Thứ Sáu, 10/05/2024 12:10:47 GMT+7

Tin đăng lúc 08-03-2017

Lượt xem: 3993

Ngành dệt may: Nhiều giải pháp chăm lo đời sống lao động nữ

Dệt may là ngành có tỷ lệ lao động nữ cao, chiếm tới 80% tổng số lao động, lực lượng này đang phát huy ưu điểm về tay nghề, tính kỷ luật và chịu khó… đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp (DN) cũng như của cả ngành.
Ngành dệt may: Nhiều giải pháp chăm lo đời sống lao động nữ
Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho lao động nữ ngành dệt may

Được ghi nhận là “Doanh nghiệp vì người lao động”, những năm qua, Tổng công ty May 10 – CTCP (May 10) đã không ngừng nỗ lực cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – “nữ tướng” của May 10 - chia sẻ: May 10 không chỉ mạnh tay đầu tư trang thiết bị, môi trường làm việc, mà còn xây dựng trường mầm non, trung tâm y tế. Điều này không chỉ tạo môi trường làm việc lành mạnh, chuyên nghiệp mà còn thể hiện sự quan tâm, gắn kết đối với người lao động, nhất là lao động nữ của công ty.

 

Tổng công ty CP Dệt may Hòa Thọ (May Hòa Thọ) cũng là một trong những DN “có tiếng” chăm lo cho người lao động. Công ty đã thực hiện hỗ trợ tiền thuê nhà trọ đối với công nhân ở xa, hỗ trợ tiền gửi trẻ, xây dựng trạm y tế với những trang thiết bị thiết yếu đảm bảo các yêu cầu về khám chữa bệnh tại chỗ. Đặc biệt, doanh nghiệp còn tổ chức khám bệnh định kỳ và tầm soát ung thư cho lao động nữ.

 

May 10 và May Hòa Thọ là hai trong số rất nhiều DN dệt may đang thưc hiện tốt trách nhiệm với người lao động. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiện nay nhiều chính sách, chế độ đối với lao động của ngành chưa đi vào cuộc sống. Cụ thể, quy định về đào tạo thêm nghề cho lao động nữ khó khả thi vì chế độ làm việc ca kíp, thêm giờ nên khó bố trí thời gian. Thêm vào đó, quy định về trách nhiệm của DN đối với lao động nữ trong việc tuyển dụng, tổ chức nhà trẻ, hỗ trợ kinh phí… chủ yếu là định tính và không có chế tài kèm theo, hoặc chế tài không đủ tính răn đe nên nhiều DN không thực hiện.

 

Dệt may là ngành có tỷ lệ biến động lao động rất lớn, tình trạng thiếu lao động vẫn diễn ra thường xuyên. Nguyên do, cường độ lao động, nhất là dịp cao điểm cao, trong khi lao động nữ hạn chế về sức khỏe, hầu hết chị em làm việc xa nhà trong khi chế độ nhà ở, nhà trẻ, trường học… vẫn chưa đáp ứng khiến nhiều lao động bỏ nghề.

 

Để khắc phục tình trạng trên, nhiều DN đã chọn việc cải thiện đời sống vật chất, gắn bó về tinh thần cho người lao động là giải pháp trọng tâm. May 10 là một điển hình, bên cạnh việc luôn đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập. Xác định người lao động là một trong những mục tiêu phát triển, DN thường xuyên tổ chức đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đào tạo văn hóa. Năm 2016, công ty đã tặng sách, đĩa và giảng dạy tiếng Anh miễn phí… với mong muốn người lao động có điều kiện tốt nhất để lao động, sáng tạo và phát triển. “Chúng tôi định hướng cho May 10 không chỉ là DN sản xuất hàng hóa mà còn sản xuất ra hạnh phúc” - bà Huyền tự hào nói.

 

Bằng cách chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, nhất là lao động nữ, các DN ngành dệt may đang từng bước tạo sự gắn kết giữa DN với người lao động, qua đó dần khắc phục tình trạng biến động lao động.

 

Nguồn Báo Công Thương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang