Thứ Ba, 30/04/2024 10:23:59 GMT+7

Tin đăng lúc 03-02-2024

Lượt xem: 546

Tỉnh Hà Tĩnh: Đổi mới – Sáng tạo – Phát triển

Năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh ước tính tăng 8,05%, xếp thứ 15 cả nước, cao nhất khu vực Bắc Trung bộ.
Tỉnh Hà Tĩnh: Đổi mới – Sáng tạo – Phát triển

Nhiều điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế năm 2023

 

Ông Võ Trọng Hải, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, các nghị quyết, chính sách đã được xây dựng và triển khai khá toàn diện. Năm 2023, trong bối cảnh tiếp tục có nhiều khó khăn nhưng Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả quan trọng, tích cực trên các lĩnh vực, tạo động lực bứt phá cho những năm còn lại của nhiệm kỳ.

 

Trong năm qua, Hà Tĩnh tập trung triển khai Quy hoạch tỉnh; quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị. Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh diễn ra cuối tháng 5/2023 đã hoàn thành mục tiêu “kép”: công bố các mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh theo quy hoạch; quảng bá tiềm năng để thu hút đầu tư. Năm 2023, tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư 18 dự án trong nước với tổng vốn 1.727 tỷ đồng và 2 dự án nước ngoài với tổng vốn 70 triệu đô la Mỹ.

 

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế 8,05%, năm 2023, kinh tế Hà Tĩnh đạt mức tăng trưởng cao so với mặt bằng chung cả nước, đứng thứ 15/63 tỉnh thành phố, cao nhất khu vực Bắc Trung bộ. Nền kinh tế giữ xu hướng phục hồi; công nghiệp lấy lại đà tăng trưởng, có thêm nhân tố tăng trưởng mới; nông nghiệp được mùa; du lịch, dịch vụ phục hồi nhanh đạt 3,2 triệu lượt, gần gấp 2 so với 2022. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 50.200 tỷ đồng (tăng 24% so với năm 2022); xuất khẩu đạt mức cao nhất từ trước tới nay (2,4 tỷ USD). Toàn tỉnh thành lập mới trên 1.000 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký đạt trên 5.600 tỷ đồng.

 

 Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 17.946 tỷ đồng, bằng 102,6% dự toán Trung ương giao. Giải ngân đầu tư công đến 31/12/2023 đạt 9.982 tỷ đồng, bằng 116,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (8.575 tỷ đồng); đứng thứ 9/114 bộ ngành, địa phương cả nước.

 

Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 xếp thứ 18 cả nước; Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 28; các chỉ số về hành chính khác đều duy trì trong nhóm đầu khu vực Bắc Trung Bộ và nhóm khá của cả nước. Hà Tĩnh là tỉnh thứ 2 hoàn thành cấp căn cước công dân, là một trong những tỉnh đầu tiên hoàn thành chỉ tiêu kích hoạt tài khoản định danh điện tử; xếp thứ 37/63 về chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) cấp tỉnh, xếp thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ.

 

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung cao phát triển kinh tế, các đơn vị đã chú trọng thu hút đầu tư, ưu tiên hài hòa phát triển văn hóa, đẩy mạnh chăm lo công tác an sinh xã hội.

 

Kết quả năm 2023 đã được đánh giá toàn diện. Tỉnh đạt được kết quả này là nhờ sự nỗ lực, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân. Trong đó có sự đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; tính chủ động và công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị. Ông Hải chia sẻ.

 

Theo ông Nguyễn Trung Thành, Phó Cục trưởng Cục Thống kê Hà Tĩnh, năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,7%, đóng góp 4,6%; khu vực dịch vụ tăng 6,5%, đóng góp 27,8%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,7%, đóng góp 8,4%. Trong khi đó, khu vực công nghiệp - xây dựng lại cho thấy sự nổi trội hơn hẳn khi tăng 11,4% và đóng góp 59,2% vào mức tăng chung của toàn tỉnh.

 

Năm 2023, nông nghiệp Hà Tĩnh được mùa toàn diện. Toàn tỉnh đẩy mạnh tập trung, tích tụ ruộng đất; sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, gia tăng giá trị. Các địa phương tiếp tục tập trung thực hiện đề án xây dựng thí điểm tỉnh NTM; xây dựng đô thị văn minh. Dự kiến toàn tỉnh có 100% xã NTM, 70 xã NTM nâng cao, 13 xã NTM kiểu mẫu, 10/13 địa phương đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ NTM.

 

Các động lực chính giúp tăng trưởng kinh tế của Hà Tĩnh đạt cao là do trong năm vừa qua, có nhiều dự án nhà máy trên lĩnh vực công nghiệp được đưa vào hoạt động, hoạt động trở lại và bắt đầu triển khai thi công thực hiện. Điển hình như: Tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I hoạt động trở lại; Dự án đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II xây dựng đảm bảo tiến độ theo kế hoạch; Nhà máy sản xuất Pin VinES đi vào hoạt động; công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam và các dự án lớn được đẩy nhanh thi công thực hiện. Cùng với đó, hoạt động thương mại, dịch vụ phục hồi và duy trì đà tăng tưởng cao, góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế (Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt hơn 59.776 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với năm 2022 và tổng mức bán buôn đạt hơn 49.547 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2022). Ông Thành cho hay.

 

Hà Tĩnh hướng mục tiêu GRDP 8,5% năm 2024

 

Tỉnh Hà Tĩnh xác định năm 2024 là năm bứt phá thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, tỉnh sẽ tập trung cao trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện; quán triệt chủ đề năm 2024 tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ: “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững”.

 

Năm 2024, Hà Tĩnh phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt 8-8,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 51 triệu đồng/người/năm; huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 48.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 17.500 tỷ đồng; phấn đấu 100% huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; giải quyết việc làm cho 23 ngàn người; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,6 – 1%.

 

Để đạt được những mục tiêu đề ra, Tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các nội dung trọng tâm. Trong đó nhìn nhận rõ những hạn chế, khó khăn để tiếp tục đổi mới toàn diện trên tất cả các mặt, lĩnh vực; Tiếp tục nâng cao chất lượng phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương, đơn vị; Tiếp tục nâng hạng xếp loại các chỉ số cải cách hành chính; đẩy mạnh chuyển đổi số. Đội ngũ cán bộ, công chức phải xây dựng cho mình phong cách, lề lối làm việc luôn hướng về cơ sở, phục vụ người dân và doanh nghiệp; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương.

 

Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án; tạo điều kiện để Dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2 đi vào vận hành thử vào cuối năm 2024; sớm triển khai Dự án VSIP... Đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng hành, chia sẻ với các doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thủ tục hành chính, tiếp cận tín dụng, đất đai.

 

Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu gắn với logistics; đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Tiếp tục duy trì ổn định sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh thu hút dự án đầu tư vào nông nghiệp, tạo động lực tăng trưởng; triển khai hiệu quả các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn; Quyết liệt tập trung, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc xây dựng nông thôn mới.

 

Bước sang năm mới 2024, bên canh các đơn vị doanh nghiệp cũ bắt tay vào sản xuất kinh doanh với kỳ vọng một năm hoạt động hiệu quả, hoàn thành thắng lợi kế hoạch đề ra thì trong năm 2024, Hà Tĩnh phấn đấu thành lập mới 1.100 doanh nghiệp và đưa doanh nghiệp đi vào hoạt động hiệu quả, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

 

Thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị, Hà Tĩnh phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn, vươn tầm quốc gia, khu vực. Tỉnh ủy Hà Tĩnh, đã ký ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

 

Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030: Phấn đấu toàn tỉnh có trên 20.000 doanh nghiệp; Khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65% - 70% GRDP của tỉnh; Đóng góp vào ngân sách của khu vực doanh nghiệp chiếm 70% -75% tổng thu ngân sách nội địa trên địa bàn tỉnh; Tổng vốn đầu tư từ khu vực doanh nghiệp chiếm từ 65% - 70% tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh; Giá trị sản xuất CN của CN hỗ trợ chiếm 50% giá trị sản xuất CN ngành CN chế biến, chế tạo của tỉnh; thu hút 5 - 7 doanh nghiệp CN hỗ trợ; hình thành cụm liên kết ngành CN trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế.

 

Hiện nay, Hà Tĩnh đang tập trung triển khai quyết liệt nhiệm vụ thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công; GPMB các dự án trọng điểm; tăng cường công tác quản lý thị trường; bảo đảm cung ứng hàng hoá cuối năm; chăm lo an sinh xã hội; chuẩn bị tốt nhất các điều kiện phục vụ Nhân dân đón tết.

 

Ngành công nghiệp Hà Tĩnh sẽ có nhiều tín hiệu tích cực trong năm 2024: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 dự kiến sản lượng điện năm 2024 đạt khoảng 6,4 tỷ kWh; Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh dự kiến năm 2024 sản lượng thép đạt 5,1 triệu tấn, phôi thép 5,8 triệu tấn và sản lượng điện sản xuất khoảng 4 tỷ kWh, nếu vận hành đúng kế hoạch sẽ đóng góp cao cho mức tăng trưởng chung. Bên cạnh đó, các nhà máy sản xuất pin, bia, sợi... duy trì ổn định sản xuất sẽ đóng góp cao vào tăng trưởng.

 

Theo Diendandoanhnghiep.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang