Thứ Ba, 30/04/2024 15:59:58 GMT+7

Tin đăng lúc 28-07-2023

Lượt xem: 603

Ninh Thuận: Hoạt động khuyến công thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn

Nhằm phát huy thế mạnh và thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT) của địa phương, tỉnh Ninh Thuận đã và đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ cho các cơ sở CNNT nâng cao năng lực sản xuất, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và liên kết tiêu thụ sản phẩm thông qua hoạt động khuyến công.
Ninh Thuận: Hoạt động khuyến công thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn
Hệ thống băng tải cấp liệu biến tần tự động tích hợp máy tách màu phân loại hạt điều của Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu Hưng Phát Ninh Thuận.

Thực hiện Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công giai đoạn 2012-2022, tỉnh Ninh Thuận đã huy động trên 50,3 tỷ đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương và vốn đối ứng của doanh nghiệp để triển khai thực hiện 114 đề án khuyến công với 119 đơn vị được thụ hưởng, bao gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh.

 

Là một trong những đơn vị được thu hưởng từ chương trình khuyến công quốc gia năm 2020-2021, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hưng Phát Ninh Thuận (Ninh Hải) được hỗ trợ nguồn vốn 500 triệu đồng, đơn vị đã đối ứng trên 550 triệu đồng đầu tư hệ thống máy rang hạt điều công nghiệp; máy tách màu, phân loại hạt điều và băng tải cấp liệu biến tần tự động tích hợp máy tách màu phân loại hạt điều để hiện đại hóa sản xuất.

 

Trước đây khi chưa được đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, công nhân chủ yếu làm việc thủ công như sử dụng lò củi để rang một mẻ 15 kg hạt điều trong vòng 23 phút. Khi sử dụng máy móc, một mẻ rang tăng lên 50 kg và chỉ mất 12 phút. Việc phân loại hạt điều bằng tay cần từ 20 - 30 công nhân nhưng cũng chỉ đạt 4 - 5 tấn/ngày, trong khi dùng máy đã tăng năng suất phân loại lên 10 tấn, giúp Công ty đảm bảo các đơn hàng xuất sang thị trường các nước như Trung Quốc, Mỹ, Liên minh Châu Âu, Nga, các nước Trung Đông. Ông Đổng Dương Khoảnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hưng Phát Ninh Thuận cho biết.

 

Trong năm 2023, Công ty tiếp tục nhận được hỗ trợ từ chương trình khuyến công và đầu tư thêm máy dò kim loại, máy hút chân không, băng tải cấp liệu cho máy hạt điều rang muối để hoàn thiện dây chuyền sản xuất, đóng gói sản phẩm tốt hơn với tổng kinh phí thực hiện 407 triệu đồng.

 

Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Cường A.I.C (TP. Phan Rang - Tháp Chàm) cũng là một trong những đơn vị được thụ hưởng từ chương trình khuyến công quốc gia hoạt động có hiệu quả. Những năm đầu mới đi vào sản xuất, với quy mô còn nhỏ lẻ, mỗi năm đơn vị sản xuất từ 5.000 - 7.000 sản phẩm inox nên sức cạnh tranh rất khó khăn. Từ năm 2017 - 2022 được tiếp cận và nhiều lần thụ hưởng chính sách khuyến công, công ty đã mạnh dạn đầu tư máy khắc cắt, máy cuốn ống kim loại, máy dập đột thủy lực, máy hàn laser sợi quang hiện đại để sản xuất, mở rộng được thị trường đến nhiều tỉnh, thành trong khu vực, sản phẩm làm ra tăng hơn 3 lần trước đây với trên 15.000 - 20.000 sản phẩm/năm. Đây là động lực lớn giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau đại dịch Covid-19, từng bước nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

 

Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận có gần 4.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT, trong đó, các cơ sở CNNT đa phần có điểm xuất phát thấp, quy mô nhỏ lẻ, hoạt động sản xuất chủ yếu dựa vào nội lực và kinh nghiệm, chưa có kế hoạch định hướng và phát triển lâu dài. Khả năng tiếp cận nguồn vốn, công nghệ mới cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế cần được hỗ trợ.

 

Vì thế, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh phát triển, năm 2023 tỉnh đã huy động trên 5,6 tỷ đồng (trong đó nguồn kinh phí khuyến công quốc gia 2 tỷ đồng) để triển khai các hoạt động khuyến công. Từ nguồn kinh phí này, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh triển khai 02 nhóm Đề án thuộc Chương trình khuyến công quốc gia, gồm: Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến nông sản và sản xuất sản phẩm phục vụ tiêu dùng tại 6 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn; đồng thời, triển khai 10 đề án khuyến công của địa phương.

 

Ông Phạm Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Ninh Thuận cho biết, các chương trình, đề án khuyến công của tỉnh sẽ tập trung vào các hoạt động hỗ trợ bao gồm: Hỗ trợ tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở, doanh nghiệp; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ thiết kế mẫu mã bao bì; tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu; hỗ trợ tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm CNNT.

 

Trong thời gian tới, để góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho người lao động khu vực nông thôn, các chương trình khuyến công của tỉnh sẽ tiếp tục được đổi mới để nâng cao hơn nữa chất lượng của các đề án khuyến công. Việc hỗ trợ theo hướng lựa chọn các đề án có tính trọng tâm, trọng điểm vào các lĩnh vực, sản phẩm chủ lực, có tiềm năng và có lợi thế cạnh tranh của địa phương; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm CNNT tiêu biểu.

 

Như Trang

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang