Thứ Sáu, 26/04/2024 21:40:29 GMT+7

Tin đăng lúc 07-05-2022

Lượt xem: 798

Thành phố Hồ Chí Minh: Giữ đà tăng trưởng kinh tế

Trong những tháng đầu năm nay, kinh tế thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục có những bước phát triển nhanh, sôi động ngoài sự mong đợi. Hàng nghìn doanh nghiệp, bằng các giải pháp linh hoạt và thích ứng an toàn, đang góp phần tạo nên sinh khí mới trong sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
Thành phố Hồ Chí Minh: Giữ đà tăng trưởng kinh tế
Công nhân Công ty May Sài Gòn 3 trong giờ làm việc

Nhiều ngày qua, không khí sản xuất tại các phân xưởng của Công ty TNHH sơn Dura Việt Nam luôn nhộn nhịp. Tại thị trường trong nước, nơi phân phối các sản phẩm của công ty, các đơn hàng cũ và mới liên tiếp đổ về.

 

Tổng Giám đốc Công ty TNHH sơn Dura Việt Nam Phan Anh Tuấn nhớ lại, trong giai đoạn giãn cách xã hội (từ ngày 1/7 đến 30/9/2021), hoạt động công ty gặp nhiều khó khăn do văn phòng đóng cửa, nhân sự làm việc tại nhà nên hiệu quả công việc chỉ đáp ứng được 60%. Đó cũng là thời điểm các sản phẩm gần như “đóng băng” do thị trường gần như nằm im. Sau khi thành phố mở cửa, ban lãnh đạo công ty đã nỗ lực từng bước tháo gỡ khó khăn để bắt nhịp thị trường.

 

Anh Phan Anh Tuấn đánh giá rất cao các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch của Trung ương và thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố đã linh hoạt triển khai các gói hỗ trợ theo từng đối tượng doanh nghiệp, tổ chức các cuộc xúc tiến thương mại, hỗ trợ nguồn vốn để doanh nghiệp phục hồi, kết nối thị trường…

 

Còn theo Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, sau những tín hiệu phục hồi mạnh mẽ từ đầu năm 2022 đến nay, dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay được xem là thời điểm vàng để các doanh nghiệp du lịch lữ hành lấy lại đà tăng trưởng. Với sự đa dạng trong các loại hình, tua tuyến ở hầu khắp các địa phương, ngành du lịch thành phố đang kỳ vọng sẽ sớm phục hồi và tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của thành phố sau đại dịch Covid-19…

 

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, hết quý I/2022, hầu hết các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố đã trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh; nhiều doanh nghiệp cơ cấu lại và đăng ký mở rộng hoạt động; các chỉ số thống kê trên nhiều lĩnh vực kinh tế tiếp tục khởi sắc, tăng tốc và phục hồi mạnh mẽ so với những tháng trước và so với cùng kỳ năm 2021. Trong tháng 4, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 2% so với tháng trước và tăng 9,7% so với cùng kỳ 2021.

 

Còn theo Sở Tài chính thành phố Hồ Chí Minh, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố trong bốn tháng đầu năm nay ước gần 168.200 tỷ đồng, đạt 43,5% dự toán, tăng 13,87% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức tăng cao nhất trong bốn năm trở lại đây…

 

Nhằm giữ đà tăng trưởng để kinh tế tiếp tục có sự phục hồi mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tập trung phục hồi kinh tế, tạo đà tăng tốc phát triển trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Trong đó, đặt doanh nghiệp là trung tâm của sự tăng trưởng kinh tế.

 

Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh khóa 11 mở rộng mới đây đã thống nhất cho rằng, kết quả các lĩnh vực đạt được trong tháng 4 và bốn tháng đầu năm 2022 cho thấy chúng ta có niềm tin có thể hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022. Nhiều lĩnh vực, vấn đề đang có những thuận lợi, khả quan. Tuy vậy, trước mắt vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi các đơn vị, sở, ngành, địa phương của thành phố phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa. Bên cạnh những chỉ số đạt tích cực, thành phố vẫn còn những chỉ số chưa đạt, thậm chí còn giảm sâu. Việc triển khai lập quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2060 chưa đạt tiến độ đề ra.

 

Trên cơ sở phân tích thuận lợi, khó khăn, khách quan, chủ quan và những hạn chế, bất cập, hội nghị đã thống nhất các nhóm nhiệm vụ giải pháp; xác định nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, huy động cao nhất mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường năng lực quản trị, quản lý đô thị hiện đại, chủ động đề xuất với Trung ương cơ chế chính sách nhằm tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc mà địa phương không thể giải quyết được.

 

Để bảo đảm cho sự tăng tốc và phát triển bền vững trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị các ngành, các cấp cần chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả các giải pháp thực hiện chủ đề năm 2022; trong đó tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn của người dân và doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khẩn trương thực hiện chương trình chuyển đổi số, hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, trọng tâm là cải cách hành chính, nhằm phục vụ cho người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn nữa.

 

Các ngành, các cấp của thành phố cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP, Nghị quyết số 38/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phòng, chống dịch và thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19; tăng cường củng cố hệ thống y tế cơ sở và đào tạo nhân lực y tế; triển khai kịp thời các chính sách đặc thù, củng cố, năng cao năng lực y tế cơ sở, trạm y tế phường, xã, thị trấn đến năm 2025 theo kế hoạch...

 

Thành phố cần xác định động lực tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, cả ngắn hạn và dài hạn, phần lớn phụ thuộc vào đầu tư công và chương trình phục hồi, phát triển sản xuất và xuất khẩu. Các đơn vị cần xem việc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm; ưu tiên triển khai các dự án trọng điểm có tính cấp bách về y tế, giáo dục, nhà ở, kết nối giao thông và chuỗi cung ứng, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các công trình, dự án hạ tầng trọng yếu…

 

Theo báo Nhân dân

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang