Thứ Bẩy, 04/05/2024 11:26:15 GMT+7

Tin đăng lúc 17-04-2017

Lượt xem: 1500

Thị trường hải sản các tỉnh miền trung sôi động trở lại

Sự cố ô nhiễm môi trường biển xảy ra cách đây đúng một năm, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành thủy sản của bốn tỉnh miền trung. Tuy nhiên, gần đây, sau khi ngành chức năng công bố độ an toàn của biển và sự an toàn của các loại cá tầng nổi, ngư dân những địa phương này đồng loạt vươn khơi và thị trường hải sản từng bước sôi động trở lại, lượng tiêu thụ hải sản bắt đầu tăng.
Thị trường hải sản các tỉnh miền trung sôi động trở lại
Nhộn nhịp chợ cá Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình).

Trúng nhiều mẻ cá lớn, mức tiêu thụ hải sản phục hồi

 

Những tháng đầu năm 2017, việc đánh bắt hải sản của ngư dân bốn tỉnh miền trung, nhất là tại Quảng Trị và Quảng Bình cho sản lượng khá cao, tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đó cho thấy, ngành thủy sản ở các địa phương này đã có sự chuyển biến tích cực, kể từ sau sự cố ô nhiễm môi trường biển.

 

Mới đây, ngư dân Lê Văn Tuấn, ở thôn Xuân Lộc, xã Gio Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị) ra khơi đánh bắt trúng mẻ cá bè vàng hơn 160 tấn, thu hơn sáu tỷ đồng. Không riêng gia đình anh Tuấn, rất nhiều ngư dân ở tỉnh Quảng Trị trúng đậm những mẻ cá cho giá trị kinh tế cao, như cá thu, cá nục, cá cơm, mực. Bình quân mỗi chuyến biển, tàu cá của ngư dân thu từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Vừa kết thúc chuyến biển bảy ngày với sản lượng mực nang, mực ống hơn bảy tấn, trị giá hơn 400 triệu đồng, ngư dân Võ Văn Hữu, chủ tàu cá xa bờ QT 96768 TS chia sẻ, lâu lắm tàu của gia đình anh mới có chuyến đi biển bội thu như vậy. “Tàu cá vỏ sắt của tôi được đóng mới và đưa vào sử dụng gần ba tháng nay. Nhờ sự hỗ trợ rất lớn bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước chúng tôi mới có đủ năng lực, mạnh dạn vươn khơi bám biển", anh Hữu nói.

 

Tại Quảng Bình, chuyến biển đầu tháng 4 này cũng mang lại doanh thu lớn cho đội tàu xa bờ. Ông Nguyễn Chiến Trường ở thôn Cồn Sẻ (xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn) cho biết, trong chuyến biển 20 ngày mới đây, tàu cá vỏ thép của ông có chín ngư dân, bám ngư trường vịnh Bắc Bộ, đánh bắt trúng mẻ cá thu hơn bốn tấn, ngoài ra khoảng một tấn các loại cá khác, doanh thu hơn 600 triệu đồng. Đây là chuyến biển thắng lợi thứ ba của tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 của gia đình ông, kể từ khi đưa vào hoạt động đầu năm 2017. Theo Chi cục phó Thủy sản Quảng Bình Lê Minh Phú, hầu hết tàu cá xa bờ tại địa phương đều kết thúc chuyến biển đầu tháng 4 trong thắng lợi. Có chủ tàu tại xã Đức Trạch trả lương cho ngư dân từ 15 đến 20 triệu đồng/chuyến biển.

 

Thông tin từ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh cho biết, trong quý I-2017, sản lượng thủy sản các địa phương đều tăng cao so với cùng kỳ 2016. Tỉnh Quảng Bình đạt 10.422 tấn, tăng cao so với ba tháng cuối năm 2016; tỉnh Quảng Trị đạt hơn 4.400 tấn, vượt gần 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Điều đáng nói, sau sự cố ô nhiễm môi trường, hải sản đã được người dân các tỉnh tin dùng trở lại, giá các loại cá, mực cũng tăng dần lên. Đáng chú ý, một lượng lớn hải sản xa bờ đang được các doanh nghiệp thu mua phục vụ xuất khẩu. Chợ Đồng Hới là chợ đầu mối mua bán các loại hải sản lớn nhất TP Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), với gần 100 gian hàng bày bán hải sản tươi sống. Gần một năm qua, chợ hải sản luôn trong tình trạng vắng vẻ, đìu hiu, tuy nhiên, những ngày gần đây, thị trường tiêu thụ hải sản ở Đồng Hới bắt đầu sôi động trở lại, sáng, chiều nhộn nhịp người mua, bán. Bà Nguyễn Thị Lài, phường Đồng Sơn chia sẻ, hải sản bữa nay được sử dụng bình thường rồi, giá cả cũng đắt, nhưng vẫn nhiều người mua. Bà Hoàng Thị Ngọc, một tiểu thương đã có hàng chục năm buôn bán hải sản ở chợ Đồng Hới cho biết, gần đây, nhu cầu tiêu thụ hải sản của người dân và khách du lịch tăng cao, có ngày bà bán được hàng tạ hải sản, thậm chí hơn. Khi được hỏi về giá hải sản, bà Ngọc cho biết, cá ngừ và mực cơm có giá 120 nghìn đồng/kg, cá ngân 70 đến 80 nghìn đồng/kg, cá bạc má 65 đến 85 nghìn đồng/kg, tăng gần gấp rưỡi so với cuối năm 2016. Tại chợ cá, chúng tôi trò chuyện với chị Vũ Thanh Vân, khách du lịch ở Hà Nội đang mua con cá cam gần 3 kg, với giá gần 500 nghìn đồng. Chị chia sẻ: “Lâu lắm rồi mới trở lại Đồng Hới và ghé chợ cá. Thấy mọi người yên tâm mua hải sản cho nên cũng mua về làm quà. Nhìn cá tươi vậy là biết ngon rồi”.

 

Ghé Cảng cá Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị, chúng tôi được chị Nguyễn Thị Hoa, tiểu thương kinh doanh hải sản vui mừng cho biết: “Cảng cá giờ không vắng như mấy tháng trước nữa. Người dân cũng không còn tâm lý e ngại, đã tiêu thụ các sản phẩm thủy, hải sản nhiều hơn. Mỗi ngày, ngoài việc thu mua hải sản cung cấp cho các nậu cá, tui còn bán gần ba tạ cá, mực cho người buôn bán nhỏ đem đi tiêu thụ tại các chợ trong tỉnh”. Nhìn chung, tại các chợ ở Quảng Bình, gian hàng thủy sản đã tấp nập, bà con vui vì nguồn thu nhập từ buôn bán cá ổn định hơn.

 

Đồng hành, hỗ trợ ngư dân yên tâm sản xuất

 

Các tỉnh miền trung đang bước vào vụ cá nam - vụ đánh bắt chính trong năm, bắt đầu từ tháng 4 đến hết tháng 8. Việc môi trường biển an toàn, sức tiêu thụ hải sản trên thị trường tăng là “đòn bẩy” để nghề biển tại đây phát triển trở lại.

 

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan, các tỉnh miền trung khẩn trương, tích cực triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do sự cố môi trường biển cho người dân theo quy định. Đến đầu tháng 4-2017, tỉnh Quảng Bình phê duyệt giá trị bồi thường hơn 2.050 tỷ đồng, đạt 88% số tiền kê khai thiệt hại; giải ngân hơn 1.929 tỷ đồng/1.860 tỷ đồng Trung ương tạm cấp. Tỉnh Quảng Trị đã tạm cấp 482 tỷ đồng bồi thường thiệt hại, trong đó các huyện chi trả hơn 460 tỷ đồng. Ngư dân sau khi nhận được tiền đền bù đã tập trung mua sắm, sửa sang phương tiện, ngư lưới cụ, máy móc thông tin liên lạc để triển khai vụ sản xuất mới.

 

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết: “Để vụ cá nam năm 2017 bội thu, chúng tôi đã và đang triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với ngư dân, trong đó đặc biệt quan tâm hỗ trợ về dịch vụ hậu cần, thị trường tiêu thụ sản phẩm; tăng cường hướng dẫn những quy định, pháp luật trên biển để ngư dân hiểu và thực hiện đúng; làm tốt công tác phối hợp, sẵn sàng hỗ trợ ngư dân khi gặp khó khăn trong quá trình khai thác trên biển...”.

 

Tại Quảng Bình, các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản đang được thực hiện khẩn trương, giúp ngư dân có thêm điều kiện bám biển sản xuất. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình Lê Văn Lợi cho biết, đến ngày 10-4-2017, tỉnh đã hoàn thành việc hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ, với 85 tàu công suất lớn được đóng mới và năm tàu được nâng cấp, thay thế. Hiện, Quảng Bình đã hình thành đội tàu xa bờ vỏ thép gồm 28 tàu khai thác và năm tàu dịch vụ. Các chuyến biển đầu năm 2017, nhiều tàu “xa bờ 67” có doanh thu từ 200 đến 400 triệu đồng/chuyến.

 

Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay tại các tỉnh miền trung là công tác bồi thường, khắc phục hậu quả sự cố ô nhiễm môi trường biển. Các tỉnh đề nghị Trung ương sớm cho phép bổ sung kê khai, bồi thường thiệt hại cho các đối tượng là chủ cơ sở và người lao động trong các cơ sở kinh doanh thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá; các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch;...

 

Nguồn Nhandan.com.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang