Thứ Ba, 14/05/2024 16:29:03 GMT+7

Tin đăng lúc 31-10-2023

Lượt xem: 1302

Thái Nguyên ưu tiên phát triển các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn, có sức lan tỏa và tỷ lệ gia tăng cao

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tỉnh Thái Nguyên đề ra mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp (CN) hiện đại của khu vực trung du và miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030. Trong đó, xác định ngành CN công nghệ cao đóng vai trò “trụ cột”, là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Thái Nguyên ưu tiên phát triển các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn, có sức lan tỏa và tỷ lệ gia tăng cao
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên tham quan khu trưng bày sản phẩm của Công ty TNHH Điện tử Samsung Việt Nam Thái Nguyên

Công nghiệp đóng vai trò đòn bẩy

 

Với vai trò là một trong những “chiếc nôi” của CN nặng cả nước, lĩnh vực CN của tỉnh những năm gần đây có sự phát triển mang tính đột phá. Ngành CN và xây dựng tăng trưởng nhanh, đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng kinh tế và chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh. Trong năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng cao, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp,..., nhưng với sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là sự sáng tạo, linh hoạt, chủ động của doanh nghiệp (DN), tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh vẫn đạt 8,59% (mức tăng GDP của cả nước là 8,02%). Cơ cấu kinh tế của tỉnh năm 2022 tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng CN, dịch vụ, trong đó, riêng CN chiếm trên 52% GRDP của tỉnh.

 

Riêng về công nghiệp hỗ trợ (CNHT), Thái Nguyên cũng sớm được coi là một trung tâm cơ khí chế tạo và điện, điện tử… với những DN sản xuất lớn, như: Cơ khí Phổ Yên, Diesel Sông Công, Phụ tùng máy số I, các tổ hợp Samsung… Để thích ứng với cơ chế thị trường và tham gia sâu vào chuỗi sản xuất hỗ trợ, các DN này đã tích cực đầu tư chiều sâu, hiện đại hóa công nghệ. Trong đó, Tập đoàn Sunny có kế hoạch mở rộng đầu tư trị giá từ 2 -  2,5 tỷ USD. Đặc biệt là, Công ty Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) chính thức nhận giấy phép đầu tư tại Thái Nguyên năm 2013, với số vốn ban đầu là 2 tỷ USD. Chỉ sau 1 năm, Công ty đã tăng vốn thêm 3 tỷ USD và đạt mức 5 tỷ USD tổng vốn đầu tư. Liên tục sau đó, Samsung đầu tư dự án mới và tăng cường mở rộng tại Thái Nguyên. Cho đến thời điểm hiện tại, số vốn đầu tư của Samsung đạt trên 7,5 tỷ USD tại Thái Nguyên và là một DN đóng góp ngân sách lớn nhất tỉnh Thái Nguyên hiện nay... Ngoài những “cánh chim đầu đàn” đó, số DN CNHT trong nhóm ngành cơ khí chế tạo, điện, điện tử tại tỉnh tăng khá nhanh. Phát triển CN nói chung và ngành CNHT nói riêng đã đóng vai trò đòn bẩy thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Nguyên luôn cao hơn trung bình cả nước; tỉnh vẫn giữ vững vị thế về giá trị sản xuất CN và xuất khẩu. Năm 2022, giá trị sản xuất CN của tỉnh đạt trên 932.000 tỷ đồng (tăng 10,8% so với năm 2021); giá trị xuất khẩu đạt trên 32 tỷ USD, tăng 10,4% so với năm trước. Hiện Thái Nguyên luôn đứng thứ 4 cả nước về sản xuất CN và xuất khẩu.

 

Tập trung phát triển mạnh lĩnh vực thế mạnh

 

Trong Quyết định số 222/QĐ-TTg, ngày 14/3/2023, của Thủ tướng Chính phủ, về “Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, ưu tiên các nhóm ngành, sản phẩm CN ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn; sản xuất hàng xuất khẩu; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tập trung phát triển các ngành CN có lợi thế so sánh và đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện trên địa bàn Thái Nguyên có 5/7 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động, thu hút được 269 dự án đăng ký đầu tư, hơn 200 DN đang hoạt động; có 22/35 cụm công nghiệp (CCN) có chủ đầu tư kết cấu hạ tầng với tổng vốn đăng ký đầu tư là 6.650 tỷ đồng. Nổi bật là tỉnh sẽ quy hoạch Khu công nghệ thông tin tại KCN Yên Bình. Các CCN đang hoạt động thu hút được 65 dự án đầu tư thứ cấp và đã  giải quyết được việc làm cho trên 250.000 lao động, chiếm trên 40% tổng số lao động của tỉnh.

 

 

Công ty CP Phụ tùng máy số 1 sản xuất  thiết bị, phụ tùng cung cấp cho khách hàng chủ yếu là Honda, Yamaha, Atsumitec, Sumitomo Heavy Industries Vietnam, Schefler, Piaggio Vietnam…

 

Một trong những DN điện, điện tử, bán dẫn đầu tàu của tỉnh chính là Tổ hợp Samsung với 2 nhà máy Samsung Electronics Thái Nguyên (SEVT) và Samsung Electro - Mechanics Việt Nam (SEMV) tại KCN Yên Bình. Sau khi Tập đoàn này đầu tư vào tỉnh đã thu hút hàng trăm nhà đầu tư và các dự án FDI phụ trợ tại KCN Điềm Thụy, Yên Bình. Nhiều dự án được triển khai từ cuối năm 2020 cũng đã đi vào hoạt động hiệu quả như: Nhà máy Messer Yên Bình chuyên sản xuất khí CN, tập trung vào sản xuất oxy độ tinh khiết cao 5.0, chiết nạp và đóng gói cung cấp cho ngành CN điện tử. Dự án Nhà máy Sunny Opotech Việt Nam với tổng vốn đầu tư ban đầu 9,8 triệu USD, sau đó điều chỉnh tăng vốn đầu tư lên 30 triệu USD với mục tiêu là thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC); thiết kế, sản xuất, gia công lắp ráp quang học modul camera. Theo kế hoạch, Công ty TNHH Sunny Opotech Việt Nam sẽ đầu tư thêm 260 triệu USD giai đoạn tiếp theo. Cùng với đó là Nhà máy phát triển năng lượng Trina Solar tại KCN Yên Bình đã sản xuất thành công lô mô-đun công suất cao Vertex 550W kết hợp tế bào quang điện đường kính 210mm và trở thành công ty năng lượng mặt trời tiên phong cung cấp các mô-đun tích hợp tế bào quang điện đường kính 210mm cho thị trường Bắc Mỹ.

 

Mục tiêu là phát triển những lĩnh vực mũi nhọn

 

Trong giai đoạn tới, tỉnh Thái Nguyên đề ra các mục tiêu cụ thể là: Tăng trưởng giá trị tăng thêm (VA) ngành CN phấn đấu đạt 9%/năm trở lên trong giai đoạn 2021 - 2030; tăng trưởng giá trị sản xuất CN đạt khoảng 8,5 - 9%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030. Riêng giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu đạt trên 9%/năm; tỷ trọng VA ngành CN và xây dựng trong cơ cấu GRDP của tỉnh đạt khoảng 61% vào năm 2025 (riêng ngành CN đạt khoảng 54,5%) và đến năm 2030 đạt khoảng 60% (trong đó ngành CN đạt 55 - 57%). Trong năm 2023, tỉnh đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, lựa chọn đối tác đầu tư vào Thái Nguyên đến từ các quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, là thành viên của các Hiệp định FTA đa phương với Việt Nam như: Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan... Đồng thời, tập trung phát triển CN đa ngành, đa lĩnh vực theo chiều sâu; chú trọng chất lượng tăng trưởng đảm bảo tính bền vững. Đặc biệt là ưu tiên thu hút đầu tư theo thứ tự CNHT sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử và vi mạch điện tử bán dẫn, chế tạo máy, gia công kim loại và cơ khí lắp rắp, chế biến sâu khoáng sản…, coi đây là những ngành, lĩnh vực mũi nhọn, có có giá trị gia tăng lớn, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển một cách bền vững… Tới năm 2030, tỉnh phấn đấu trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trung tâm chuyển đổi số; xây dựng thành phố Thái Nguyên trở thành một trong những cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng Trung du và vùng núi Bắc Bộ, vùng Thủ đô Hà Nội.

 

Như vậy có thể thấy, tỉnh Thái Nguyên đang nhất quán thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra, có nhận thức đúng đắn về phương châm phát triển CN, đồng thời lực chọn những ngành, lĩnh vực có tính then chốt, mũi nhọn, có tỷ lệ gia tăng cao và nhất là phù hợp với xu thế của cuộc Cách mạng 4.0, trong đó tập trung vào ngành điện, điện tử, chíp bán dẫn, phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp tốp đầu cả nước, đóng vai trò động lực lan tỏa nền kinh tế hiện đại, hội tụ những yếu tố của nền kinh tế tri thức, công nghệ tiên tiến, dịch vụ chất lượng cao./.

 

Tiến Hải


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang