Thứ Sáu, 26/04/2024 21:56:23 GMT+7

Tin đăng lúc 26-05-2021

Lượt xem: 1167

Vĩnh Phúc xác định CNHT là ngành được ưu tiên phát triển

Công nghiệp hỗ trợ luôn được Vĩnh Phúc coi là một trong những khâu đột phá để nâng cao giá trị gia tăng và tạo nền tảng phát triển ngành công nghiệp bền vững, chính vì thế tỉnh đã xác định CNHT là một trong những ngành được ưu tiên phát triển.
Vĩnh Phúc xác định CNHT là ngành được ưu tiên phát triển
Sản xuất, lắp ráp ô tô tại Công ty Toyota Việt Nam

Vẫn còn nhiều khó khăn trong phát triển CNHT

 

Những năm qua, Vĩnh Phúc luôn bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ về phát triển công nghiệp và CNHT. Tuy nhiên, ngành công nghiệp cũng như CNHT của Vĩnh Phúc còn nhiều hạn chế bởi số lượng doanh nghiệp DDI chủ đạo ít, doanh nghiệp có năng lực sản xuất thấp, thiếu nguồn tài chính và công nghệ để nâng cao năng suất, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Các sản phẩm CNHT có hàm lượng công nghệ cao vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp FDI cung cấp, còn sản phẩm CNHT tại Vĩnh Phúc thì chủ yếu vẫn là linh kiện, chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm.

 

Tính đến cuối năm 2020, lũy kế trên địa bàn tỉnh có 1.145 dự án, gồm 798 dự án DDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký 96.560 tỷ đồng và 447 dự án FDI có tổng vốn đầu tư đăng ký 6,039 tỷ USD. Trong đó, có nhiều nhà đầu tư, DN lớn thuộc các quốc gia (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan...), vùng lãnh thổ có nền công nghiệp tiên tiến vào đầu tư chủ yếu là sản xuất, lắp ráp, công nghiệp phụ trợ.

 

Bên cạnh đó, một số chính sách cho ngành công nghiệp và CNHT còn chưa trúng, chưa phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

 

Nguyên nhân là do các cơ chế về ưu đãi tín dụng đầu tư, ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, đặc biệt là phân bổ nguồn lực để triển khai các chính sách về CNHT chưa được cụ thể hóa… Bên cạnh đó, công tác thực thi chính sách về CNHT còn hạn chế, các chính sách phát triển các ngành công nghiệp chủ đạo như ô tô, cơ khí, điện tử, dệt may… chưa đạt được những kết quả như mong muốn.

 

Hàng loạt các giải pháp tháo gỡ, khơi thông

 

Trước thực tế đó, để tăng cường thu hút, thúc đẩy hơn nữa các DN hoạt động trong ngành CNHT, UBND tỉnh đã ban hành nhiều quyết định: Quyết định số 39 quy định về hỗ trợ DN sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc theo Nghị quyết số 57 của HĐND tỉnh giai đoạn 2017-2020; Quyết định số 2707 về phê duyệt Đề án khuyến khích phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2017-2025; Quyết định số 1588/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp, CNHT tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 47/2012/QĐ-UBND hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện dự án sản xuất sản phẩm CNHT khi đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

 

Ngoài ra, tỉnh còn cụ thể hóa các cơ chế, chính sách bằng việc tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ DN như tăng cường cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi bằng việc công khai, minh bạch thông tin; rà soát các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực quản lý để điều chỉnh, bổ sung hoặc loại bỏ cho phù hợp với thị trường và quyền kinh doanh của DN.

 

Xây dựng hệ thống tra cứu thông tin phục vụ các nhà đầu tư; tổ chức các hoạt động đối thoại trực tiếp với DN; tổ chức khảo sát, tham vấn ý kiến của DN về môi trường đầu tư, kinh doanh; thành lập hệ thống đường dây nóng tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của DN...

 

Mặt khác, các DN được tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại để thực hiện đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, đổi mới khoa học công nghệ, DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo… gắn với nâng cao năng suất, chất lượng của DN.

 

Hỗ trợ tăng cường liên kết, hợp tác kinh doanh, trao đổi ứng dụng, chuyển giao và đổi mới khoa học công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng; nâng cao khả năng đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của các DN lớn (FDI) khi tham gia chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm CNHT.

 

Theo ông Trần Quốc Huy – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, thực hiện Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 06/8/2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT Việt Nam, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo Sở Công Thương xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết. Đến nay, Sở Công Thương đang xây dựng dự thảo kế hoạch, theo đó xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, CNHT của tỉnh trở thành một mắt xích cung cấp sản phẩm CNHT có hàm lượng giá trị cao trong dây chuyền sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế, tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu. Trong đó đối với lĩnh vực linh kiện phụ tùng, các doanh nghiệp DDI có điều kiện phát triển trở thành nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 cho các hãng sản xuất/lắp ráp ô tô, xe máy, điện, điện tử và cung ứng một phần cho các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn.

 

Đối với lĩnh vực sản phẩm CNHT công nghệ cao, thu hút đầu tư và phát triển một số sản phẩm công nghệ vật liệu, bộ điều khiển, thiết kế vi mạch phục vụ cho lĩnh vực điện tử, các chất hoạt động bề mặt, chất phụ gia, lĩnh vực thiết bị chuyên dụng, phần mềm và dịch vụ phục vụ công nghiệp công nghệ cao…

 

Với mục tiêu xác định CNHT là ngành được ưu tiên phát triển, bằng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp CNHT thiết thực, tin tưởng rằng, ngành CNHT của tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian tới sẽ có những bước phát triển vượt bậc, góp phần đưa công nghiệp tỉnh nhà “cất cánh” cùng sự phát triển chung của đất nước.

 

Thái Bình


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang