Thứ Hai, 29/04/2024 15:33:14 GMT+7

Tin đăng lúc 13-06-2023

Lượt xem: 723

Lan tỏa tình yêu khi người tiêu dùng Thủ đô được ‘chấm điểm’ hàng Việt

Đẩy mạnh quảng bá, đồng thời lan tỏa tình yêu bằng cách tạo kênh để người tiêu dùng Thủ đô được chấm điểm, bình chọn về chất lượng, sản phẩm yêu thích đang là cách nâng cao giá trị hàng Việt, cũng như thể hiện sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trên địa bàn TP Hà Nội.
Lan tỏa tình yêu khi người tiêu dùng Thủ đô được ‘chấm điểm’ hàng Việt
Tăng cường quảng bá, giới thiệu hàng Việt tới người tiêu dùng Thủ đô.

2023 là năm Chương trình Bình chọn "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích" được tổ chức lần thứ 13. Chương trình tiếp tục trở thành một trong những hoạt động quan trọng của TP Hà Nội nhằm xây dựng văn hóa, thói quen tiêu dùng của người Việt với hàng Việt, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp có ý thức sản xuất hàng hóa chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh cho thương hiệu Việt…

 

Lan tỏa tình yêu với hàng Việt

 

Nhìn lại kết quả đã đạt được trong năm 2022, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP Hà Nội cho biết, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội và các tổ chức thành viên đã đẩy mạnh truyên truyền trong cán bộ, đảng viên để thực hiện phục hồi và phát triển kinh tế.

 

Theo đó, Ban tổ chức đã tổ chức 7 chương trình Phiên chợ hàng Việt tại những địa bàn khác nhau và tổ chức các hội chợ để kích cầu người tiêu dùng. Các quận cũng triển khai kết nối giao thương với các đơn vị trong cả nước để đưa hàng nông sản giới thiệu, quảng bá tới người tiêu dùng; tiếp tục mở rộng các điểm quảng bá các sản phẩm OCOP. Hiện, Hà Nội có hơn 1.000 sản phẩm OCOP, các sản phẩm hàng hóa đạt chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô.

 

“Từ kết quả của năm 2022, có thể khẳng định Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong những năm qua được Hà Nội triển khai bài bản, có hiệu quả, tác động lớn đến sự phát triển của Thủ đô”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay.

 

Thông tin cụ thể về cách triển khai, ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết: Chương trình “Bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2022 đã thu hút 295 sản phẩm của 150 doanh nghiệp, đáp ứng đủ tiêu chí, đăng ký tham gia trên website binhchonhangviet.com.vn và phát hành 6.000 phiếu có danh sách các mã sản phẩm, dịch vụ để người tiêu dùng bình chọn trực tiếp.

 

Song song với đó, Chương trình cũng kết hợp đẩy mạnh công tác truyền thông trên nhiều kênh phương tiện như: Banner tuyên truyền treo tại các tuyến phố, banner dán thành xe buýt, roadshow xe đạp, hoạt náo tại các điểm bình chọn, lời chào tổng đài 024.1081, banner hiển thị trên các trang mạng đời sống - gia đình - thời trang, mạng xã hội Facebook, nhằm thu hút lượng lớn người tiêu dùng tiếp cận và tham gia bình chọn cho các sản phẩm, dịch vụ.

 

Theo đó, việc triển khai bình chọn trực tuyến qua website binhchonhangviet.com.vn đạt 206.715 lượt bình chọn, tăng 56,87% so với năm 2021; triển khai bình chọn trực tiếp tại các khu dân cư, siêu thị, trung tâm thương mại ghi nhận 124.098 lượt bình chọn, tăng 3,94%. Tổng kết quả bình trọn trên cả hai phương tiện trực tuyến và trực tiếp năm 2022 đạt 330.813 lượt, tăng 31,7% so với năm 2021.

 

Sau quá trình tổng kết bình chọn của người tiêu dùng và chấm điểm của ban giám khảo, kết quả phân top các sản phẩm, dịch vụ tham gia, những ưu thế của hàng Việt Nam khiến người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm vừa được vinh danh tại cuộc bình chọn năm nay nổi bật là: Các doanh nghiệp tham gia đều có sự đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng về các sản phẩm, dịch vụ tham gia, đảm bảo đầy đủ tiêu chí về độ an toàn, chất lượng, mẫu mã và hình thức bắt mắt phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.

 

Doanh nghiệp thấy rõ lợi nhuận tăng trưởng

 

Là doanh nghiệp nhiều lần được vinh danh hàng Việt Nam chất lượng cao, hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích, ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Tâm Bình đánh giá, việc tham gia và hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng như Chương trình bình chọn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp công ty lan tỏa thương hiệu. Thông qua việc tham gia các hội chợ, tuần hàng Việt, các chương trình bình chọn…, sản phẩm của doanh nghiệp đã được đông đảo người tiêu dùng Thủ đô và cả nước tin tưởng, lựa chọn.

 

Đặc biệt, trong bối cảnh tình trạng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng diễn biến ngày càng phức tạp khiến người tiêu dùng hoang mang khi lựa chọn sản phẩm, thì các sản phẩm của doanh nghiệp được vinh danh là “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” đã giúp người tiêu dùng dễ nhận diện sản phẩm và yên tâm khi mua sắm.

 

Theo đánh giá của ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình chọn đều tăng trưởng lợi nhuận từ 10 - 20%; lợi nhuận trên đầu sản phẩm từ 15 - 20%; hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ít đi. Chương trình tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, mặt hàng vì đã tham gia cuộc bình chọn phải thực thi các chính sách pháp luật tốt.

 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xác định được phân khúc khách hàng; quy trình sản xuất đầu tư của doanh nghiệp thay đổi nhiều; xác lập được kênh bán hàng; chất lượng sản phẩm khi tham gia đều được thay đổi, được làm mới. Doanh nghiệp đưa ra mức giá phù hợp; chuỗi liên kết cung ứng giữa các doanh nghiệp được xác lập.

 

Đáng lưu ý, trách nhiệm và ý thức của doanh nghiệp khi tham gia cuộc bình chọn ngày càng lớn, đặc biệt là trách nhiệm với xã hội, người tiêu dùng, với cán bộ công nhân viên của mình. Ngoài ra, doanh nghiệp được mua nguyên liệu với giá hợp lý và được hưởng nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ tích cực từ trung ương, thành phố và các sở, ban, ngành.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Văn Đạt, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Gia Lâm cho rằng, ở nhiều nơi, người dân chỉ hiểu đơn giản là vận động ưu tiên dùng hàng Việt Nam mà chưa hiểu tường tận mục đích của chương trình còn gắn với niềm tự hào dân tộc, việc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái… Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn lợi dụng Cuộc vận động để đưa hàng hóa về nông thôn và giới thiệu không chính xác, khiến lòng tin của người dân về sản phẩm giảm đi.

 

Cải tiến cách thức bình chọn

 

Từ việc nhìn nhận những hạn chế, ông Nguyễn Văn Đạt đề xuất, chính quyền các cấp nên tạo cơ chế tốt nhất để đẩy mạnh hàng tiêu dùng Việt Nam tới người dân, phải bảo đảm lợi ích, quyền lợi của người tiêu dùng.

 

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hiền Phương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” quận Hai Bà Trưng cho biết, vẫn có nhiều người dân còn tâm lý tiện đâu mua đó, chưa thực sự quan tâm tới thương hiệu, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Đồng thời, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường, trong khi tâm lý sính ngoại, chuộng hàng xách tay còn phổ biến.

 

Đối với Ban chỉ đạo cấp cơ sở, mặc dù đã đẩy mạnh công tác vận động doanh nghiệp đóng trên địa bàn tham gia Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tham gia các chương trình bình chọn, nhưng việc này đối với các quận là rất khó khăn vì chỉ có thể vận động doanh nghiệp trên địa bàn, nhưng hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chủ yếu hoạt động kinh doanh thương mại.

 

Ngoài ra, theo các chuyên gia, chương trình bình chọn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong khâu tổ chức bình chọn: Số lượng doanh nghiệp có đủ tiêu chí tham gia luôn tăng trưởng hằng năm nhưng tỷ lệ chưa cao; số lượng doanh nghiệp lớn và có uy tín tham gia bình chọn còn hạn chế; hoạt động về chuyển đổi số, đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bình chọn đã được thực hiện nhưng cần đẩy mạnh theo xu hướng phát triển của thị trường, việc triển khai bình chọn trực tuyến trên website chương trình, fanpage đã có nhưng người tiêu dùng tham gia chưa cao.

 

Với vai trò là đơn vị tổ chức, ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thời gian tới, chương trình bình chọn sẽ được đổi mới, nhất là việc nâng cao hơn nữa các tiêu chí xét chọn, cách thức để thu hút người dân bình chọn, đánh giá một cách thực chất nhất.

 

Công tác tổ chức cũng sẽ được thay đổi nhằm tối ưu hóa. Trong đó, không giới hạn số lượng doanh nghiệp tham gia; tăng cường truyền thông, quảng bá chương trình trên phương tiện truyền thông tại các quận, huyện… để tạo hiệu ứng cho chương trình, đặc biệt là tập trung vào truyền thông đến người tiêu dùng về lợi ích khi dùng sản phẩm hàng Việt.

 

Đáng chú ý, công tác tổ chức về tiêu chí sản phẩm, dịch vụ đăng ký tham gia sẽ được đổi mới, trong đó ưu tiên sản phẩm mới để qua đó thúc đẩy doanh nghiệp tích cực sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, năm 2023, nếu doanh nghiệp đăng ký tham gia 1 sản phẩm thì phải là sản phẩm mới; 2 sản phẩm thì phải có ít nhất 1 sản phẩm mới; 3 sản phẩm thì phải có ít nhất 2 sản phẩm mới…

 

Theo VNbusiness


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang