gian qua, dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, nhưng thực tiễn vẫn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là trước ngưỡng cửa hội nhập kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, các DN đang kỳ vọng rất nhiều vào sự thay đổi từ phía Chính phủ. Chúng ta có quyền lạc quan và đặt niềm tin vào bộ máy mới -  nơi tạo nguồn cảm hứng và là điểm tựa vững chắc cho các doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập./.

 

 

Khẳng định của Thủ tướng tại Hội nghị với DN 2016:

 

Coi DN tư nhân là động lực để phát triển kinh tế.

 

Ngăn chặn có hiệu quả việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư, DN (trừ trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì cần xử lý nghiêm minh).

 

Nghị định, Thông tư phải được thực hiện theo đúng Luật DN và Luật Đầu tư. Yêu cầu từ 1/7/2016 phải có hiệu lực, bỏ hết các quy định cũ trái với Luật đã được Quốc hội thông qua.

 

Không thanh tra chồng chéo, không kiểm tra khi không có lý do chính đáng.

 

Không tăng phí, lệ phí, thuế, không tăng lãi vay ngân hàng và nghiên cứu giảm lãi suất vay (giảm 1% trong vay trung, dài hạn và lĩnh vực ưu tiên).

 

Không bổ sung hồ sơ quá 1 lần, không được kéo dài thời gian xử lý thủ tục hành chính cao hơn theo quy định của pháp luật.

 

 


 

Như Quỳnh (thực hiện)


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang