Thứ Tư, 01/05/2024 04:56:56 GMT+7

Tin đăng lúc 09-08-2023

Lượt xem: 285

Thanh Hóa: Trở thành trung tâm lớn của cả nước về công nghiệp

Mục tiêu đến năm 2030, Thanh Hóa sẽ trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại. Vì vậy, Thanh Hóa xác định việc phát triển đồng bộ hạ tầng Khu Kinh tế Nghi Sơn, các Khu công nghiệp (KCN) và hệ thống các cụm công nghiệp (CCN), tạo mặt bằng để thu hút đầu tư sản xuất công nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, phát huy tiềm năng, lợi thế, tài nguyên, góp phần đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thanh Hóa: Trở thành trung tâm lớn của cả nước về công nghiệp

Lĩnh vực công nghiệp được xác định là động lực số 1 của sự tăng trưởng

 

Thanh Hoá là tỉnh lớn của Việt Nam, đứng thứ 5 về diện tích (11.114,71 km2) và thứ 3 về dân số (3,74 triệu người); có đầy đủ các vùng miền: Ven biển, đồng bằng, trung du và miền núi; có các điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội như: Đất đai rộng lớn, tài nguyên phong phú; lực lượng lao động dồi dào; giao thông phát triển (đường sắt và đường bộ xuyên Việt, đường thủy, đường hàng không thông ra quốc tế); cảng nước sâu Nghi Sơn (có khả năng đón tàu hàng hải quốc tế có tải trọng tới 50.000 DWT) và Cửa khẩu quốc tế Na Mèo và Cửa khẩu quốc gia Tén Tần thông thương với nước bạn Lào...

 

Hiện nay, trên địa bản tỉnh Thanh Hóa có 01 Khu kinh tế Nghi Sơn được Chính phủ ký Quyết định thành lập năm 2006, với diện tích 18.611,8ha. Có 09 KCN đã được thành lập theo Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, ngày 28/5/2022 của Chính phủ “Về quản lý KCN và khu kinh tế”. Có 45 CCN, trong đó, có 44 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư, với tổng diện tích 1.642,96 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký là 11.654,36 tỷ đồng. Đến năm 2025, Thanh Hóa sẽ trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước – một cực tăng trưởng mới, có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh, tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của đất nước. Đến năm 2030, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại.

 

Những năm gần đây, kinh tế Thanh Hóa luôn tăng trưởng cao (Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 đạt  252.672 tỷ đồng, tăng 12,51%; đứng thứ 7 cả nước sau các tỉnh, thành phố: Khánh Hòa, Bắc Giang, Đà Nẵng, Hậu Giang, Hưng Yên và Cần Thơ. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá cao, Chỉ số sản xuất công nghiệp trong những năm gần đây tăng trên 15% (IIP năm 2021 tăng 16,93%, năm 2022 tăng 16,31%, dự kiến năm 2023 tăng trên 10%), cao hơn mức tăng bình quân cả nước (cả nước năm 2022, IIP tăng 7,8%) và đứng tốp đầu các tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ.

 

Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn 

 

Trong 20 năm qua, sau khi Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 09/6/2004 của Chính phủ về phát triển công nghiệp nông thôn được ban hành, dưới sự chỉ đạo, tạo điều kiện của Chính phủ, các Bộ, ngành Trương ương, tỉnh Thanh Hóa đã rất quan tâm đến công tác phát triển CCN, từ việc xây dựng quy hoạch đến ban hành các chính sách, nhằm hỗ trợ các địa phương trong việc đầu tư, phát triển hệ thống các CCN, đã tạo mặt bằng để thu hút đầu tư sản xuất công nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, phát huy tiềm năng, lợi thế, tài nguyên góp phần đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như:

 

 

Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 (KKT Nghi Sơn) cán mốc sản lượng 30 tỷ kWh điện

 

Các văn bản chỉ đạo của Trung ương ban hành còn bộc lộ một số bất cập, chồng chéo với các quy định khác của pháp luật, nhưng chưa được sửa đổi kịp thời nên trong qua trình tổ chức thực hiện, các địa phương còn lúng túng. Các chính sách của Trung ương và địa phương ban hành còn chưa đủ mạnh, nguồn lực hỗ trợ còn rất hạn chế nên chưa là động lực để thu hút các nguồn lực khác cho phát triển kết cấu hạ tầng các CCN.

 

Các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến quản lý, đầu tư hạ tầng CCN, đầu tư sản xuất trong các CCN chậm được ban hành, tính phù hợp với thực tiễn còn hạn chế nên gây khó khăn trong hoạt động của các doanh nghiệp (như quy định về đầu tư, đất đai, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường,...).

 

Công tác biên chế cán bộ, bố trí cán bộ, đào tạo cán bộ để thực hiện công tác quản lý nhà nước về CCN chưa được quan tâm đúng mức. Ở cấp huyện, cán bộ kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực và thường xuyên thay đổi, năng lực của một bộ phận cán bộ còn hạn chế...

 

Quan điểm của một số cán bộ lãnh đạo các cấp về công tác quản lý, phát triển CCN còn xem nhẹ, chưa thấy hết được vai trò, ý nghĩa của việc phát triển hạ tầng công nghiệp cho mục tiêu phát triển.

 

Trong đó, cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các quy định của Chính phủ, Bộ ngành Trung ương về quản lý, phát triển CCN, thực hiện đồng bộ có hiệu quả các Chính sách ưu đãi, các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN, tạo thuận lợi để thu hút doanh nghiệp, các cơ sở vào đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý CCN cho các địa phương, doanh nghiệp; đẩy mạnh đào tạo lao động để đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp trong CCN, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, tăng thu ngân sách, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

 

Vân Trường


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang