Chủ Nhật, 05/05/2024 10:02:06 GMT+7

Tin đăng lúc 11-02-2018

Lượt xem: 4356

Tản văn: Những ngày giáp tết

Xuân về nhẹ nhàng phả hơi thở của mình ngự trị trong vạn vật Cơn gió lạnh, chút nắng xuân len dần khắp mọi nơi, từ góc phố đến những con đường qua từng hẻm nhỏ. Thấm thoát 365 ngày sắp trôi qua, trút lại gánh nặng cho những ngày cuối năm vừa âu lo, vừa vui mừng nôn nao chuẩn bị đón chào một năm mới.
Tản văn: Những ngày giáp tết
Ảnh minh họa

 

Cả năm trông chờ vào dịp tết, ai cũng mong ngóng được để về quê đón têt cùng cha mẹ và gia đình. Những ngày này, khi nghe tiếng hỏi dồn dập: “Về ăn Tết rồi à? - Năm nay nghỉ được nhiều không?...”. Rồi tiếng dạ râm ran lẫn trong nụ cười của những người con xa quê là biết tết đã về đến đầu ngõ rồi. Có lẽ vậy mỗi dịp tết đến, xuân về, nhà nào con cái đoàn tụ đầy đủ là nhà ấy ăn tết to nhất.

  

Những ngày giáp tết nhiều nhà vẫn phải phơi mình ngoài đồng, tất tả nhổ mạ cho kịp ruộng lúa vào vụ mùa mới. Có khi 29 tết nhiều đứa con mới về quê cũng được huy động cấy xong mấy sào ruộng. Biết rằng tết là dịp nghỉ ngơi, tổng kết một năm, nhưng hạt thóc gieo đúng mùa cũng rất trọng, nên đối với người nhà quê, tết chỉ thật sự bắt đầu khi mọi công việc đồng áng đã hoàn tất.

 

Những ngày giáp tết, dù bận rộn các bà mẹ cũng phải nấu được nồi rượu nếp để tết đến mời khách, rồi tranh thủ đi mua củ hành, củ kiệu về ngâm. Tết quê nghèo nhưng khách đến nhà phải có chén rượu, có đĩa củ hành kiệu trong món ăn. Có lẽ vậy khi thấy mẹ gọt vỏ, mùi hành xông lên thì hương vị tết cũng dậy đến tận  mũi  rồi. 

 

Những ngày giáp tết, mấy đứa con gái cẩn thận giúp mẹ rửa lá dong cho sạch để cha gói bánh. Trong số công việc phải làm chuẩn bị đón tết, thì nồi bánh chưng luôn được xem quan trọng. Có lẽ thế nên đến nay, dù nhiều tập tục không còn nhưng tục gói bánh chưng ở quê vẫn còn giữ. Dù nhiều hay ít mỗi nhà cũng phải có một nồi bánh đỏ lửa đêm 30 bởi thúng nếp, vài ký đậu, vài cân thịt lợn để gói bánh chưng, chẳng hề là mối bận tâm. Nhà nào không có sẵn gạo nếp thì sang hàng xóm vay tạm, đến mùa thu hoạch năm sau trả lại. Không biết gói thì lại mượn nhờ nhau, tình người chốn quê gắn bó, thiết thân vậy đó!

 

Những ngày giáp tết, mẹ lại tính toán đi mua sắm những đồ vật mới, mấy chiếc bát đĩa cũ bị sứt nay phải sắm lại, chiếc khăn trải bàn cũng mua thêm để trang trí trong nhà. Anh trai dậy sớm hơn mọi ngày cầm cuốc xẻng ra làm sạch sân vườn, nhổ cỏ. Con gái lau chùi nhà cửa để đón Tết. Tết, mọi thứ đều phải tinh tươm chu đáo từ ngoài vào trong.

 

Những ngày giáp tết, cha đi qua đi lại mấy chậu quất đào dưới phố; ngã giá, đắn đo rồi lại thôi. Ừ! Con út bảo ra năm xin tiền lên thành phố học nữa. Cha quyết định, chạy xe lên tận xóm trên mua một nhánh đào nhà vừa rẻ mà lại có không khí tết. Bà nội cẩn thận chuẩn bị mâm ngủ quả; những quả ổi, quả bưởi, nải chuối… bà chăm bẵm từ mấy tháng trước nay được nâng niu hái vào. Người nhà quê hay lắm, không đòi hỏi mâm ngũ quả phải quả cao sang. Chỉ cần ở tấm lòng thì hoa trái trong vườn cũng đầy đủ rồi.

 

  Tết quê chỉ chóng vánh, ngắn ngủi vì mồng 3 nhiều người đã trở lại với công việc đồng áng hằng ngày. Dù vậy với người dân, tết vẫn phải chuẩn bị chu đáo để khởi đầu cho một năm mới, với nhiều ước vọng. Có lẽ thế nên những ngày giáp tết cũng 24 giờ thôi mà mang gánh nặng đặc biệt hơn những ngày bình thường. Giữ lại trong lòng người con nét trong sáng, dung dị của Tết cổ truyền Việt Nam.

Hoàng Nhung

 

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang