Thứ Bẩy, 27/04/2024 14:12:16 GMT+7

Tin đăng lúc 06-10-2023

Lượt xem: 1392

Thái Nguyên ưu tiên phát triển CNHT sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử và vi mạch điện tử bán dẫn

Thái Nguyên được coi là trung tâm công nghiệp giữ vai trò động lực phát triển của cả vùng trung du và miền núi phía Bắc, bởi nơi đây đã từng là cái nôi của ngành công nghiệp luyện kim cả nước. Phát huy truyền thống, những năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều Chương trình, Nghị quyết về phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, toàn diện, bền vững, phù hợp với chủ trương, chiến lược phát triển công nghiệp của cả nước.
Thái Nguyên ưu tiên phát triển CNHT sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử và vi mạch điện tử bán dẫn
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải tham quan dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên tại Khu công nghiệp Sông Công II, tỉnh Thái Nguyên

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện đã có các doanh nghiệp đầu tư vào một số ngành công nghiệp then chốt, với trang thiết bị công nghệ hiện đại, hoạt động hiệu quả như tổ hợp Samsung gồm 2 nhà máy Samsung Electronics Thái Nguyên (SEVT) và Samsung Electro - Mechanics Viet Nam (SEMV) có tổng mức đầu tư gần 7 tỉ USD Mỹ tại Khu công nghiệp (KCN) Yên Bình. Sau khi Tập đoàn này đầu tư vào tỉnh đã thu hút hơn 70 nhà đầu tư phụ trợ cho Samsung và trên 30 dự án FDI phụ trợ với tổng vốn đăng ký gần 600 triệu USD tại KCN Điềm Thụy (Phú Bình). Khu tổ hợp này đóng vai trò to lớn trong sự phát triển công nghiệp của Thái Nguyên hiện nay. Cùng với đó, tổ hợp khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (gần 01 tỷ USD), mỏ sắt Tiến Bộ, mạ kẽm điện phân, cán thép Thái Trung, nhiệt điện An Khánh và các nhà máy cơ khí lớn khu vực Gò Đầm… cùng nhiều dự án công nghiệp hiện đại khác đã mang lại diện mạo mới cho công nghiệp Thái Nguyên chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước, tạo ra giá trị xuất khẩu lớn, thu hút được trên 120.000 lao động, với thu nhập bình quân gần 7 triệu đồng/tháng.

 

Công tác quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng KCN, CCN đã có bước chuyển biến rõ nét. Toàn tỉnh cũng đã quy hoạch 35 CCN và 6 KCN. Đến thời điểm này, có hơn 20 CCN đi vào hoạt động với diện tích 772,5ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 39,2% và 4/6 KCN đi vào hoạt động, đã thu hút được 184 dự án đầu tư vào các KCN. Tất cả những KCN, CCN trên đều góp phần tích cực vào quá trình thu hút đầu tư các dự án công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 

Theo bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, nhờ tích cực cải cách hành chính, chính sách đầu tư ưu đãi, cùng cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, Thái Nguyên đã thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn ngoài ngân sách. Nhiều dự án có vốn đầu tư lớn như: Samsung Thái Nguyên có tổng mức đầu tư gần 07 tỷ USD; Dự án khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo có tổng mức đầu tư 01 tỷ USD đi vào hoạt động, đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh xuất khẩu lớn thứ tư cả nước. Tỉnh Thái Nguyên chủ trương phát triển công nghiệp đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh và đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng công nghiệp xanh, CNHT ứng dụng công nghệ cao, có khả năng tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu và một số chuyên ngành có giá trị gia tăng lớn mà tỉnh có lợi thế như công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử và vi mạch bán dẫn; công nghiệp vật liệu mới; công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu tập trung và gắn với xây dựng nông thôn mới; công nghiệp hạ tầng (sản xuất và phân phối điện, xử lý môi trường và chất thải). Tuy nhiên, giá trị sản xuất ngành CNHT của tỉnh chỉ đáp ứng được khoảng 7 - 9% giá trị sản xuất của nhóm ngành.

 

Đầu tháng 5/2023, Thái Nguyên đón dự án nhà máy sản xuất thiết bị điện tử DBG của Tập đoàn công nghệ DBG (Trung Quốc) - 1 trong 50 công ty sản xuất điện tử (EMS) hàng đầu thế giới

 

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “Về tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022, của Bộ Chính trị “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, để phát triển công nghiệp hiện đại, bền vững, tỉnh Thái Nguyên chủ trương cải thiện môi trường đầu tư, phát triển các KCN, CCN tập trung, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút các nguồn lực, nhà đầu tư. Trong Quyết định số 222/QĐ-TTg, ngày 14/3/2023, của Thủ tướng Chính phủ, về “Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, tỉnh Thái Nguyên đề ra mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du và miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.

 

Theo đó, tỉnh Thái Nguyên tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, KCN, CCN phía Nam (huyện Phú Bình, thành phố Phổ Yên, thành phố Sông Công) để thu hút đầu tư, tạo đột phá trong phát triển kinh tế, phát triển công nghiệp. Tỉnh ưu tiên lựa chọn các dự án có quy mô đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, các nhà đầu tư có tiềm lực và chiến lược đầu tư dài hạn; gắn hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh với chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia, kế hoạch xúc tiến đầu tư của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương. Ngoài ra, tỉnh tập trung phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích thành lập doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa ở tất cả ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ DN thông qua việc cung cấp các dịch vụ phát triển kinh doanh; xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối DN theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; kết nối DN vừa và nhỏ với các DN lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài, giữa người dân với DN, định hướng gắn kết đến thị trường quốc tế để tạo ra những chuỗi giá trị. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung phát triển các ngành: Sản xuất các sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; Ngành Luyện kim; Ngành Khai thác và chế biến khoáng sản; Ngành Cơ khí; Ngành Sản xuất vật liệu xây dựng; Ngành Hóa chất; Ngành Dệt may; Ngành Chế biến nông, lâm sản, thực phẩm và đồ uống… Chú trọng phát triển ngành sản xuất các sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, bởi từ năm 2014, khi dự án sản xuất điện thoại thông minh, máy tính bảng... của Tập đoàn Samsung đi vào hoạt động, nhóm ngành công nghiệp chế tạo thiết bị điện tử đã chiếm tỷ trọng hơn 90% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Đồng thời, sẽ thu hút hàng loạt các DN ngành CNHT đầu tư sản xuất tại các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh.

 

Để hiện thực hóa các mục tiêu trong những năm tới, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2030, trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội gắn với phát triển bền vững, có sức lan tỏa, tác động đến phát triển công nghiệp toàn vùng trung du và miền núi phía Bắc. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh có các nhóm ngành/sản phẩm hiện đại, chuyên môn hóa và có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu xây dựng tỉnh trở thành một trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại. Với các mục tiêu cụ thể là, tăng trưởng giá trị tăng thêm (VA) ngành công nghiệp phấn đấu đạt 9%/năm trở lên trong giai đoạn 2021 - 2030; tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 8,5 - 9%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030. Riêng giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu đạt trên 9%/năm; tỷ trọng VA ngành công nghiệp và xây dựng trong cơ cấu GRDP của tỉnh đạt khoảng 61% vào năm 2025 (riêng ngành công nghiệp đạt khoảng 54,5%) và đến năm 2030 đạt khoảng 60% (trong đó ngành công nghiệp đạt 55 - 57%).

 

Trên cơ sở đó, tỉnh Thái Nguyên tập trung phát triển theo chiều sâu, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp. Tại các KCN sẽ đặc biệt ưu tiên thu hút đầu tư những dự án CNHT ứng dụng công nghệ cao; tăng cường đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao trình độ công nghệ chế biến và tỷ lệ giá trị gia tăng của ngành. Chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng tăng nhanh các nhóm ngành sản phẩm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn; sản xuất hàng xuất khẩu; chuyển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động và lao động có trình độ không cao về khu vực nông thôn; huy động có hiệu quả các nguồn lực nội sinh; thu hút tối đa các nguồn lực bên ngoài. Phát triển các KCN, CCN tập trung, gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hệ thống đô thị; phân bổ hợp lý các loại hình sản xuất quy mô theo địa bàn và trong các KCN, CCN, khu tiểu thủ công nghiệp và làng nghề; từng bước hiện đại hóa ngành công nghiệp Thái Nguyên. Ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp theo thứ tự: CNHT sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử và vi mạch điện tử bán dẫn, chế tạo máy, gia công kim loại và cơ khí lắp rắp, chế biến sâu khoáng sản… Từng bước chuyển hướng mô hình sản xuất, phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện đại, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

 

Phát huy vai trò là hạt nhân phát triển, động lực tăng trưởng kinh tế của các tỉnh vùng Đông Bắc và cửa ngõ vùng Thủ đô Hà Nội trong việc thực hiện các Đề án phát triển kinh tế - xã hội nói chung, ngành công nghiệp nói riêng, với sự đồng tâm, hiệp lực của Đảng bộ, chính quyền, của toàn hệ thống chính trị, chắc chắn Thái Nguyên sẽ hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, Nghị quyết mà Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020 – 2025) đã đề ra; Phấn đấu xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm công nghiệp giữ vai trò động lực phát triển của cả vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

 

Quỳnh Anh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang