Thứ Sáu, 03/05/2024 05:56:08 GMT+7

Tin đăng lúc 21-07-2023

Lượt xem: 2049

Những bài toán khó trong phát triển ngành Cơ khí chế tạo khuôn mẫu

Kỹ thuật khuôn mẫu được coi là một ngành kỹ thuật nòng cốt, là nền tảng của ngành công nghiệp sản xuất. Để các doanh nghiệp (DN) có thể tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, việc nâng cao năng lực về kỹ thuật khuôn mẫu sẽ giúp tối ưu hóa chất lượng gia công sản phẩm và gia công chính xác.
Những bài toán khó trong phát triển ngành Cơ khí chế tạo khuôn mẫu
Kỹ thuật khuôn mẫu là nền tảng của công nghiệp sản xuất

Phải thừa nhận rằng, nhu cầu về khuôn mẫu cho sản xuất nhựa, cơ khí, chi tiết máy, linh kiện… để nâng cao chất lượng sản phẩm là rất lớn. Tuy nhiên, do năng lực sản xuất hạn chế nên các DN đang rất cần sự hỗ trợ để có thêm động lực phát triển. Hiện nay, trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, sản xuất khuôn mẫu là một trong các ngành đặc biệt quan trọng, đang phát triển theo hướng tập trung đầu tư và phát triển công nghệ. Khả năng tạo ra sản phẩm với số lượng lớn, thời gian sản xuất ngắn và mức độ ổn định cao, các sản phẩm khuôn mẫu là công cụ không thể thiếu trong rất nhiều ngành sản xuất công nghiệp, từ các sản phẩm đồ gia dụng đến các sản phẩm hàng không và điện tử hiện đại.

 

Với những tiềm năng đó, ngành này được Nhà nước quan tâm và nhiều DN đã đầu tư phát triển. Theo đánh giá của các chuyên gia, DN sản xuất linh kiện ngành cơ khí trong nước có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như: Khuôn mẫu các loại, linh kiện cơ khí, dây cáp điện, linh kiện nhựa, cao su kỹ thuật... Trước nhu cầu của thị trường công nghiệp hỗ trợ (CNHT) rất lớn nên các DN đã mạnh dạn đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất, tìm cách kết nối bán hàng cho khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và hướng vào xuất khẩu sản phẩm cơ khí.

 

Tại Đồng Nai, một số DN đã có những thành công đáng kể, đơn cử như Công ty TNHH Tương Lai (Huyện Long Thành) đã từng bước chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Trương Quốc Cường, Giám đốc Công ty TNHH Tương Lai chia sẻ: “Chúng tôi chuyên cung ứng các sản phẩm nhựa cao su kỹ thuật trong sản xuất ô tô, xe máy. Tuy là DN Việt, quy mô vừa, nhưng lợi thế của Công ty là chủ động chế tạo được khuôn mẫu. Thay vì phải thuê gia công thì việc tự chủ công nghệ giúp DN giảm giá thành và nâng cao chất lượng”.

 

Tương tự, thông qua sự kết nối của Tổ Điều phối viên CNHT Đồng Nai, Công ty TNHH Đại Á Thành (TP. Biên Hòa) đã kết nối được với một số DN có vốn đầu tư Nhật Bản ở trong và ngoài tỉnh. Nhờ có được các đối tác với đòi hỏi khắt khe, sản phẩm của Công ty ngày càng được cải tiến. Theo chủ DN này, kinh nghiệm rút ra là bên cạnh việc cải tiến liên tục thì phải luôn cầu thị, làm đúng giao hẹn với khách hàng và tương tác, phản hồi nhanh chóng để khắc phục các hạn chế.

 

Công nghiệp cơ khí, chế tạo có tiềm năng lớn để phát triển, nhưng hầu hết các DN ở Đồng Nai có quy mô, nguồn lực còn hạn chế, chịu sự cạnh tranh gay gắt với các DN nước ngoài nên chưa phát huy được hết tiềm năng. Đa số các DN cơ khí chế tạo tại Đồng Nai đang gặp vướng mắc lớn về tài chính để đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại cho sản xuất CNHT công nghệ cao. Bên cạnh những hạn chế về năng lực công nghệ, các DN kỹ thuật cơ khí nội địa còn đang lo lắng về tình trạng người lao động đã qua đào tạo bị các DN có vốn ngoại “săn đón”, hoặc rời bỏ để tham gia các chương trình hợp tác lao động làm việc tại nước ngoài.

 

 

Tình trạng “chảy máu chất xám” vẫn là nỗi lo lớn của nhiều DN cơ khí

 

Công ty TNHH Lập Phúc (TP.HCM) là DN chuyên chế tạo khuôn mẫu. Bên cạnh duy trì xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Pháp, Đức, Ý, gần đây Công ty cũng đã xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề lo ngại lớn của lãnh đạo DN này là người lao động đã được đào tạo, hoặc quen việc tại DN nội địa được các công ty có vốn ngoại săn đón.

 

Ông Nguyễn Văn Trí, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc, cho rằng các DN CNHT quy mô nhỏ và vừa trong nước hiện nay rất thiệt thòi. Vấn đề lớn nhất là “chảy máu” lao động. Theo chia sẻ ông Trí, những kỹ thuật viên, hoặc kỹ sư vừa ra trường được những DN nhỏ nội địa như công ty ông nhận vào làm việc. “Khi mới đến, họ chưa có kinh nghiệm, làm hư nhiều sản phẩm, thậm chí là hư cả thiết bị máy móc, tốn rất nhiều chi phí của DN”, ông Trí chia sẻ. Tuy nhiên, khi “cứng tay cứng chân” thì họ nhảy việc vào những DN lớn hơn, nhất là các DN FDI.

 

Với sự phát triển nhanh của DN nội địa và các nhà đầu tư nước ngoài như hiện nay, ngành Cơ khí đang cần lượng lớn lao động chất lượng cao. Tuy vậy, để thu hút lao động trình độ cao vẫn là bài toán nan giải của toàn ngành. Hạn chế về năng lực công nghệ, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những khó khăn mà các DN ngành Cơ khí khuôn mẫu đang phải đối mặt. Cùng với đó, chất lượng nhân công có trình độ, kỹ thuật cao còn ít, DN phải bỏ công ra đào tạo nhiều mới trở thành thợ lành nghề được.

 

Theo ông Mai Thành Long, Giám đốc Công ty TNHH Môi trường Chín Chín (TP. Biên Hòa), chuyên sản xuất máy móc trong lĩnh vực xử lý môi trường thì vấn đề có thể thấy ngay là đầu tư vào lĩnh vực cơ khí, chế tạo đòi hỏi rất nhiều vốn. Máy móc, nguyên phụ liệu, các thiết bị đầu vào đắt đỏ. Muốn sản phẩm chất lượng, cạnh tranh, DN phải có được cơ sở vật chất, máy móc hiện đại nhất. Điều này không phải DN nào cũng đáp ứng được.

 

Bởi thế, các DN mong muốn có chính sách trợ giúp thuận lợi hơn cho ngành, nhất là trong việc vay vốn ưu đãi. Thực tế hiện nay, để đầu tư phát triển, DN rất khó vay được vốn ngân hàng do nhu cầu lớn, nhưng số tiền vay được không đủ, nhiều người phải tính đến phương án vay ngoài. Việc phải trả lãi suất cao cũng “bào mòn” sức khỏe DN, nhất là trong giai đoạn hiện nay, do vậy rất khó để huy động tiềm lực tái đầu tư.

 

Nhuận Chí


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang