Thứ Sáu, 26/04/2024 15:37:30 GMT+7

Tin đăng lúc 25-10-2015

Lượt xem: 6201

Việt Nam tìm chỗ đứng trong chuỗi giá trị toàn cầu

63% xuất khẩu của Việt Nam là hàng chế biến, 56% là đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian qua là về chế biến, chế tạo. Làm sao khai thác những thuận lợi này để Việt Nam có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới là vấn đề được đặt ra trong cuộc hội thảo được tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.
Việt Nam tìm chỗ đứng trong chuỗi giá trị toàn cầu
Ảnh minh họa.

Nhiều tiềm năng cho Việt Nam

 

Hội thảo khoa học quốc tế “Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2015” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQ), Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam phối hợp tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo các Ban Đảng, Quốc hội, các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp .

 

Đại diện Bộ Công Thương, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đã có tham luận tại hội thảo này.

 

Theo Chủ tịch Ủy ban TWMTTQ Nguyễn Thiện Nhân, trong cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam hiện nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng một vai trò quan trọng, tiếp tục là động lực trụ cột cho tăng trưởng kinh tế. 20 năm qua, GDP của Việt Nam đã tăng 30 lần, xuất khẩu cũng tăng 20 lần.

 

Nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đã cho rằng, Việt Nam có khả năng là điểm đến của các tập đoàn đa quốc gia trong làn sóng dịch chuyển của các trung tâm chế biến, chế tạo và có thể trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới trong vòng 20 năm tới.

 

Bày tỏ lạc quan,  bà Victoria Kwakwa - Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam - cho rằng Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới. “Việt Nam sẽ tiếp tục có lợi thế để phát triển nhờ vị trí gần chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, lực lượng lao động dồi dào, lương và chi phí thấp. Việt Nam cũng đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại và là quốc giá có tiềm năng thị trường lớn”  bà Victoria Kwakwa nói.

 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, công nghiệp chế biến chế tạo thu hút được sự quan tâm từ doanh nghiệp, đặc biệt khối FDI. Tỷ trọng ngành này tại Việt Nam tăng dần theo từng năm. Năm 2011 chiếm 50%, 2012 chiếm 70%, 2013 chiếm 76,6%, đến 2014 là 72%. 80/101 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án FDI tại Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực này. "Vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới được xác định là cần phải đẩy mạnh cơ cấu lại công nghiệp, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việc nhận diện đúng xu thế, đánh giá đúng khả năng và nguồn lực, đề xuất các giải pháp toàn diện và đồng bộ cho phát triển Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới có ý nghĩa hết sức cấp thiết” ông Bình nhấn mạnh.

 

Những khuyến nghị chính sách

 

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngành ngân hàng trong những năm qua đã luôn song hành và có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước, xứng đáng với vai trò là “huyết mạch” của nền kinh tế. Cho đến nay, vốn tín dụng ngân hàng luôn chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu vốn từ thị trường tài chính, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tăng của đất nước. Phân bổ vốn tín dụng ngày càng phù hợp hơn với cơ chế thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, hỗ trợ tích cực cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ngân hàng đảm nhận vai trò kênh dẫn vốn chủ đạo đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

 

Vì thế, để hướng tới phát triển Việt Nam thành một trung tâm chế tạo mới của thế giới sau năm 2015, lãnh đạo ngành ngân hàng khẳng định rằng, bên cạnh việc ổn định kinh tế vĩ mô, giá trị đồng tiền và tỷ giá để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất tại Việt Nam thì sẽ ưu tiên đầu tư mở rộng tín dụng ngành chế tạo, chế biến cũng như thực hiện chính sách thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài.

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng chia sẻ: Bên cạnh thế mạnh về nguồn nguyên liệu, lao động, môi trường chính trị xã hội ổn định… thì ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam cũng có những điểm yếu cơ bản. Đơn cử như thiếu hụt lao động tay nghề cao, công nghiệp hỗ trợ hạn chế, sản phẩm công nghiệp thương hiệu Việt Nam chiếm lĩnh thị trường khu vực còn rất ít… Chính vì vậy, để phát triển Việt Nam trở thành trung tâm chế biến chế tạo sau năm 2015 thì rất cần thực hiện các nhóm chính sách trong ngắn hạn và dài hạn.

 

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho rằng, về ngắn hạn cần tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, tận dụng các FTA đã ký kết để thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực này để từ đó đưa các doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Về dài hạn, khi nguồn lực trong nước đủ mạnh sẽ thu hút các dự án đầu tư lớn, tập trung phát triển các nhóm ngành công nghiệp ưu tiên như cơ khí và luyện kim, điện tử và công nghệ thông tin, phát triển công nghệ vật liệu cho công nghiệp chế tạo…

 

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang