Thứ Năm, 02/05/2024 16:35:29 GMT+7

Tin đăng lúc 15-08-2023

Lượt xem: 576

Tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử để chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu và quyền lợi người tiêu dùng

Thời gian qua, tại Việt Nam, thương mại điện tử (TMĐT) đã có sự phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh phân phối hiện đại và là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ này cũng là kẽ hở cho việc kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc… Chính vì vậy, việc tăng cường quản lý hoạt động TMĐT là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn vấn nạn hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại… bảo vệ thương hiệu và quyền lợi của người tiêu dùng.
Tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử để chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu và quyền lợi người tiêu dùng

Năm 2022, theo điều tra, khảo sát của Bộ Công Thương, doanh thu TMĐT bán lẻ tại Việt Nam ước tính cả năm tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Số lượng người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến là trên 54,6 triệu người, giá trị mua sắm trực tuyến của một người đạt gần 270 USD/năm. Riêng đối với TP Hà Nội, theo Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam năm 2022, chỉ số TMĐT (EBI) của TP.Hà Nội đứng thứ 2 cả nước, đạt 85,9 điểm, xếp sau TP.HCM với 89,2 điểm; doanh số TMĐT B2C ước chiếm 11% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn; tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến ước đạt 50%; tỷ lệ doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn TMĐT ước đạt 45%.

 

Báo cáo từ Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương, năm 2022, các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý 139.758 vụ việc vi phạm (tăng 1,17% so với cùng kỳ năm 2021). Riêng trên địa bàn TP. Hà Nội, trong hai năm 2021 và 2022, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 4.513 vụ việc vi phạm trong hoạt động TMĐT; khởi tố hình sự 10 vụ đối với 20 đối tượng; phạt hành chính trên 530,9 tỷ đồng. Trong 4 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng thành phố kiểm tra, xử lý 103 vụ vi phạm liên quan đến lĩnh vực TMĐT. Tổng số tiền phạt hành chính 1,383 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm 526 triệu đồng. Xử lý hình sự 6 vụ đối, với 11 đối tượng.

 

6 tháng đầu năm 2023, doanh số TMDT bán lẻ Việt Nam đạt 10,3 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Dự báo trong giai đoạn 2022 - 2025, kinh tế Internet Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu khu vực đạt khoảng 31%/năm, quy mô ước đạt 49 tỷ USD vào năm 2025.

 

Mặc dù TMĐT đem đến nhiều cơ hội nhưng cũng có không ít vấn đề cho các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước và cả người tiêu dùng, bởi tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn được chào bán công khai ở nhiều nơi và gia tăng mạnh trên các trang mạng xã hội, các sàn TMĐT, cùng với đó là tình trạng trốn thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp qua khai báo gian dối về giá, chuyển giá, tình trạng lợi dụng chính sách quản lý rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu để buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp,...

 

Trước thực trạng trên, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội cho biết, để tăng cường hiệu quả bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên nền TMĐT, góp phần kiểm soát hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo vệ thương hiệu các sản phẩm trên không gian mạng, thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội sẽ tăng cường công tác quản lý hoạt động TMĐT, cụ thể, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý địa bàn tập trung; Đưa các giải pháp về công nghệ áp dụng vào quá trình giám sát, phòng ngừa; Đẩy mạnh đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về TMĐT cho công chức quản lý thị trường... Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội cũng chủ động phối hợp với Sở Công Thương thành phố và lực lượng chức năng khác rà soát, phân loại các trang web TMĐT, các tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trực tuyến; Phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước về TMĐT để tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về TMĐT, qua đó, vừa khuyến cáo, vừa xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh, chào bán hàng giả, hàng cấm trên mạng.

 

Có thể thấy, để TMĐT phát triển lành mạnh, trở thành kênh mua sắm an toàn cho người tiêu dùng, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, các lực lượng chức năng thì rất cần sự chung tay của các doanh nghiệp và cả người tiêu dùng. Các doanh nghiệp cần xây dựng và nâng cao năng lực của bộ phận sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp; thiết lập các kênh phân phối chính thức, ổn định, thuận tiện để người tiêu dùng dễ tiếp cận; đồng thời, thiết lập các kênh giám sát thị trường, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan thực thi, các cơ quan hỗ trợ thực thi, các sàn TMĐT để đối phó có hiệu quả với các hành vi giả mạo, cạnh tranh không lành mạnh, cố tình gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Cùng với đó, người tiêu dùng cũng cần trang bị cho mình những kinh nghiệm, kiến thức để nhận diện hàng giả, mua được hàng thật, hàng chất lượng, hàng đúng giá...

 

Để hạ tầng chính sách được hiệu quả đồng bộ, Quốc hội, Chính phủ hiện đang xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản nhằm thống nhất hệ thống pháp luật cho TMĐT. Bộ Công Thương đang được giao chủ trì xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2023, trong đó quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 

Bộ Công Thương cũng sẽ sửa đổi Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó bổ sung chế tài đối với các sàn giao dịch TMĐT không thực hiện trách nhiệm với người tiêu dùng khi có tranh chấp xảy ra giữa người tiêu dùng và người bán nước ngoài.

 

 

Minh Vũ

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang