Thứ Bẩy, 27/04/2024 14:34:06 GMT+7

Tin đăng lúc 19-06-2023

Lượt xem: 801

FDI vẫn là yếu tố then chốt trong tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam

Sự tăng trưởng ấn tượng đã giúp Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
FDI vẫn là yếu tố then chốt trong tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam
Công nhân Công ty liên doanh Yamaha Việt Nam. Ảnh: Hải Nguyễn

Vai trò quan trọng của FDI

 

Bài viết đăng trên website của Viện Các vấn đề quốc tế Australia ngày 16.6 cho biết, FDI đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam vài thập kỷ qua.

 

Ngân hàng Thế giới cho biết, dòng vốn FDI vào Việt Nam đạt hơn 16 tỉ USD năm 2020 theo giá trị danh nghĩa. Ngay cả khi điều chỉnh theo lạm phát, mức tăng trưởng này đạt đỉnh vào năm 2022. Có vẻ như năm 2023 một lần nữa sẽ là năm kỷ lục.

 

Trong quý I/2023, dòng vốn FDI vào Việt Nam đạt 10,13 tỉ USD, tăng 18,5% so với cùng kì năm ngoái. Tổng vốn đăng kí cấp mới trong quý I/2023 là 5,45 tỉ USD. Điều này đã giúp duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Việt Nam, đạt trung bình 6,8%/năm từ năm 2016 đến năm 2019, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực.

 

Năm 2022, Việt Nam xếp thứ ba trong số các điểm đến thu hút vốn FDI ở Đông Nam Á, sau Singapore và Indonesia.

 

Tuy nhiên, nếu xem FDI như một phần của hoạt động kinh tế tổng thể tính theo GDP, thì bức tranh kém ấn tượng hơn. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, tỉ trọng FDI trong GDP dao động quanh mức 5%. Nói cách khác, khả năng thu hút FDI của Việt Nam chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nhìn từ mặt tích cực, con số này cao hơn đáng kể so với những nước như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia.

 

Giờ đây, khi bước vào kỷ nguyên Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - khối thương mại lớn nhất lịch sử giữa 10 nước ASEAN và 5 đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand - Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với FDI, điều này đồng thời sẽ cho phép các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và cả Australia dễ dàng thiết lập đẩy mạnh sản xuất trong nước.

 

Thách thức

 

Tuy nhiên, những thách thức phát sinh trong năm 2023 có thể tác động tiêu cực đến dòng vốn FDI vào Việt Nam. Xung đột Nga - Ukraina có thể sẽ tạo ra một số khó khăn. Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, dự kiến rơi vào suy thoái trong năm 2024. Do đó, nhiều công ty xuất khẩu tại Việt Nam đang gặp phải tình trạng nhu cầu quốc tế giảm, kéo theo phải giảm quy mô sản xuất.

 

Trong khi đó, có xu hướng các nhà đầu tư thuê ngoài các nhà cung cấp bên thứ 3 có vị trí địa lí gần với khu vực hoạt động của công ty thuê - một hiện tượng mới bắt nguồn từ đại dịch được gọi là “nearshoring”. Một số quốc gia như: Hàn Quốc, Nhật Bản (là những nguồn FDI lớn nhất của Việt Nam), Mỹ và một số nước trong EU đang cố gắng hạn chế đầu tư ra nước ngoài, chuyển sản xuất về gần trong nước. Điều này làm tăng thêm những thách thức cho Việt Nam.

 

Cuối cùng, FDI của Việt Nam có vấn đề về cấu trúc. Hầu hết đều đồng ý rằng, mức lương thấp khiến Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn. Nhưng khi đất nước phát triển - và FDI là một yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng đó - tiền lương sẽ có xu hướng tăng lên.

 

Các yếu tố có thể khiến Việt Nam hấp dẫn hơn

 

Theo bài viết, có một số yếu tố khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong việc thu hút FDI.

 

Thứ nhất là giảm tham nhũng. Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, tham nhũng là một rào cản mạnh mẽ đối với FDI. Các quốc gia như Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc đã chứng minh rằng các công ty nước ngoài không nản lòng bởi chi phí FDI cao, mà bởi sự khó đoán về chi phí sẽ là bao nhiêu. Việt Nam cần đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các chính sách và thực tiễn đầu tư của mình.

 

Thứ hai là đào tạo nhiều lao động lành nghề hơn. Đào tạo nghề cần được triển khai như một hình thức đào tạo ngắn hạn hấp dẫn đối với thanh niên.

 

Thứ ba, tác động môi trường của FDI cũng cần được xem xét. Theo bài viết, chấp nhận những khoản FDI gây tác động xấu đến môi trường có thể hữu ích trong ngắn hạn, nhưng phải trả giá bằng các thế hệ sau. Việt Nam đã kí cam kết không phát thải vào năm 2050, do đó cần đặt ra những yêu cầu rõ ràng đối với FDI và nếu cần thiết, từ chối các dự án có hại với môi trường để đảm bảo nền kinh tế trở nên xanh hơn.

 

Bài viết kết luận, về tổng thể, Việt Nam có dư địa để cải thiện chiến lược FDI của mình trở nên xanh hơn và mạnh hơn. Trong thời điểm hiện tại, FDI sẽ tiếp tục là yếu tố then chốt trong câu chuyện tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam.

 

Theo Lao động


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang