Thứ Bẩy, 27/04/2024 03:04:40 GMT+7

Tin đăng lúc 29-05-2022

Lượt xem: 1800

Vĩnh Phúc: Những chính sách thuận lợi cho công nghiệp hỗ trợ phát triển đang mang lại nhiều kết quả khả quan

Nhận rõ tầm quan trọng của công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đối với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) tỉnh nhà và đất nước, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành một số Nghị quyết, đề án, chương trình, kế hoạch ưu tiên phát triển CNHT. Từ đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho CNHT phát triển.
Vĩnh Phúc: Những chính sách thuận lợi cho công nghiệp hỗ trợ phát triển  đang mang lại nhiều kết quả khả quan
Sản phẩm CNHT sản xuất tại Vĩnh Phúc hằng năm đều nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Trong số những cơ chế, chính sách gần đây về CNHT, đáng chú ý có thể kể đến như Quyết định số 3663/QĐ-UBND tỉnh Vĩnh Phúc về Chương trình phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch số 167/KH-UBND ngày 02/7/2021 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT; Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND ngày 07/6/2019 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành quy chế quản lý và sử dụng kinh phí phát triển CNHT tỉnh Vĩnh Phúc; hay Nghị quyết số 57 của HĐND tỉnh về một số biện pháp đặc thù thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển DN trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 2707 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án khuyến khích phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2025; … Hơn nữa, các chính sách phát triển công nghiệp của tỉnh cũng thay đổi linh hoạt theo từng thời kỳ, phù hợp với chiến lược phát triển công nghiệp của cả nước để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Với sự quan tâm đó, thời gian qua, Vĩnh Phúc đã trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn về cơ khí ô tô, xe máy và điện tử ở phía Bắc và thu được nhiều kết quả khả quan về phát triển CNHT nói riêng và toàn ngành Công nghiệp nói chung trên địa bàn.

 

Cụ thể, trong 10 năm trở lại đây, giá trị công nghiệp của tỉnh được đóng góp chủ yếu từ hai nhóm ngành công nghiệp phụ trợ là: Cơ khí chế tạo, lắp ráp và sản xuất kim loại; sản xuất sản phẩm điện tử, thiết bị điện với tỷ trọng duy trì chiếm từ 86 - 90% trong cơ cấu công nghiệp toàn tỉnh. Đáng chú ý, với tốc độ tăng rất cao, đạt 56,6%/năm (2011 - 2021), ngành sản xuất sản phẩm phụ trợ điện tử và thiết bị điện đã và đang trở thành ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh; các DN FDI trong ngành khá đông đảo và chiếm gần 50% DN FDI toàn tỉnh, trong đó có đến 90 DN có quy mô lớn.

 

Đặc biệt, mới đây, mức tăng trưởng tích cực của khu vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong quý I/2022 cũng được Cục Thống kê địa phương đánh giá là bước khởi đầu quan trọng, thúc đẩy kinh tế trong tỉnh đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2022.

 

Hiện tại, trong ngành Công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, ngành sản xuất linh kiện điện tử tiếp tục phát triển mạnh mẽ, nguyên nhân là bởi các hãng công nghệ lớn liên tục đưa ra thị trường những sản phẩm mới, điển hình là ngày 09/02/2022, Samsung Việt Nam đã ra mắt thế hệ điện thoại mới S22 series với các phiên bản S22, S22 plus; S22 Ultra.

 

Ngày 09/3/2022, Apple đã giới thiệu hàng hoạt sản phẩm công nghệ mới, bao gồm: Iphone SE 2022, iPad Air 5 và Mac Studio... đã khiến nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm linh kiện điện tử tăng cao, sản lượng sản xuất tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, giá trị tăng thêm của ngành tăng 23,14% so cùng kỳ năm 2021, đóng góp 4,37 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

 

Ngành sản xuất ô tô trên địa bàn phục hồi tích cực với mức tăng 11,93% so với quý I/2021 do người dân tập trung mua xe phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, cùng với việc Chính phủ ban hành Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/2021 về giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu hiện hành trong thời gian 06 tháng kể từ ngày 01/12/2021 đã kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy các doanh nghiệp trong ngành sản xuất công nghiệp, CNHT gia tăng sản lượng, đưa ngành đạt kết quả tăng trưởng cao, đóng góp 0,64 điểm % vào tăng trưởng chung của tỉnh.

 

 

Vĩnh Phúc là một trong những trung tâm công nghiệp lớn về sản phẩm phụ trợ

 

Đến nay, hầu hết các sản phẩm phụ trợ của các DN FDI trên địa bàn đang được xuất khẩu hoặc cung ứng cho các tập đoàn điện tử lớn tại Việt Nam như Samsung, LG, Panasonic,…. Do đó, công nghiệp cơ khí chế tạo, lắp ráp và sản xuất kim loại vẫn là ngành có vị trí “xương sống”, đóng góp giá trị sản xuất ổn định và lớn nhất trong các giai đoạn phát triển công nghiệp của Vĩnh Phúc.

 

Bà Phan Thị Quý Hà, Trưởng phòng Quản lý đầu tư, Ban Quản lý các KCN tỉnh khẳng định: “Hoạt động SXKD của các DN CNHT thời gian quan đã cho xuất xưởng những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao với số lượng lớn, chất lượng tốt và có sức cạnh tranh trên thị trường. Sản phẩm CNHT sản xuất tại Vĩnh Phúc hằng năm đều nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế ngành công nghiệp của tỉnh…”.

 

Trong tháng 6/2022, tỉnh đang tiếp tục tạo điều kiện để cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho từ 2 - 3 dự án FDI mới đi vào hoạt động, phù hợp với tiêu chí “2 ít, 3 cao”. Đó là, Sử dụng ít đất, ít lao động; có suất vốn đầu tư, số thu nộp ngân sách và hàm lượng công nghệ cao. Từ đó, góp phần tăng thu ngân sách, khẳng định thế mạnh ngành công nghiệp của tỉnh cũng như tạo thêm nhiều việc làm mới và ổn định cho người lao động.

 

Thời gian tới, các cấp chính quyền trong tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả các Nghị quyết, chương trình, đề án đã được HĐND, UBND tỉnh ban hành liên quan đến lĩnh vực CNHT; tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của DN CNHT, nhất là các DN trong nước.

 

Tin tưởng rằng, với tiềm năng phát triển CNHT dồi dào cùng với hướng đi tốt, trong tương lai không xa, Vĩnh Phúc sẽ đẩy mạnh liên kết chuỗi cung ứng giữa DN DDI và DN FDI, giữa các DN CNHT với DN lắp ráp; Thúc đẩy liên kết với các tỉnh, thành phố có lợi thế phát triển công nghiệp như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang… nhằm tạo mối liên kết giữa Vĩnh Phúc và các tập đoàn đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong và ngoài nước, phấn đấu có 10 doanh nghiệp trong nước sản xuất sản phẩm CNHT có thể tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn kinh tế lớn…

 

Hà Đăng

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang