Thứ Sáu, 26/04/2024 07:31:12 GMT+7

Tin đăng lúc 25-07-2020

Lượt xem: 1668

Nhiều giải pháp phát triển cụm công nghiệp tại huyện Phù Ninh (Phú Thọ)

Là huyện có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, những năm qua, Phù Ninh đã chủ động quy hoạch, xây dựng các khu, cụm công nghiệp, tạo quỹ đất để đẩy mạnh thu hút đầu tư, ưu tiên phát triển các ngành hàng có lợi thế, có khả năng cạnh tranh nhằm tạo tiền đề để công nghiệp phát triển bền vững, góp phần tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển.
Nhiều giải pháp phát triển cụm công nghiệp tại huyện Phù Ninh (Phú Thọ)
Hoạt động sản xuất tại các CCN của huyện Phù Ninh đã góp phần nâng giá trị sản xuất CN- TTCN

Toàn huyện hiện có hơn 323 doanh nghiệp ngoài quốc danh; 03 cụm công nghiệp (CCN) gồm: Tử Đà- An Đạo (63ha),  Đồng Lạng (41,7ha), Phú Gia (40ha) với 31 doanh nghiệp sản xuất đang hoạt động. Trong đó, CCN Phú Gia đã thu hút 2 dự án đăng ký vào cụm với tổng mức đầu tư lên đến 101 tỷ đồng.

 

Nhờ sự cởi mở, thông thoáng trong thu hút đầu tư nên các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Phù Ninh đều yên tâm phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư nâng cấp dây chuyền, máy móc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sáu tháng đầu năm 2020, huyện đã thu hút thêm 5 dự án gồm: Điều chỉnh Nhà máy sản xuất vải bạt PP, PE tại CCN Tử Đà – An Đạo của Công ty K-Tarp Vina, công suất 16.800 sấn sản phẩm/năm với tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất và kinh doanh bao bì hạt nhựa tại CCN Phú Gia với tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng; Nhà máy gạch không nung tại khu 1, xã Hạ Giáp, công xuất 30 triệu viên/năm của Công ty TNHH Thanh Lâm với tổng mức đầu tư 13,5 tỷ đồng; Trạm trộn bê tông thương phẩm Hùng An tại xã Phú Nham của Công ty TNHH Hùng An, công xuất 800 tấn/ngày với tổng mức đầu tư đạt 15 tỷ đồng…  dự kiến khi hoàn thành, đi vào sản xuất sẽ tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động với mức thu nhập ổn định.

 

Thời gian qua, để thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn, Huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp như: Chỉ đạo tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển của Trung ương, tỉnh đến các cấp, các ngành; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng thuê đất, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, vận dụng các chính sách hỗ trợ của tỉnh để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp. Trong đó, thực hiện tốt Nghị quyết của Đảng bộ huyện về đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật để thu hút đầu tư triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) giai đoạn 2016-2020, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông… tạo tiền đề để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa phương.

 

Theo ông Nguyễn Quang Thanh – Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện: “Với vai trò, trách nhiệm là cơ quan tham mưu cho UBND huyện trong việc thu hút, kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp vào các Cụm công nghiệp, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho huyện tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đầu tư; đồng thời ưu tiên, bố trí mặt bằng phù hợp để các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, đặc biệt là các nhà đầu tư có chiến lược lâu dài về các lĩnh vực cơ khí, điện tử, dệt may, vật liệu xây dựng chất lượng cao, gỗ gia dụng…”

 

Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ chú trọng thu hút các dự án có quy mô lớn công nghệ cao, đưa các dự án sử dụng nhiều lao động về nông thôn. Đồng thời, tiếp tục cải cách hành chính, rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc để đề xuất, kiến nghị tỉnh và Trung ương hỗ trợ, giải quyết, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư hạ tầng tại các CCN.

 

Bảo Kiên


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang