Thứ Bẩy, 27/04/2024 00:31:05 GMT+7

Tin đăng lúc 25-06-2018

Lượt xem: 1824

Xuất khẩu gỗ lo thiếu nguyên liệu

Mục tiêu xuất khẩu chín tỷ USD của năm 2018 không phải quá nặng nề đối với ngành gỗ. Tuy nhiên, ngành nghề này đang đứng trước thách thức rất lớn trước mối lo thiếu nguyên liệu sản xuất.
Xuất khẩu gỗ lo thiếu nguyên liệu
Khát nguồn cung gỗ nguyên liệu cho xuất khẩu.

Nỗi lo nguồn cung

 

Theo số liệu của Bộ Công thương, giá trị xuất khẩu (XK) gỗ và các sản phẩm 5 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2017. Các thị trường chính của gỗ Việt Nam gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc với mức kim ngạch XK lần lượt đạt 1,05 tỷ USD; 367 triệu USD; 350 triệu USD và 289 triệu USD. Nhờ chất lượng tốt, giá phải chăng, các sản phẩm gỗ Việt Nam ngày càng được thị trường ưa chuộng với kim ngạch tăng trưởng đều đặn.

 

Năm 2018, ngành gỗ đặt mục tiêu kim ngạch XK đạt chín tỷ USD, tăng một tỷ USD so với năm 2017. Đây được đánh giá là mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được với năng lực sản xuất của các doanh nghiệp XK gỗ hiện nay. Tuy nhiên, mối lo lớn hơn lại đến từ nguồn cung gỗ. Nguồn cung gỗ đang có xu hướng thắt chặt trong khi cầu phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ duy trì ở mức cao khiến giá gỗ nguyên liệu tăng cao. Trên thị trường thế giới, những tháng đầu năm nay, giá lim Tây Phi đã tăng lên mức 475 USD/m3 do nguồn cung eo hẹp và chính sách tăng thuế XK của các nước Tây Phi; Giá gỗ tròn nhiệt đới cũng tăng lên mức 316 USD/m3, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Chưa kể, do nguồn cung trong nước không đủ để phục vụ XK, Việt Nam đang phải phụ thuộc khá nhiều vào việc nhập khẩu (NK) gỗ nguyên liệu để phục vụ chế biến gỗ trong nước. Tuy nhiên, xuất xứ hợp pháp của nguyên liệu gỗ cũng đang là vấn đề đáng lo ngại. Châu Phi là nguồn cung gỗ nguyên liệu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2017, châu Phi đã cung cấp hơn 1,3 triệu m3 gỗ, chiếm 25% trong tổng lượng gỗ nguyên liệu tròn và xẻ NK vào Việt Nam trong năm. Tuy nhiên, hiện NK gỗ từ châu Phi đang tiềm ẩn những rủi ro về pháp lý. Cụ thể, đang tồn tại sự lộn xộn về tên gọi của các loại gỗ NK do nhà NK và cơ sở chế biến lấy tên loại gỗ của Việt Nam áp cho gỗ từ châu Phi. Điều này dẫn một số khó khăn và rủi ro trong sử dụng và kiểm soát nguồn gỗ NK từ châu lục này, hoặc quá trình sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu.

 

Ông Tô Xuân Phúc - Chuyên gia tổ chức Forest Trends nhấn mạnh: Việt Nam sẽ thực hiện Hiệp định Đối tác tự nguyện VPA/FLEGT với Liên hiệp châu Âu (EU) trong tương lai. Hiệp định này đòi hỏi sự minh bạch về nguồn gỗ nguyên liệu NK nếu muốn được hưởng ưu đãi thuế từ EU. Tuy nhiên, nguồn cung gỗ từ châu Phi đang thiếu thông tin chính là rủi ro, bởi thiếu bằng chứng về tính hợp pháp. Với lượng cung rất lớn, việc minh bạch thông tin về nguồn gỗ này là điều tối quan trọng.

 

Ngoài đối tác EU, một loạt các hiệp định thương mại, hiệp định đối tác tự nguyện… đang khiến các nhà chế biến gỗ hàng đầu đổ xô thu mua nguồn gỗ nguyên liệu có nguồn gốc hợp pháp để thay cho nguồn nguyên liệu có tính rủi ro cao trước đây. Điều này sẽ trực tiếp tác động đến các hoạt động chế biến và XK các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào các thị trường chủ lực trong thời gian tới.

 

Ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) nhấn mạnh, thách thức lớn nhất với ngành gỗ khi thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là nguyên liệu. Trong Hiệp định CPTPP hay tất cả các FTA trước đây, có chương rất quan trọng là xuất xứ, phải bảo đảm nguồn gốc gỗ hợp pháp. Trên thế giới có nhiều quốc gia bán gỗ nhưng không phải nước nào cũng có gỗ hợp pháp. Năm 2018, Việt Nam phải sử dụng khoảng 41 triệu m3 gỗ, dù có tìm đủ nguồn nguyên liệu thì các yếu tố về giá thành và chi phí tăng cao sẽ là vấn đề không nhỏ đặt ra đối với DN.

 

Đối với nguồn gỗ trong nước, những cánh rừng có chứng chỉ FSC (chứng nhận được dùng cho các nhà quản lý rừng hay những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng bảo đảm được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường với lợi ích xã hội của các bên liên quan) mới chỉ khoảng 220 nghìn ha trên tổng số khoảng 4-5 triệu ha. Trong khi đó, Viêt Nam muốn có khoảng 1-2 triệu ha gỗ sạch cũng phải mất vài chục năm nữa.

 

Phát huy nội lực, thúc đẩy xuất khẩu

 

Ông Huỳnh Quang Thanh - Chủ tịch Hội chế biến gỗ Bình Dương – Tổng giám đốc Công ty TNHH Hiệp Long nhận định, xu hướng trên thế giới vẫn còn sử dụng đồ gỗ trong nhiều năm, kết hợp với sự thay đổi trong sử dụng nguyên liệu làm đồ nội thất. Do vậy, để ngành gỗ Việt phát triển một cách chủ động cần phải có định hướng chi tiết, rõ ràng và cụ thể ở tầm vĩ mô từ các cơ quan quản lý nhà nước về các vấn đề như nguyên liệu, đào tạo nghề, tiếp thị và mở rộng thị trường.

 

Ông Nguyễn Tôn Quyền cho biết thêm, các DN ngành gỗ buộc phải thay đổi công nghệ cũng như thay đổi cả người vận hành công nghệ để có thể giúp DN và toàn ngành phát triển ổn định, bền vững trong tương lai.

 

Bên cạnh đó, trong ngắn hạn, doanh nghiệp ngành gỗ cần đa đạng hóa thị trường NK, tiếp cận các nguồn gỗ có chất lượng tốt, ít rủi ro như EU, Canada... để tránh rủi ro và bảo đảm chất lượng sản phẩm. Trong dài hạn cần chú trọng đến phát triển rừng gỗ lớn nhằm góp phần chủ động nguồn nguyên liệu cho chế biến.

 

Riêng nguồn gỗ được nhập khẩu từ châu Phi, để hạn chế những rủi ro từ nguồn gỗ NK từ châu Phi, ông Tô Xuân Phúc cho rằng, Chính phủ và các hiệp hội gỗ cần yêu cầu tất cả các quốc gia châu Phi cung cấp gỗ cho Việt Nam phải có đủ thông tin cơ bản về cơ chế, chính sách khai thác, chế biến, thương mại, đặc điểm các loại gỗ được phép và không được phép khai thác, sử dụng, thương mại hóa tại quốc gia này. Bên cạnh đó, các cơ quan nghiên cứu lâm nghiệp của Việt Nam phối hợp cơ quan nghiên cứu lâm nghiệp tại những nước là nguồn cung gỗ nguyên liệu cho Việt Nam tại châu Phi, đưa ra danh sách loại gỗ NK và đặc điểm nhận dạng của từng loài. Danh sách đó cần được phổ cập trong hệ thống các nhà quản lý, làng nghề và những nhà NK…

Theo báo Nhân dân


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang