Thứ Năm, 02/05/2024 04:51:50 GMT+7

Tin đăng lúc 25-02-2016

Lượt xem: 3771

Ngăn chặn tình trạng "chặt chém" tại các điểm trông giữ phương tiện: Nơi được, nơi chưa

Việc trông giữ phương tiện dịp lễ, Tết có chuyển biến; một số nơi giao cho Đoàn thanh niên trông xe miễn phí đã tạo ấn tượng tốt cho du khách. Tuy nhiên, theo khảo sát của Ban Kinh tế - Ngân sách và Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội, ngay sau tết Nguyên đán 2016 vẫn còn nhiều điểm trông giữ xe tự phát, thu tiền cao hơn mức quy định tại các đình, chùa, miếu…
Ngăn chặn tình trạng "chặt chém" tại các điểm trông giữ phương tiện: Nơi được, nơi chưa
Điểm trông xe miễn phí tại Phủ Tây Hồ.

Chuyển biến...

Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Mai cho biết, 6 điểm khảo sát là chùa Quán Sứ (Hoàn Kiếm), đền Quán Thánh (Ba Đình), phủ Tây Hồ (Tây Hồ), đền Nguyên Phi Ỷ Lan (Gia Lâm), Đền Và, Chùa Mía (Sơn Tây) so với những năm trước đã có sự chuyển biến trong việc trông giữ phương tiện dịp lễ, Tết. Cụ thể, các đơn vị quản lý, giao thu phí đã cơ bản thực hiện đúng các quy định của thành phố như bố trí điểm đỗ, trông giữ phương tiện. Một số điểm được cấp phép trông giữ phương tiện đã có biển báo niêm yết công khai và phát biên lai khi thu phí theo quy định... Đặc biệt, Đoàn khảo sát đánh giá cao hai quận Tây Hồ và Ba Đình đã giao Đoàn thanh niên phối hợp với lực lượng Công an hướng dẫn người dân gửi xe tại nơi quy định và trông giữ phương tiện không thu tiền (tại phủ Tây Hồ), thu tiền đúng quy định của Nhà nước (tại đền Quán Thánh).

Chị Hoàng Mai Nga (Nam Từ Liêm) rất vui vì đi phủ Tây Hồ tết năm nay được gửi xe miễn phí. Những năm trước, chị phải mất phí 10.000-20.000 đồng/xe máy. Dù số tiền không lớn, nhưng chị rất bực mình vì tình trạng "chặt chém", lộn xộn, lôi kéo khách. Chị Nga mong rằng, hoạt động ý nghĩa này được duy trì. Chị Phạm Thị Oanh (Long Biên) 10 năm nay đi lễ ở chùa Quán Sứ vào dịp đầu năm cũng ghi nhận đã có sự đổi khác: Trước đây, cứ những ngày đầu xuân, gửi xe máy quanh khu vực chùa đều mất 10.000 đồng/lượt, nhưng năm nay giảm còn 5.000 đồng/lượt. Mức giá này dù vẫn cao hơn so với quy định nhưng có thể chấp nhận. 

…nhưng chưa triệt để

Dù có cố gắng song việc chấn chỉnh hoạt động trông giữ phương tiện trên địa bàn TP Hà Nội dịp Tết vẫn chưa triệt để; tình trạng trông giữ xe tự phát, thu phí cao hơn quy định vẫn xảy ra. Theo ghi nhận của Đoàn khảo sát, gần khu vực đền Quán Thánh (Ba Đình), Đền Và (Sơn Tây), chùa Quán Sứ (Hoàn Kiếm) vẫn còn điểm trông giữ xe tự phát, mặc dù cơ quan chức năng có biết song chưa kịp thời xử lý nghiêm. Chưa kể, nhiều điểm thu phí không phát hành biên lai hoặc phát hành biên lai không đúng quy định. Đặc biệt, tình trạng vi phạm quy định niêm yết công khai diễn ra phổ biến như, chưa có biển báo hoặc có biển báo nhưng chưa đúng quy định tại điểm trông giữ phương tiện (biển tự viết để không đúng nơi quy định, không có tên đơn vị được cấp phép, không công khai mức phí...). Ngay trong sáng 22-2, phóng viên Hànộimới đến gửi xe máy vào chùa Bồ Đề (Long Biên) vẫn mất phí 10.000 đồng/lượt, vé tự ghi và không có đơn vị được cấp phép trông giữ.

Sở dĩ còn xảy ra tình trạng trên, theo bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố là do có địa phương khoán trắng cho đơn vị tư nhân hoặc cá nhân tổ chức trông giữ phương tiện, thiếu kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh, xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, chính sự dễ dãi của một bộ phận người gửi phương tiện như gửi xe tại điểm tự phát dù đã có điểm trông giữ theo quy định, không yêu cầu lấy biên lai thu phí đúng quy định vô tình tiếp tay cho các vi phạm. Cùng với đó, sự vào cuộc của chính quyền địa phương còn hạn chế.

Ngay sau khảo sát, HĐND thành phố đã đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các ngành chức năng xử lý, chấn chỉnh ngay những vi phạm tại các địa điểm Đoàn khảo sát nêu và tăng cường kiểm tra, tái kiểm tra việc trông giữ phương tiện tại điểm di tích, danh thắng, khu vui chơi... Đồng thời, HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố chỉ đạo nhân rộng mô hình trông giữ xe miễn phí, đúng quy định tại quận Tây Hồ và quận Ba Đình. Cùng với biện pháp cần thiết này, các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền để nhân dân đồng thuận "tẩy chay" các điểm trông giữ trái phép. Đặc biệt, tại các điểm như đình, chùa, miếu… cần công khai đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin vi phạm; chỉ dẫn để người dân biết, tham gia giám sát hoạt động trông giữ phương tiện. Có như vậy mới ngăn chặn được nạn "chặt chém" vốn nhức nhối từ nhiều năm qua. 

 

Theo Báo Hànộimới


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang