Thứ Sáu, 26/04/2024 21:34:57 GMT+7

Tin đăng lúc 23-12-2015

Lượt xem: 3939

Xuất khẩu xi măng giảm do chịu nhiều áp lực

Trong năm 2015 này, ngành sản xuất xi măng của Việt Nam đang phải chịu nhiều áp lực để duy trì tốt khối lượng xi măng xuất khẩu do tình hình nhu cầu của các nước trên Thế giới giảm.
Xuất khẩu xi măng giảm do chịu nhiều áp lực
Rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp tại thị trường xuất khẩu xi măng.

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), thời gian vừa qua, các doanh nghiệp sản xuất xi măng của Việt Nam đã phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ quốc gia có nguồn cung xi măng lớn nhất Thế giới là Trung Quốc. 

Thống kê cho thấy, hiện nay, sản lượng nguồn cung xi măng của Trung Quốc chiếm 60% tổng sản lượng xi măng toàn Thế giới. Các sản phẩm như xi măng và clinker của Trung Quốc được bán với giá thấp hơn các nước khác trong đó có Việt Nam.

Nguyên nhân là do tiêu thụ tại thị trường trong nước giảm, khiến ngành xi măng của Trung Quốc ra sức đẩy mạnh thị trường xuất khẩu, điều này dẫn tới tình trạng bất ổn lan rộng khắp các thị trường xuất khẩu xi măng tại châu Á.

 

Trước sự cạnh tranh gay gắt từ đối thủ mạnh là Trung Quốc và các nước có truyền thống về xuất khẩu xi măng như Indonesia, Thái Lan... khiến cho mục tiêu xuất khẩu đạt 20 triệu tấn xi măng và clinker của các doanh nghiệp Việt Nam trở nên vô cùng khó khăn.


Theo ông Lương Quang Khải, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM), là đơn vị sản xuất xi măng chiếm 35% thị phần tại Việt Nam, VICEM cho biết, trong năm 2015, đơn vị chỉ có thể góp phần vào mục tiêu xuất khẩu của toàn ngành khoảng 3,5 triệu tấn, tương đương 60% mục tiêu đề ra.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng Giám đốc Tập đoàn Xi măng The Vissai cho biết, mặc dù là doanh nghiệp xuất khẩu xi măng hàng đầu của Việt Nam nhưng năm 2015 này, Vissai cũng không thể hoàn thành mục tiêu xuất khẩu của mình. Nguyên nhân chính xuất phát từ nhu cầu nhập khẩu xi măng từ thị trường Thế giới giảm, nguồn cung từ các quốc gia có tiềm lực sản xuất mạnh gia tăng, chi phí đầu vào của các doanh nghiệp xi măng tăng cao khiến cho giá xi măng kém lợi thế.

Bên cạnh đó, các cảng xuất xi măng của Việt Nam chưa được đầu tư xây dựng để có thể đón các tàu lớn có sức chưa lớn hơn 20.000 DWT. Hiện nay, các doanh nghiệp của Việt Nam đang phải xuất khẩu theo hình thức FOB (free on board - giao hàng lên tàu) có nghĩa là người bán chỉ cần giao hàng lên tàu tại cảng xếp hàng. Theo các nhà phân tích StoxPlus, các doanh nghiệp xuất khẩu xi măng của Việt Nam lựa chọn hình thức FOB sẽ làm mất lợi thế cạnh tranh của chính mình trước các nước có thế mạnh về xuất khẩu trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc...

Tính đến năm 2014, Việt Nam là quốc gia đứng vị trí thứ 5 trong nhóm các nước xuất khẩu xi măng nhiều nhất Thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và Hoa Kỳ. Hiện nay, toàn ngành có 76 dây chuyền sản xuất xi măng đang hoạt động, công suất huy động đạt 81,56 triệu tấn. Năm 2016, Bộ Xây dựng dự báo tiêu thụ xi măng ước đạt 75 - 77 triệu tấn, tăng từ 4 - 7%.
 

Nguồn: ximang.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang