Chủ Nhật, 28/04/2024 08:44:31 GMT+7

Tin đăng lúc 30-06-2021

Lượt xem: 1038

Người dùng cẩn thận với các chiêu thức lừa đảo tinh vi

Mạo danh ngành Điện để lừa đảo; mời chào lừa đảo tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19; chiêu trò gắn “tag” bài viết để lấy cắp tài khoản facebook hay giả danh ngân hàng lớn lừa đảo qua tin nhắn… đó là các hình thức lừa đảo mới với thủ đoạn ngày càng tinh vi mà nếu không cẩn thận người dùng rất dễ bị sập bẫy.
Người dùng cẩn thận với các chiêu thức lừa đảo tinh vi
Ảnh minh họa

Mạo danh ngành Điện để lừa đảo

 

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây đã có thông báo khuyến cáo tới khách hàng về tình trạng gia tăng cuộc gọi giả mạo nhân viên ngành điện để lừa đảo.

 

Theo thống kê của các đơn vị Điện lực, chỉ riêng từ đầu tháng 5 đến nay, đã có hàng trăm trường hợp khách hàng phản ánh thông qua các kênh Chăm sóc khách hàng (CSKH) về việc có nhiều số điện thoại lạ tự xưng là "nhân viên Điện lực", "Tổng đài ngành Điện", “Điện lực Việt Nam” để yêu cầu khách hàng nộp tiền điện, thậm chí doạ cắt điện nếu không nộp. Khi biết được thông tin khách hàng đã thanh toán tiền điện, thì các đối tượng lập tức ngắt máy.

 

Tại TP. Hà Nội, cũng có nhiều trường hợp tương tự được phản ánh tới Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI). Cụ thể, khách hàng nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ, thậm chí có đầu số không phải ở Việt Nam, gọi đến với nội dung: “Bạn đang sử dụng điện cao bất thường, chúng tôi sẽ cắt điện trong thời gian tới, vui lòng bấm số 9 để được gặp nhân viên điện lực tư vấn”. Sau khi bấm số 9 thì nghe giọng nói như một nhân viên tổng đài đề nghị cung cấp tên và địa chỉ để kiểm tra. Sau đó, người này tiếp tục thông tin khách hàng đang nợ tiền điện và dọa nạt sẽ gửi hồ sơ sang Công an, sau đó yêu cầu chuyển tiền gấp tới số tài khoản lạ.

 

Trước tình trạng các cuộc gọi giả mạo ngành Điện xuất hiện trên cả nước, Tập đoàn EVN và các Tổng công ty Điện lực tiếp tục cảnh báo đến khách hàng sử dụng điện cần nêu cao tinh thần cảnh giác. Nếu nhận được cuộc gọi mạo danh “điện lực" hoặc xưng danh là “công ty điện lực” nhưng không nói rõ tên, địa bàn quản lý của công ty điện lực, hoặc thông tin không rõ ràng, minh bạch thì khách hàng không nên cung cấp thông tin cá nhân của mình. Đồng thời, khách hàng cần thông báo ngay cho ngành Điện qua các kênh CSKH để có biện pháp xử lý kịp thời. Đặc biệt, trong mọi trường hợp, ngành Điện khuyến cáo khách hàng không cung cấp thông tin số tài khoản, mật khẩu của mình; tuyệt đối không thanh toán tiền điện cho người lạ hoặc yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

 

Hiện, mỗi Tổng công ty điện lực chỉ có 1 số tổng đài chăm sóc khách hàng gồm: Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC): 1900 6769; Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC): 1900 1909; Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC): 1900 1006; Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI): 1900 1288; Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC): 1900 545454

 

Tỉnh táo trước lời mời chào lừa đảo tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19

 

Mới đây, Bộ Y tế đã phát đi cảnh báo, người dân cần cảnh giác trước những lời mời đăng ký tiêm vắc xin phòng Covid-19 lan truyền trên mạng xã hội, tin nhắn, tờ rơi và các hình thức quảng cáo khác. Khuyến cáo người dân chỉ đi tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại các cơ sở y tế, cơ sở đào tạo y, dược và các cơ sở, điểm tiêm chủng được Bộ Y tế cấp phép.

 

Cụ thể, thời gian qua đã xuất hiện nhiều lời mời các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mua/nhập khẩu vắc xin phòng Covid-19, hoặc tiêm chủng cho người lao động, đối tác, khách hàng… Một số tổ chức, cá nhân tự nhận tiếp cận được nguồn vắc xin của các hãng sản xuất, hoặc mua lại của một số nơi dư thừa. Người dân cũng nhận được lời mời đăng ký tiêm vắc xin phòng Covid-19 thông qua những hình thức quảng bá khác nhau.

 

Vắc xin được tiêm chủng miễn phí cho người dân. Do vậy, mọi người dân cần bình tĩnh, chờ đợi đến lượt mình được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 khi cơ quan y tế thông báo. Người dân cần cảnh giác trước những lời mời đăng ký tiêm vắc xin phòng Covid-19 lan truyền trên mạng xã hội, tin nhắn, tờ rơi và các hình thức quảng cáo khác. Chỉ đi tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại các cơ sở y tế, cơ sở đào tạo y, dược và các cơ sở, điểm tiêm chủng được Bộ Y tế cấp phép. Tuyệt đối không tiêm chủng những loại vắc xin phòng Covid-19 trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được Bộ Y tế kiểm định, cấp phép. Khi phát hiện các thông tin liên quan đến tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 không rõ ràng hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, hãy báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan y tế địa phương.

 

Cảnh báo mất mật khẩu Faceboob từ chiêu trò gắn “tag” bài viết

 

Mới đây, mạng xã hội Facebook lại rộ lên chiêu trò lừa đảo đánh cắp tài khoản theo cách vô cùng tinh vi. Theo đó, những kẻ lừa đảo sẽ tag (gắn thẻ) tên hàng loạt người dùng Facebook, thậm chí kể cả khi cả 2 không hề có mối quan hệ bạn bè và chưa kết bạn qua Facebook vào các bài viết có nội dung đau buồn từ các trang tin, báo điện tử. Nếu không may click vào, người dùng có thể mất tài khoản Facebook chỉ sau vài thao tác.

 

Những kẻ lừa đảo sẽ tag (gắn thẻ) tên hàng loạt người dùng Facebook vào các bài viết có nội dung liên quan đến xổ số kiến thiết, web sex…

 

Tài khoản Facebook bị đánh cắp sau đó có thể được sử dụng để chat với bạn bè của nạn nhân, lừa đảo tiền bạc hoặc sử dụng để thực hiện các hành vi phi pháp khác. 

 

Để tránh bị đánh cắp tài khoản, người dùng Facebook phải tự nâng cao cảnh giác, trước khi cung cấp thông tin quan trọng như mật khẩu, phải xác định mình khai thông tin cho ai. Ngoài ra, người dùng cần tuyệt đối không truy cập các trang tin không chính thống; không cài đặt các phần mềm, ứng dụng từ các nguồn không chính thống.

 

Giả danh ngân hàng lớn lừa đảo qua tin nhắn

 

Ðây là dạng lừa đảo được các tin tặc thực hiện qua tin nhắn SMS. Các tin tặc sẽ cố gắng dụ người dùng nhấn vào một liên kết được gởi trong tin nhắn SMS để chuyển đến một trang web giả. Tại đây, người dùng bị yêu cầu nhập vào các thông tin quan trọng như thẻ tín dụng. Từ đó, các tin tặc sẽ thu thập thông tin từ trang web.

 

Mới đây, hàng loạt các ngân hàng lớn như Agribank, Vietcombank liên tục đưa ra cảnh báo hình thức lừa đảo mạo danh tin nhắn ngân hàng và lừa khách hàng bấm vào đường link giả mạo để đánh cắp thông tin dịch vụ ngân hàng của khách hàng, nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

 

Website giả mạo có tên, logo, giao diện giống với giao diện website, ứng dụng thanh toán chính thức của các ngân hàng.

 

Khi vào các website, ứng dụng giả mạo khách hàng bị yêu cầu truy cập, đăng nhập và xác nhận các thông tin như: user hoặc mật khẩu đăng nhập ứng dụng E-Mobile Banking, Internet Banking; mã OTP... Từ đó, đối tượng lừa đảo sẽ chiếm đoạt tài sản trong tài khoản của khách hàng...

 

Để phòng tránh các hình thức lừa đảo và đảm bảo an toàn khi giao dịch, các ngân hàng cảnh báo khách hàng tuyệt đối không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn hoặc email lạ hoặc không rõ nguồn gốc.

 

Khách hàng chỉ đăng nhập vào dịch vụ ngân hàng điện tử thông qua website chính thức của các ngân hàng;  hạn chế dùng máy tính công cộng, mạng không dây công cộng khi truy cập vào hệ thống ngân hàng điện tử.

 

Ngoài ra, khách hàng không cung cấp tên, mật khẩu đăng nhập ngân hàng trực tuyến, mã xác thực OTP, số thẻ ngân hàng qua điện thoại, email, mạng xã hội và website. Đặt mật khẩu khó đoán, thực hiện thay đổi mật khẩu thường xuyên hoặc khi nghi ngờ bị lộ. Không sử dụng các tính năng lưu mật khẩu để đăng nhập tự động, không sử dụng chung một mật khẩu để đăng nhập ngân hàng trực tuyến và mật khẩu thư điện tử hoặc mật khẩu đăng nhập vào các mạng xã hội.

 

Hồng Trường

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang