Thứ Hai, 06/05/2024 05:55:26 GMT+7

Tin đăng lúc 11-07-2023

Lượt xem: 366

Mở ‘nút thắt’ visa, sốt sắng đón luồng khách mới

Để Việt Nam trở thành thị trường du lịch sang trọng, đón được những vị khách chi trả cao và ở dài ngày buộc ngành du lịch phải thay đổi và có chính sách rõ ràng. Nút thắt visa được mở là bước đầu tiên để đón nguồn khách mới.
Mở ‘nút thắt’ visa, sốt sắng đón luồng khách mới
Việt Nam kỳ vọng đón trên 10 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023, tạo đà cho năm 2024 - 2025

Chuẩn bị tour, nhắm tới dòng khách mới

 

Việc gỡ nút thắt visa để thu hút khách quốc tế được ngành du lịch, các hãng hàng không, công ty lữ hành trông đợi từ lâu. Do đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 15/8, thực sự là tin vui, là động lực để du lịch Việt Nam triển khai mạnh mẽ Nghị quyết 82 của Chính phủ về đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch.

 

Ông Cao Trí Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đánh giá, chính sách về thị thực xuất nhập cảnh mới sẽ làm thay đổi cơ bản về cấu trúc khách cũng như hệ thống dịch vụ của chúng ta. 

 

Chính sách thị thực thông thoáng sẽ mở đường cho rất nhiều luồng khách mới, đặc biệt là những luồng khách tự đi, luồng khách gia đình, nhỏ lẻ. Đồng thời, nâng sức cạnh tranh của điểm đến Việt Nam trong việc tiếp cận các nguồn khách quốc tế. 

 

Ông Dũng khẳng định, 6 tháng còn lại của 2023 và những năm tiếp theo sẽ ghi nhận lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng đáng kể, đặc biệt là nguồn khách đi lẻ và sử dụng thị thực điện tử.

 

Theo ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtours, gỡ được ‘nút thắt’ visa sẽ tạo điều kiện cho các công ty du lịch xây dựng sản phẩm, đặc biệt tour dài ngày, khách ra vào nhiều lần. 

 

Đến nay, doanh nghiệp đang tính toán để xây dựng sản phẩm kéo dài ngày hơn cho khách là người già, người về hưu có nhiều thời gian đi du lịch; tập trung vào các dòng sản phẩm điền dã, khám phá văn hóa, tour khám phá trải nghiệm Việt Nam, du lịch chữa bệnh, du lịch kết hợp tham quan các nước Đông Dương rồi quay lại Việt Nam,… 

 

Ông cho hay, một số thị trường có sự phản ứng nhanh với chính sách thì đã có khách, như thị trường Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Nam Á. Một số thị trường xa đơn vị đã chuẩn bị sản phẩm cho mùa khách cuối năm và năm sau.

 

Còn ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, nhận định, với việc mở rộng các thị trường được chấp thuận thị thực điện tử (evisa), nâng thời hạn lên 90 ngày, không giới hạn số lần nhập cảnh, du khách có thể ở lâu hơn, 3-4 tuần thay vì chỉ 14-15 ngày như trước. Do đó, các tour Việt Nam dài ngày từ Bắc xuống Nam, tour 21 hoặc 23 ngày kết hợp Việt Nam, Campuchia hoặc Lào rồi trở về Phú Quốc, Đà Nẵng nghỉ dưỡng đang được thiết kế. Ông kỳ vọng doanh thu mùa cao điểm khách inbound từ tháng 9 của công ty sẽ tăng ít nhất 30%.

 

Công ty TNHH Việt Nam Đông Dương (VietIndo Travel) cũng đang tập trung xây dựng sản phẩm, dự kiến hoàn thiện trong tháng 7 để kịp đón khách quốc tế từ tháng 9-10. Thay vì bị o ép thời gian, số ngày như trước do việc xin visa bị hạn chế, những tour trên 15 ngày sẽ được mở ra nhiều hơn.

 

Cần khách ở dài ngày hơn, chi tiêu nhiều hơn

 

Từng làm quản lý nhà nước về du lịch và là chuyên gia trong ngành, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình nhìn nhận, việc khai thác những lợi ích từ chính sách visa cởi mở mang lại không khó, nhưng quan trọng là triển khai chi tiết từng công việc để thực sự biến những lợi thế đó thành những sản phẩm du lịch hút khách. 

 

Ông lưu ý, chính sách có thể tạo điều kiện dễ dàng cho khách quốc tế đến Việt Nam, nhưng nếu khách đến mà họ không thích thú, không chi nhiều tiền hơn, không ở dài ngày hơn thì việc thu hút về số lượng cũng không còn nhiều ý nghĩa. 

 

“Cho nên, trở thành một thị trường du lịch sang trọng, đón được những vị khách chi trả cao và ở dài ngày tại Việt Nam là cái đích hướng tới của ngành du lịch. Từ đó, buộc chúng ta phải có một chính sách rõ ràng, sự quyết tâm mà doanh nghiệp du lịch phải đi đầu”, ông nhấn mạnh.

 

Ngoài ra, cần sự liên kết giữa các ngành, doanh nghiệp, làm sao trong chuỗi cung ứng ta có những sản phẩm du lịch giá thành phù hợp nhất. Tuy cạnh tranh về giá không phải là vấn đề quyết định trong giai đoạn tới, nhưng nó tạo ra sự hấp dẫn đối với khách quốc tế

 

Thực tế hiện nay, ông Nguyễn Công Hoan nhận xét, thách thức lớn nhất với du lịch là vấn đề giá. Giá tour của Việt Nam chưa tốt do 3 yếu tố: sự suy giảm của đồng tiền; đường bay chi phí tăng, giá vé tăng trong khi giá vé máy bay chiếm 50-60% cơ cấu giá thành tour; các yếu tố đầu vào như khách sạn, nhà hàng, phí tham quan, rồi chính sách tiền lương tăng,... Tất cả làm cho chi phí đầu vào tăng cao, khó xây được sản phẩm kích cầu, hấp dẫn khách.

 

Song, CEO AZA Travel Nguyễn Tiết Đạt cho rằng, giá sản phẩm du lịch của Việt Nam không phải là cao, bởi cùng mặt bằng chất lượng 5 sao, so với các nước khu vực và trên thế giới, giá của ta vẫn có sức cạnh tranh. 

 

Tuy nhiên, chúng ta thua ở cách làm. Chiến lược của Thái Lan là cứ kéo khách vào rồi nghĩ cách lấy tiền sau, nên mức giá trọn gói đưa ra rất rẻ. Có được giá đó là nhờ sự liên kết chặt chẽ giữa hàng không, khách sạn, nhà hàng, hệ thống shopping hỗ trợ,... Nhờ vậy, theo Tổng cục Du lịch Thái Lan, chỉ tính riêng số tiền khách du lịch chi trả cho mua sắm (đồ ăn và hàng hóa) là từ 5.000-10.000 bath (khoảng 3,5-7 triệu đồng)/ngày.

 

Còn du lịch Việt Nam vẫn nghĩ ngắn, muốn thu tiền ngay lập tức, đưa ra mức giá thu đủ nên thường cao. Tâm lý đó, cộng với sự thiếu sự gắn kết, nên mới có chuyện vé máy bay, vận chuyển giá cao, nhà hàng chặt chém,... trong khi bản chất du lịch Việt Nam vốn rẻ (giá phòng khách sạn, đồ ăn) kết cục vẫn bị mang tiếng là đắt. 

 

Theo Vietnamnet.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang