Thứ Ba, 30/04/2024 12:05:27 GMT+7

Tin đăng lúc 04-07-2016

Lượt xem: 2718

Thị trường bán lẻ Việt Nam: Doanh nghiệp nội cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh

Tháng 1/2015, thị trường bán lẻ Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn. Đây là một trong những nội dung Việt Nam cam kết khi gia nhập WTO. Tuy nhiên, ngay từ trước năm 2015, nhiều tên tuổi lớn trong ngành bán lẻ thế giới đã ồ ạt đầu tư vào Việt Nam nhằm khai thác tiềm năng của miền đất hứa này, điển hình là BigC và Metro.
Thị trường bán lẻ Việt Nam: Doanh nghiệp nội cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Ngày càng có nhiều đồ ngoại xâm nhập vào thị trường bán lẻ Việt Nam dưới các kênh khác nhau, từ những siêu thị lớn đến siêu thị mini, các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ. Đặc biệt, thời gian qua, sự kiện gây chú ý và được nhắc tới nhiều là chuỗi BigC Việt Nam đã về tay Tập đoàn Central Group của gia đình tỷ phú Thái Lan với giá hơn 1 tỷ USD, khiến người Thái thêm một cơ hội nữa sở hữu một trong số những chuỗi bán lẻ lớn nhất của Việt Nam…

 

Thị phần của các nhà bán lẻ trong nước có bị thu hẹp?

 

Trước lo ngại về sự thu nhỏ thị phần các doanh nghiệp trong nước khi các nhà bán lẻ nước ngoài ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam, bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi không lạc quan cho rằng các nhà bán lẻ Việt Nam sẽ đứng vững hay phát triển mạnh mẽ trước sự lấn sân của các đối thủ nước ngoài. Thậm chí, doanh nghiệp Việt đang phải đối mặt với nhiều thử thách cam go. Tuy nhiên, chúng ta chưa có bất cứ một số liệu cụ thể nào cho thấy thị phần của các doanh nghiệp Việt bị thu hẹp”. Nhiều năm qua, mặc dù các doanh nghiệp FDI vào thị trường Việt Nam phát triển rất mạnh nhưng đồng thời các DN Việt cũng không đứng tại chỗ, các thành viên của Hiệp hội như Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SaiGon Co.op); TCT Thương mại Hà Nội (Hapro); Phú Thái… cũng không ngừng phát triển hệ thống của mình. Vì vậy, để có được đánh giá chính xác nhất, cần tiến hành các cuộc khảo sát thay vì đưa ra lời nhận xét dựa vào cảm nhận chủ quan. Hơn nữa, BigC hay Metro vốn dĩ chủ nhân của hai siêu thị này cũng là do tập đoàn nước ngoài Pháp và Đức sở hữu, dù bị mua lại cũng chỉ là sự thay đổi quốc tịch của chủ nhân chuyển từ người Pháp, hay Đức thành người Thái quản lý, còn hiện tại chưa thấy có sự bành trướng nào. Vì vậy, DN Việt cần nhìn thấy trước tương lai để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

 

Đồng quan điểm trên, bà Vũ Thị Hậu – Phó TGĐ Công ty CP Nhất Nam, đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart cho biết, năm 2015, Fivimart đã bán 30% cổ phần cho AEON của Nhật, tuy vậy, các DN nội cung cấp sản phẩm cho Fivimart không bị ảnh hưởng nhiều, các mặt hàng trong hệ thống siêu thị hiện tại chủ yếu vẫn là hàng Việt Nam, đổi mới nhiều với hình thức mẫu mã bao gói đa dạng, giá cả hợp lý. Lượng hàng Nhật vào trong hệ thống đều được siêu thị lựa chọn chủ yếu các mặt hàng có giá phù hợp với túi tiền người VN, có chất lượng và là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Mặc dù đối thủ cạnh tranh rất mạnh, vừa có hậu thuẫn lớn của tỷ phú Thái Lan lại đang sở hữu chuỗi siêu thị rộng khắp ở VN, tuy nhiên, hàng tiêu dùng Thái Lan từ trước đến nay đã quá quen thuộc với người tiêu dùng VN, nhưng chủ yếu tồn tại trôi nổi trên thị trường qua xách tay, hoặc tiểu ngạch.

 

Hàng Việt Nam đang yếu thế hơn các mặt hàng ngoại?

 

Việc sản phẩm hàng ngoại xâm nhập vào thị trường các siêu thị, cửa hàng là chuyện diễn ra hiển nhiên, đặc biệt trong cơ chế mở cửa thị trường hiện nay khi rào cản thuế quan đã không còn. Đối với các nhà bán lẻ, họ thường quan tâm làm sao có thể đáp ứng tốt nhất nhu cầu thị trường, dù muốn ưu tiên, ủng hộ cho hàng Việt, nhưng nếu hàng Việt không đủ sức cạnh tranh về giá cả, mẫu mã, sự đa dạng, tính chuyên nghiệp trong cung ứng thì chắc chắn người tiêu dùng (NTD) sẽ không lựa chọn.

 

Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào của VN cũng yếu thế trong cạnh tranh, rất nhiều sản phẩm như sữa Vinamilk; sản phẩm điện quang của Rạng Đông; thực phẩm thức ăn chăn nuôi trứng gà Ba Huân; trang trại Bảo Châu với sản phẩm là thức ăn hữu cơ, Sài Gòn food… rất tự tin là đứng vững trên quầy kệ của hệ thống siêu thị và các điểm bán lẻ khác. Ngay ở Hà Nội, Hapro đã có những bước tiến nỗ lực trong nhiều năm gần đây với việc mở trung tâm mua sắm khá lớn ở Bắc Giang, mở rộng các điểm bán lẻ và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng. Fivimart từ khi kết hợp với AEON, hệ thống siêu thị đã mở thêm được 6 điểm và sẽ tiếp tục mở, nhằm chiếm lĩnh thị phần trên thị trường, tăng sức cạnh tranh bằng tính chuyên nghiệp và các dịch vụ hữu hiệu nhất, mang đến các chương trình khuyến mãi hấp dẫn cho NTD. Tất cả điều đó cho thấy, sự cạnh tranh là hoàn toàn bình đẳng, các DN Việt cũng đã nỗ lực hòa nhập vào thị trường tự do, có điều, DN nào không thể theo kịp, không đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng thì phải chấp nhận rời bỏ thị trường. Khi các nhà bán lẻ nước ngoài vào, NTD sẽ được hưởng lợi, hệ thống sản xuất, phân phối của DN buộc phải cạnh tranh về giá cả, chất lượng, tiếp thị, đồng thời chịu sức ép về sự lựa chọn giữa hàng Việt và hàng Thái.

 

Doanh nghiệp Việt cần làm gì để nâng cao năng lực cạnh tranh?

 

Sự tràn vào ồ ạt của các tập đoàn nước ngoài có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm và hệ thống phân phối kết nối được toàn cầu cho thấy hệ thống bán lẻ VN sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh lớn hơn trước rất nhiều. Đặc biệt là thời gian tới, khi một loạt các hiệp định như TPP, FTA có hiệu lực, bên cạnh những tập đoàn khổng lồ về bán lẻ của thế giới như Walt mart của Mỹ, hay Auchan của Pháp đang tìm kiếm các nhà cung ứng để tiến bước chinh phục hoạt động tại VN, thì nhiều thương hiệu lớn khác của Hàn Quốc, Pháp, Thái Lan cũng đang chuẩn bị cho cuộc đổ bộ vào thị trường Việt Nam, khiến cuộc cạnh tranh sẽ càng khốc liệt hơn, đòi hỏi DN Việt cần nâng cao năng lực cạnh tranh.

 

Để có một hệ thống bán lẻ hoạt động tốt thì sự liên kết giữa nhà sản xuất với nhà bán lẻ, hoặc nhà phân phối là quan trọng nhất. Sự đồng thuận và có lợi cho cả hai bên, lắng nghe góp ý của nhau, của NTD là yếu tố quyết định sự hài hòa. Trên thực tế, Fivimart đã hợp tác với các nhà sản xuất để có sản phẩm chất lượng đưa ra thị trường với sức cạnh tranh tốt. Các nhà sản xuất trong nước cần chú ý đến chất lượng, giá thành sản phẩm, hình thức đẹp, bắt mắt, đa dạng, nhằm thu hút NTD. Chính vì vậy, các nhà sản xuất VN hãy nỗ lực hết sức từ tư duy đến hành động, đáp ứng được nhu cầu thị trường theo đúng quy luật cung cầu. Cần quan tâm lắng nghe đến phản hồi từ thị trường để đưa ra sản phẩm cạnh tranh cao.

 

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, sự hiện diện của hàng loạt nhãn hàng quốc tế trên mỗi kệ hàng, trong từng giỏ hàng của người dân là điều dễ hiểu và đương nhiên, doanh nghiệp nào có sản phẩm giá rẻ, chất lượng tốt, sẽ chiếm ưu thế chi phối trên thị trường. Các nhà bán lẻ VN mới chỉ đang ở trong giai đoạn tích lũy về tài chính, kinh nghiệm, thương hiệu và con người, vì vậy, cần chấp nhận cạnh tranh một cách sòng phẳng, nhìn thẳng vào khó khăn để vượt qua, xem xét lại chiến lược phát triển, đồng thời, Nhà nước cần có chính sách pháp luật phù hợp tạo cho các DN môi trường cạnh tranh lành mạnh, đúng với tiêu chuẩn hội nhập.

 

Lý Nguyễn (tổng hợp)

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang