Thứ Sáu, 26/04/2024 18:50:25 GMT+7

Tin đăng lúc 15-01-2022

Lượt xem: 993

Ngành chế biến gỗ Bình Định phát triển bền vững – xứng tầm là “thủ phủ gỗ” của cả nước

Ngày 14/1, tại thành phố biển Quy Nhơn, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 và tiến hành nghi thức giỗ Tổ nghề mộc thường niên. Tới dự có các ông: Hà Công Tuấn – nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT, Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam; Nguyễn Phi Long – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cùng lãnh đạo các Sở, Ban, ngành, Hiệp hội, DN liên quan.
Ngành chế biến gỗ Bình Định phát triển bền vững – xứng tầm là “thủ phủ gỗ” của cả nước
FPA Bình Định long trọng tổ chức lễ giỗ Tổ nghề mộc

Vượt thách thức đặc thù ngành gỗ, hoàn thành “nhiệm vụ kép”

 

Trong năm 2021, ngoài việc đối mặt nhiều khó khăn chung bởi đại dịch Covid-19, Cộng đồng các DN chế biến gỗ dưới sự chỉ đạo của Sở Công Thương và Hiệp hội Gỗ & Lâm sản Bình Định đã năng động tìm hiểu và mở rộng thị trường, bám chắc các Hiệp định quốc tế về xuất khẩu tại thị trường Châu Âu, Châu Mỹ… Từ đó, ngành Gỗ Bình Định tiếp tục có được những dự báo, định hướng và đề xuất nhiều giải pháp linh hoạt thích ứng với những quy luật quốc tế về sản xuất chế biến và xuất khẩu gỗ ngày càng nghiêm ngặt.

 

 Trong bối cảnh vừa cùng với các địa phương phòng chống dịch Covid-1, vừa phải tiến hành liên doanh trồng rừng mới, khai thác gỗ nội địa, nhập nguyên liệu gỗ hợp pháp của thế giới, liên kết với các DN chế biến gỗ trong nước… Ngành Gỗ Bình Định đã vượt khó một cách ngoạn mục, đưa sản xuất vào thế ổn định và nắm bắt nhiều cơ hội thị trường, phát triển thị trường mới, mặt hàng mới đa dạng và ngày càng đáp ứng thị hiếu sản phẩm gỗ nội thất, ngoại thất đa dạng người tiêu dùng trong, ngoài nước.

 

Tổng kết năm 2021, ngành Gỗ Bình Định có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua, xứng đáng với danh hiệu “thủ phủ của ngành chế biến gỗ” cả nước với những con số đầy triển vọng: Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 890 triệu USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm khoảng 68% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh. Ngành Gỗ và các ngành hỗ trợ đã giải quyết việc làm cho gần 30.000 lao động địa phương. Ngoài ra, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định còn vận động 3 đợt ủng hộ kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương với tổng số tiền 6,13 tỷ đồng.

 

 

Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch FPA Bình Định, báo cáo những thành tựu trong hoạt động của ngành gỗ trong năm 2021 

 

Triển vọng mới, tầm nhìn mới

 

 Năm 2022, ngành chế biến gỗ Bình Định  phối hợp Sở Công Thương tiếp tục thực hiện Đề án Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2035…  Nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục tập trung thực hiện các mục tiêu phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững thương hiệu “Đồ gỗ Bình Định”; phấn đấu đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 1 tỷ USD, với các giải pháp thiết thực, hoàn thành nhiệm vụ kép: Phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả trong DN để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh. Nghiên cứu phân tích đánh giá tình hình thị trường, nhằm chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. Mở rộng hoạt động triển khai chiến lược phát triển Bình Định trở thành một trong những trung tâm sản xuất các sản phẩm thị trường đang có nhu cầu lớn: Tủ bếp, tủ nhà tắm và ván trang trí…

 

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long đánh giá cao  nỗ lực vượt qua khó khăn của ngành Gỗ để đóng góp rất quan trọng vào phát triển KT-XH tỉnh; cam kết lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành tiếp tục đồng hành với ngành Gỗ tỉnh để giải quyết khó khăn vướng mắc; đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất kinh doanh..., đồng thời, đề nghị tiếp tục nỗ lực đạt hiệu quả các hoạt động, nâng cao thương hiệu “Đồ gỗ Bình Định”. Ngoài sản phẩm xuất khẩu cũng cần quan tâm hơn đến tiêu thụ ở thị trường nội địa... Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định và các DN cần phối hợp tốt với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Bộ NN&PTNT để tham mưu, thực hiện các giải pháp ngăn chặn đầu tư bất hợp pháp liên quan đến xuất xứ hàng hóa của ngành Gỗ tại Bình Định và các thị trường khác.

 

Những giải pháp nóng

 

Để tạo thế chủ động trước áp lực của quá trình hội nhập, ngành Gỗ của VN nói chung và Bình Định nói riêng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cho tầm nhìn mới.

 

Một là, cần tận dụng cơ hội từ ký kết và thực thi các FTAs. Theo đó, các DN phải đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu như yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ của gỗ và các sản phẩm gỗ, tìm hiểu kỹ các cam kết như thuế quan, biện pháp kỹ thuật và biện pháp phòng vệ để có chiến lược thâm nhập hiệu quả vào các thị trường đã tham gia FTAs.

 

Hai là, nhanh chóng điều chỉnh cơ cấu sản phẩm gỗ xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng giá trị sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu được trồng trong nước, phát triển hài hòa cả sản xuất đồ gỗ ngoại thất, nội thất, hạn chế tối đa xuất khẩu sản phẩm thô.

 

Ba là, phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu gỗ, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm gỗ xuất thông qua việc xây dựng các chương trình quảng bá về gỗ VN với vị thế là quốc gia cung cấp sản phẩm gỗ chất lượng cao, chế biến tinh xảo, tiện dụng và đặc biệt là sử dụng gỗ hợp pháp, bền vững ở các thị trường lớn.

                                                                              Văn Thuận

 

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang