Chủ Nhật, 05/05/2024 16:05:30 GMT+7

Tin đăng lúc 13-07-2016

Lượt xem: 4014

Ngành Công Thương quyết tâm hoàn thành mục tiêu năm 2016

Chiều (12/7), tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và chỉ đạo hội nghị.
Ngành Công Thương quyết tâm hoàn thành mục tiêu năm 2016
Thủ tướng Chính phủ đến dự và chỉ đạo hội nghị

Vượt khó

 

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, 6 tháng đầu năm, mặc dù hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn nhưng dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, toàn ngành Công Thương đã vượt khó hoàn thành các chỉ tiêu và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong 6 tháng đầu năm 2016 đã tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2015. Mức tăng này cũng thấp hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ năm 2015 (6 tháng năm 2015 tăng 9,6%).

 

 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị

 

Xét về các nhóm ngành, ngành chế biến, chế tạo đã tăng 10,1%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 11,7%; ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 8,1%. Khai khoáng là nhóm ngành duy nhất suy giảm ở mức 2,2%.

 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phân tích, IIP 6 tháng đầu năm tăng thấp hơn so với mức tăng của cùng kỳ chủ yếu do tác động sản xuất của nhóm ngành khai khoáng giảm mà chủ yếu là khai thác dầu thô giảm 2,2% (cùng kỳ tăng 8,2%). Chỉ số tiêu thụ của toàn ngành tăng thấp hơn so với cùng kỳ, trong đó tiêu thụ của một số nhóm hàng như: ngành dệt, sản xuất da và các sản phẩm liên quan, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, ngành sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, ngành sản xuất xe có động cơ… đi xuống cũng khiến cho sản xuất suy giảm.

 

Mặc dù mức tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ nhưng đáng mừng, sản xuất công nghiệp vẫn có xu hướng tăng trưởng khi IPP quý II đã tăng cao hơn quý I (quý I tăng 6,3%; quý II tăng 7,5%).

 

Riêng với thị trường trong nước, 6 tháng đầu năm 2016, thị trường trong nước tiếp tục tăng trưởng, giá cả các mặt hàng có biến động do tác động của quy luật cung cầu và ảnh hưởng của giá nhập khẩu. Theo đó, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 6 tháng đầu năm 2016 ước đạt 1.724.034 tỷ đồng, tăng 9,46% so với cùng kỳ (năm 2015 tăng 9,8%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,6%; CPI cũng tăng 1,72%.

 

"Thị trường trong nước tuy mức tăng trưởng thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ nhưng đây là mức tăng trưởng khá, cung - cầu các hàng hoá thiết yếu tiếp tục được đảm bảo, nguồn cung hàng hoá dồi dào, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, thừa hàng như các năm trước, công tác bình ổn giá được thực hiện tốt... Đây là những điều kiện quan trọng góp phần tích cực cho phát triển sản xuất những tháng cuối năm" – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

 

 

 Toàn cảnh hội nghị

 

 

Với xuất nhập khẩu, kim ngạch XK 6 tháng đầu năm ước đạt 82,24 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2015. Kim ngạch NK 6 tháng đầu năm ước khoảng 80,71 tỷ USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, cả nước đã xuất siêu gần 1,54 tỷ USD, bằng 1,9% kim ngạch XK.

 

Như vậy, kim ngạch XK 6 tháng đầu năm 2016 đạt kết quả chưa cao như kỳ vọng, cũng chưa đạt được mục tiêu như Quốc hội giao (tăng trưởng 10%) do bị ảnh hưởng bởi cả 2 yếu tố về giá và lượng. Tuy nhiên cũng có những điểm tích cực như XK nhóm hàng nông sản, thủy sản tăng trưởng cao với mức tăng 6% (cùng kỳ năm ngoái giảm 8,9%) và XK của khu vực doanh nghiệp trong nước tăng trưởng dương, đạt mức tăng 3,3% (cùng kỳ năm ngoái giảm 2,7%). NK hàng hóa đảm bảo cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và sản xuất hàng XK.

 

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Những tháng đầu năm 2016, nước ta gặp vô vàn khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, điều kiện thời tiết không thuận lợi, thị trường thế giới tiếp tục suy giảm… Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, mức tăng trưởng ta đạt được là sự cố gắng, nỗ lực lớn của cả nước. Mức tăng trưởng đó có sự đóng góp trực tiếp, quan trọng của ngành Công Thương”.

 

Nhiều giải pháp hoàn thành mục tiêu

 

Song song với những thuận lợi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ những tồn tại của ngành như chỉ số sản xuất công nghiệp và XK chưa đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra; công tác tái cơ cấu ngành Công Thương còn chậm; thương mại biên giới còn nhiều khó khăn; nạn hàng nhái, hàng giả còn nhiều bất cập; chưa tổ chức tuyên truyền tốt cho doanh nghiệp (DN), người dân các cơ hội, khung khổ về hội nhập…

 

 

 

Đông đảo các đơn vị, Sở Công Thương các địa phương về dự hội nghị

 

 

Thủ tướng chỉ rõ, định hướng của Chính phủ trong những tháng cuối năm là không điều chỉnh mà phải nỗ lực hết sức để đạt được những mục tiêu tăng trưởng. Góp phần cho mục tiêu này, trong 6 tháng cuối năm 2016, Bộ Công Thương cần chú ý các nhóm giải pháp:

 

Thứ nhất, tiếp tục tập trung xây dựng, đề xuất các cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, tận dụng hiệu quả các cơ hội do hội nhập mang lại.

 

Thứ hai, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp – dịch vụ nhanh hơn, mạnh hơn, coi đó là điều kiện quan trọng nhất để tăng trưởng. Có phương án xử lý các dự án trì trệ, kéo dài. Phát triển các ngành năng lượng: dầu khí, than, điện lực. Suy nghĩ, tính toán kỹ để xây dựng Tổng sơ đồ điện VIII với cơ cấu, tỷ lệ hợp lý giữa các ngành, tránh chắp vá, chỉnh sửa nhiều lần như Tổng sơ đồ điện VII.

 

Thứ ba, thực hiện các giải pháp thúc đẩy XK, phấn đấu kim ngạch XK sẽ tăng trưởng 10% so với cùng kỳ. Đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; các giải pháp xúc tiến thương mại… để phát triển thị trường trong nước. Kiên quyết không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng mà phải quyết tâm đạt được các chỉ tiêu đã đề ra dù trong hoàn cảnh khó khăn.

 

Thứ tư, thực hiện mạnh các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

 

Thứ năm, tăng cường các giải pháp quản lý thị trường, đấu tranh chống hàng nhái hàng giả, xây dựng các biện pháp phòng vệ thương mại không trái với WTO và các khung khổ pháp lý quốc tế.

 

Thứ sáu, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của người dân và doanh nghiệp.

 

Thứ bảy, đẩy mạnh tái cơ cấu, đảm bảo không thất thoát vốn nhà nước; cổ phần hóa một cách công khai, minh bạch để thu lợi lớn nhất cho nhà nước.

 

Thứ tám, tập thể lãnh đạo Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty cần đúc kết kinh nghiệm, nâng cao trách nhiệm trong nhiệm kỳ.

 

Thứ chín, tập trung thục hiện tốt nghị quyết Trung ương 4 – khóa XI về phòng chống tham nhũng, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm. 

          

Tiếp thu những chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: 6 tháng cuối năm và thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ thẳng thắn nhìn lại những yếu kém, khai thác tốt những kết quả đã đạt được thời gian qua, nỗ lực phấn đấu bằng ý thức, trách nhiệm để thực hiện thắng lợi những mục tiêu tăng trưởng, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

 

Nguồn: Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang