Thứ Bẩy, 27/04/2024 00:23:45 GMT+7

Tin đăng lúc 09-08-2021

Lượt xem: 1269

Quảng Ninh: Khơi thông điểm “nghẽn” để doanh nghiệp phát triển

Quảng Ninh đang nỗ lực khơi thông các điểm nghẽn trong phát triển công nghiệp, xây dựng nhằm tạo bứt phá, bù đắp thiếu hụt cho các ngành khác và góp phần đưa kinh tế địa phương vượt “bão” COVID-19.
Quảng Ninh: Khơi thông điểm “nghẽn” để doanh nghiệp phát triển
Công nhân làm việc tại KCN Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh

Dịch COVID-19 bùng phát đã tác động không nhỏ tới nền kinh tế của Quảng Ninh. Cùng với việc vực dậy đà tăng trưởng của các ngành bị ảnh hưởng nặng nề như du lịch - dịch vụ, Quảng Ninh vẫn tiếp tục xác định lĩnh vực công nghiệp, xây dựng là động lực để tạo nên những bứt phá trong thời COVID-19.

 

Dù được xem là điểm sáng của kinh tế song hai ngành này cũng gặp không ít khó khăn. Như trong nhóm ngành công nghiệp, do gặp nhiều vướng mắc trong việc đầu tư công nghệ, xây dựng hạ tầng cơ sở... nên một số KCN, CCN trên địa bàn vẫn chưa thực sự phát triển bền vững.

 

Đơn cử như tại TP Hạ Long, địa phương có KCN Cái Lân, KCN được hình thành sớm nhất trong các KCN của tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, đến nay hạ tầng kỹ thuật trong KCN vẫn chưa được đầu tư đồng bộ, thậm chí còn bị xuống cấp nghiêm trọng. Do đó, một số doanh nghiệp đã không chịu đầu tư hay cải tiến dây chuyền sản xuất. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp sử dụng quá đông lao động song không tạo ra giá trị gia tăng cao do sử dụng công nghệ lạc hậu…

 

Hay tại TP Cẩm Phả, thời gian qua, sự phát triển của ngành công nghiệp được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của địa phương. Theo điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển CCN tỉnh Quảng Ninh, TP Cẩm Phả được quy hoạch 2 CCN gồm: CCN Cẩm Thịnh và CCN Dương Huy. Tuy nhiên, đến nay mới có CCN Cẩm Thịnh được đưa vào hoạt động. Hiện trên địa bàn còn các cơ sở sản xuất kinh doanh của các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX nằm xen kẽ trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường. Việc di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh vào CCN Cẩm Thịnh cũng gặp không ít khó khăn. Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại TP Cẩm Phả đa phần đều có quy mô nhỏ, chưa đủ khả năng đầu tư đổi mới công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Do vậy, các doanh nghiệp này chưa phát triển được công nghệ cao, sản xuất thông minh, cũng như chưa có sự liên kết vùng để phát triển bền vững.

 

Còn trong lĩnh vực xây dựng, việc giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án, công trình còn khá chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các công trình. Điều này cũng vô hình làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, tính đến thời điểm hiện tại, tổng kế hoạch nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh mới đạt trên 18.700 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công này mới đạt hơn 38% kế hoạch. Cụ thể, tại thị xã Quảng Yên, năm 2021 có 40 dự án mới được khởi công, nhưng đến hết tháng 6/2021, địa phương mới có 22 dự án được triển khai thi công. Tại TP Hạ Long, trong số 46 dự án khởi công mới, đến nay có 17 dự án đang thi công. Tại TP Móng Cái có 10 dự án đang thi công trong tổng số 23 dự án khởi công mới vào năm 2021. Còn tại huyện Vân Đồn, trong số 12 dự án khởi công mới trong năm 2021, đến nay chưa có dự án nào được triển khai thi công…

 

Nguyên nhân dẫn đến việc chậm giải ngân này được các địa phương lý giải là do vướng mắc trong công tác GPMB đã khiến cho tiến độ thi công bị chậm, không có khối lượng thanh quyết toán theo quy định. Ngoài ra, còn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, có thời điểm một số địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, người lao động từ các địa phương có dịch gặp khó trong việc di chuyển, nên nhiều đơn vị thi công rơi vào cảnh thiếu nhân công lao động.

 

Trước những khó khăn, vướng mắc mà nhóm ngành công nghiệp, xây dựng đang gặp phải, tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm khơi thông điểm "nghẽn", phát triển kinh tế. 

 

Theo ông Nguyễn Tường Văn - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, dù được xem là điểm sáng của kinh tế, nhưng ngành công nghiệp và xây dựng cũng chịu tác động lớn của đại dịch. Do vậy, các ban, ngành, địa phương cần chủ động trong việc tìm giải pháp khơi thông điểm nghẽn, đảm bảo cho các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp, xây dựng ổn định sản xuất, kinh doanh.

 

Theo ông Văn, để có thể hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì hoạt động trong thời điểm dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp thì nhiệm vụ tiên quyết được tỉnh Quảng Ninh đặt ra chính là tiếp tục cải cách hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để tăng tối đa sản lượng đối với các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo; đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư mới. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản, đưa hàng loạt dự án chế biến chế tạo đi vào hoạt động.

 

Còn theo ông Bùi Văn Khắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, địa phương đang tích cực hỗ trợ, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư các KCN. Đồng thời, đôn đốc, giám sát quá trình huy động vốn, thi công các dự án, đảm bảo các dự án đi vào hoạt động đúng thời gian, tiến độ đã được cam kết với tỉnh.

 

Theo đại diện UBND TP Cẩm Phả, thời gian tới, TP Cẩm Phả sẽ tiếp tục duy trì mô hình hoạt động của CCN Cẩm Thịnh. Bên cạnh đó, để ngành công nghiệp phát triển bền vững. Địa phương cũng sẽ thực hiện các chính sách, cơ chế thu hút đầu tư vào KCN Mông Dương và CCN xã Dương Huy theo quy hoạch đã đề ra. Đồng thời, tập trung phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp.

 

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, đối với lĩnh vực xây dựng, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung thúc đẩy tăng trưởng đối với lĩnh vực đầu tư công, đầu tư tư, hợp tác công - tư (PPP) mà còn dư địa lớn để phát triển; tiếp tục phấn đấu khởi công các dự án nhà ở đã đấu thầu, có chủ đầu tư; hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà đầu tư đối với những dự án nhà ở đã có chủ trương đầu tư; tập trung đầu tư hơn 140 dự án chuyển tiếp…

 

Đặc biệt, mới đây, tỉnh Quảng Ninh đã quyết định phân bổ, điều chỉnh lại nguồn vốn đầu tư công ngân sách tỉnh năm 2021. Trong đó, 19 dự án, công trình sẽ phải giảm nguồn vốn đầu tư với tổng số tiền trên 684 tỷ đồng để đảm bảo hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.

 

Theo dại diện công ty Jinko Solar Hong Kong (nhà đầu tư dự án công nghệ tế bào quang điện JinkoSolar PV Việt Nam), phía công ty đánh giá rất cao hiệu suất làm việc của tỉnh Quảng Ninh. Công ty sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các quy định và luật pháp của Việt Nam trong quá trình triển khai dự án. Phía công ty cũng khẳng định, dự án khi đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Đồng thời, cải thiện đời sống của người dân địa phương.

 

Năm 2021, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu sản xuất trong khu vực công nghiệp - xây dựng tăng khoảng 10,3%. Trong đó, công nghiệp khai khoáng ước tăng 3,4% so với năm 2020; công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 21,6%. Còn đối với ngành xây dựng, tỉnh đặt mục tiêu ước tăng 21,1%. Hy vọng, với những giải pháp mà tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện, địa phương sẽ sớm hoàn thành kế hoạch đã đề ra.

 

Theo Diendandoanhnghiep.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang