Thứ Bẩy, 20/04/2024 03:40:13 GMT+7

Tin đăng lúc 01-04-2019

Lượt xem: 2118

Đưa hàng Việt vào hệ thống bán lẻ nước ngoài: Dư địa lớn

Lựa chọn hàng hóa xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối của nước ngoài như Central Group, AEON, Lotte… được coi là hướng đi khả thi, hiệu quả. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương).
Đưa hàng Việt vào hệ thống bán lẻ nước ngoài: Dư địa lớn
Hệ thống bán lẻ Việt Nam phát triển mạnh

Bà nhận diện thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay như thế nào trong hội nhập kinh tế quốc tế?

 

Cùng với sự phát triển kinh tế Việt Nam trong những năm qua, ngành bán lẻ cũng phát triển nhờ nhu cầu mua sắm, thu nhập của người dân tăng cao. Thêm vào đó, quá trình hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng, chính sách cởi mở của thị trường Việt Nam trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), môi trường kinh doanh ngày càng cải thiện. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp (DN) FDI trong lĩnh vực bán lẻ đã tham gia thị trường và mở rộng quy mô bán lẻ, mang công nghệ quản lý, nguồn vốn đầu tư mạnh mẽ cho thị trường bán lẻ Việt Nam.

 

Bên cạnh đó, các DN bán lẻ trong nước cũng nhận thức được việc cần phải cạnh tranh với DN bán lẻ nước ngoài, có nhiều tiến bộ trong cải thiện dịch vụ về nguồn hàng và chất lượng. Những DN này đã mở rộng mô hình đầu tư về diện phủ rộng, đa dạng hóa mặt hàng, tiếp cận đến người tiêu dùng nhiều hơn.

 

Trong quá trình DN nước ngoài tiếp cận thị trường bán lẻ Việt Nam, chúng ta có những đàm phán, đề nghị phối hợp… để đưa sản phẩm Việt Nam vào chuỗi bán lẻ nước ngoài. Xin bà chia sẻ một vài con số ấn tượng của hoạt động này?

 

Trong quá trình triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", chúng tôi đã có nhiều chương trình vận động DN bán lẻ thuần Việt và DN có vốn FDI cùng tham gia. Ngoài việc thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước ở kênh phân phối tại Việt Nam, chúng tôi cũng vận động họ tìm cách xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài thông qua hệ thống phân phối của mình.

 

Về cam kết, hai nhà phân phối bán lẻ lớn có vốn FDI ở Việt Nam là Big C (do Tập đoàn Central Group sở hữu) và AEON (do Tập đoàn AEON sở hữu) đều ký với Bộ Công Thương năm 2017 và 2018 về việc thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, cũng như thu mua xuất khẩu ra nước ngoài. Riêng Big C, từ năm 2017 đến nay, thường xuyên xuất khẩu 46 triệu USD/năm trở lên và đang đẩy con số này lên nhiều hơn, khi còn nhiều dư địa đối với mặt hàng dệt may, nông sản. Hay MM Mega Mark (trước đây là Metro), sau khi được Tập đoàn Thái Lan thu mua, đã thành lập 4 trung tâm mua hàng nông sản ở Việt Nam. Hiện, kênh phân phối này đang thu hút hàng hóa xuất khẩu về Thái Lan với các mặt hàng có tính bản địa cao của Việt Nam như thanh long, khoai lang… Họ đang phấn đấu xuất khẩu mỗi tuần 10 container (hiện nay đang đi 2-3 container).

 

Đặc biệt, chúng tôi cũng đánh giá cao sự kết nối, cam kết xuất khẩu của AEON ra hệ thống phân phối của họ ở nước ngoài. Hiện, AEON đã xuất khẩu 250 triệu USD/năm tiền hàng của Việt Nam gia công qua AEON, thông qua thương hiệu Top Value (hàng độc quyền của AEON). Đồng thời, ký cam kết với Bộ Công Thương đến năm 2020 đẩy con số này lên 500 triệu USD và năm 2025 là 1 tỷ USD.

 

Bộ Công Thương sẽ làm gì để thúc đẩy các nhà bán lẻ Việt Nam đưa hàng hóa ra thị trường ngoài nước, thưa bà?

 

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Đây là cơ hội cho các nhà bán lẻ Việt Nam mở rộng kênh phân phối ra nước ngoài - thị trường rất tiềm năng thông qua 4 triệu Việt kiều đang sinh sống và làm việc. Có nhiều siêu thị Việt Nam tại nước ngoài hiện đang hoạt động hiệu quả, đã xây dựng thương hiệu riêng. Vì vậy, các nhà bán lẻ Việt Nam có thể phối hợp, kết nối qua kênh bán lẻ này để mở rộng hệ thống bán lẻ mang thương hiệu Việt Nam tới toàn cầu, qua đó xuất khẩu hàng Việt ra thế giới. Ví dụ điển hình, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) có mối liên kết chặt chẽ với hệ thống bán lẻ FairPrice (Singapore). Hệ thống này hỗ trợ tương hỗ lẫn nhau trong việc cung cấp hàng hóa của Việt Nam sang hệ thống FairPrice tại Singapore; đồng thời, Singapore hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực của hệ thống FairPrice, cũng như hệ thống bán lẻ Saigon Co.op tại Singapore. Tôi nghĩ rằng, đây là thị trường tiềm năng để các nhà bán lẻ Việt Nam tiến tới toàn cầu, thông qua việc đưa hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài, sau đó thiết lập cơ sở bán lẻ tại nước ngoài mang thương hiệu Việt Nam.

 

Xin cảm ơn bà!

 

Bộ Công Thương đã xây dựng Đề án thúc đẩy các DN Việt Nam trực tiếp tham gia mạng phân phối nước ngoài đến năm 2020, trình Thủ tướng Chính phủ và được phê duyệt. Từ đó đến nay, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, nhất là DN, địa phương để thực hiện hiệu quả đề án.

 

Theo congthuong.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang