Thứ Sáu, 03/05/2024 23:01:16 GMT+7

Tin đăng lúc 03-10-2023

Lượt xem: 411

Năm giải pháp chống gian lận thương mại, hàng giả dược, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng

Buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nói chung và đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng (TPCN) nói riêng là một trong những vấn nạn của xã hội gây ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến kinh tế, sức khỏe, lợi ích người tiêu dùng.
Năm giải pháp chống gian lận thương mại, hàng giả dược, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng
Ảnh minh họa

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và có nhiều chỉ đạo, định hướng, trong đó đã thành lập Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

 

Từ các chính sách, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương và lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt, tích cực phối hợp và triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, trong đó có nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN,…

 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dự báo buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nói chung và đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN nói riêng tuy có giảm dần trong những năm gần đây, song còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhất là khi nước ta đã kiểm soát được dịch Covid-19, mọi hoạt động xã hội trở lại bình thường; nhu cầu phát triển sản xuất, tiêu dùng tăng cao; biến động chênh lệch giá hàng hóa giữa các khu vực, vùng miền trong và ngoài nước còn lớn, đặc biệt là sự khan hiếm cục bộ và tăng giá đột biến một số mặt hàng thiết yếu... là động cơ nguyên nhân dẫn đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó có nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN.

 

Xu hướng vi phạm dịch chuyển từ nhỏ lẻ, tự phát sang lợi dụng tư cách pháp nhân thành lập công ty, liên doanh, liên kết trong và ngoài nước hình thành đường dây, ổ nhóm để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với quy mô lớn hơn, phương thức thủ đoạn tinh vi với mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng hơn.

 

Cụ thể, chuyển từ hình thức kinh doanh, mua bán vận chuyển, giao nhận hàng hóa trực tiếp phổ thông, truyền thống sang ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử để mua bán hàng hóa, kinh doanh vận chuyển hàng hóa vi phạm qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh, hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ được công khai mua bán giao dịch trên môi trường mạng, đến tận nhà dân trong khi còn vướng mắc về cơ chế pháp lý, thiếu lực lượng, biện pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật, quan hệ phối hợp để phát hiện và xử lý loại hình vi phạm này.

 

Theo số liệu tổng hợp kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN của các cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng trên phạm vi toàn quốc cho biết, số vụ việc phát hiện, xử lý từ 2019-2022 là 21.823 vụ, trong đó có 5.786 vụ buôn bán kinh doanh hàng nhập lậu, 14.801 vụ gian lận thương mại, 1.236 vụ hàng giả; 9.654 vụ dược phẩm, 9.203 vụ mỹ phẩm, 2.197 vụ TPCN; xử lý hành chính 21.161 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 180 tỷ đồng; xử lý hình sự 84 vụ/108 đối tượng, trong đó 39 vụ/49 đối tượng liên quan đến dược phẩm, 48 vụ/59 đối tượng liên quan đến mỹ phẩm và TPCN.

 

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian tới, Văn phòng Thường trực BCĐ 389 Quốc gia đề xuất tập trung vào một số giải pháp:

 

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

 

Thứ hai, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao chủ động công tác nắm tình hình, nhận diện những vấn đề nổi cộm phức tạp, xây dựng triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, điều tra phát hiện xử lý nghiêm mọi hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung, và đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng nói riêng. Tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đánh trúng, đánh đúng đối tượng chủ mưu cầm đầu đường dây ổ nhóm, tụ điểm phức tạp nhằm răn đe và phòng ngừa chung.

 

Thứ ba, tiếp tục rà soát những khó khăn, vướng mắc (về quy định của pháp luật, cơ chế phối hợp và các điều kiện khác), kiến nghị sửa đổi, bổ sung thay thế kịp thời từng bước hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

 

Thứ tư, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ số, tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng, khai thác, chia sẻ thông tin, dữ liệu sẵn có phục vụ mục tiêu chung chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền theo phương châm tăng cường về tần suất đa dạng về hình thức đảm bảo nội dung, chất lượng tuyên truyền.

 

Thứ năm, đẩy mạnh đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ năng lực cán bộ thực thi, bổ sung kinh phí hoạt động, trang bị phương tiện chuyên dùng phục vụ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chính sách an sinh xã hội để giải quyết công ăn việc làm cho cư dân biên giới, vùng sâu, vùng xa hạn chế tối đa việc bị lợi dụng, lôi kéo vào buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả…

 

Hồng Trường

 

 

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang