Thứ Bẩy, 27/04/2024 00:55:16 GMT+7

Tin đăng lúc 09-08-2022

Lượt xem: 711

Làm thế nào để mua sắm trực tuyến an toàn

An toàn khi mua sắm online đang là vấn đề cấp thiết của cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp, đặc biệt trong các đợt khuyến mại, giảm giá, một lượng lớn khách hàng đổ dồn vào các trang thương mại điện tử, các gian hàng online để mua những món đồ mong muốn trong các dịp Sales, đây là cũng là dịp để những tên tội phạm mạng tìm cách lợi dụng lừa đảo người tiêu dùng.
Làm thế nào để mua sắm trực tuyến an toàn
Ảnh minh hoạ

 

Thực tế cho thấy, không có gì đảm bảo việc cho sự an toàn của bạn khi mua hàng online, thậm chí chính những công ty lớn cũng có thể bị ảnh hưởng bởi những lỗ hổng bảo mật. Do vậy, để không trở thành nạn nhân của các trò lừa đảo khi mua sắm online, người tiêu dùng cần lưu ý những điều sau:

 

Chỉ mua sắm, giao dịch ở những trang web TMĐT có biểu tượng ổ khoá

         

Trước khi người dùng mua bất cứ thứ gì từ một trang web, hãy xác minh rằng nhà cung cấp đã mã hóa hình thức thanh toán. Ở nhiều trang web, bạn có thể thấy các chỉ dẫn trực quan về tính bảo mật, như biểu tượng ổ khóa và “https” thay vì “http” ở phía bên trái thanh địa chỉ, điều này cho thấy rằng trang web đó sử dụng chuẩn bảo mật Secure Sockets Layer (SSL) – đây là một giao thức mã hóa thông tin giữa thiết bị của người dùng và máy chủ của cửa hàng. Bạn nên chọn mua sắm tại những trang web có biểu tượng an toàn này.

 

Không bao giờ điền thông tin cá nhân vào những địa chỉ, tên miền được dán nhãn “không bảo mật” vì trang web không đảm bảo an toàn thông tin cá nhân. Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn được ai đó gửi link đến một trang mới hoặc trang giao dịch chuyển người dùng sang một trang mới.

 

Sử dụng thẻ tín dụng thay cho thẻ ghi nợ

 

Thẻ tín dụng là sự lựa chọn an toàn hơn thẻ ghi nợ để mua sắm, thanh toán trực tuyến. Đối với thẻ tín dụng, nếu kẻ xấu đánh cắp được thông tin thanh toán trực tuyến của người dùng, chúng sẽ gây ít thiệt hại hơn vì Thẻ tín dụng có hạn mức chi tiêu, trong khi đó thẻ ghi nợ thì không và cũng liên kết trực tiếp với tài khoản ngân hàng của người dùng. Đồng thời, người dùng có thể chống lại các khoản phí gian lận được thực hiện với thẻ tín dụng mà không phải trả hết số tiền đang tranh chấp.

 

Người dùng nên sử dụng thẻ tín dụng có hạn mức tín dụng thấp dành riêng cho giao dịch mua hàng trực tuyến. Một số ngân hàng hiện cung cấp thẻ “sử dụng một lần” hoặc các thẻ tín dụng “ảo” được thiết kế dành riêng cho mua sắm trực tuyến, thích hợp cho một giao dịch từ một nhà cung cấp cụ thể.

 

Chỉ chia sẻ thông tin thanh toán với các nhà cung cấp đã biết hoặc có uy tín

 

Điều quan trọng nhất để bảo đảm an toàn cho thông tin người dùng khi thực hiện thanh toán online đó là cẩn trọng về đối tượng mà người dùng cung cấp thông tin thanh toán. Nếu người dùng không chắc chắn liệu cửa hàng trực tuyến đó có đáng tin hay không, thì cần tìm hiểu và xác minh tính xác thực và an toàn của nó.

 

Ngoài ra, người dùng có thể sử dụng phương pháp thanh toán của bên thứ ba thay vì cung cấp thông tin thanh toán trực tiếp cho cửa hàng trực tuyến. Hầu hết các cửa hàng trực tuyến đều chấp nhận thanh toán từ các bên thứ ba đáng tin cậy, như PayPal hoặc Google Checkout. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro các thông tin thanh toán rơi vào tay kẻ xấu, vì nó được xử lý bởi các bên đáng tin cậy hơn.

 

Chủ động theo dõi tình trạng đơn hàng

 

Đối với hình thức mua sắm COD – trả tiền mặt rồi nhận hàng, để đối phó với tình trạng bị đánh cắp thông tin, đơn hàng giả được giao đến nhanh hơn đơn thật, bạn nên chủ động theo dõi tình trạng đơn hàng của mình.

 

Hiện nay, rất nhiều nền tảng mua sắm cập nhật từng bước nhỏ trong đơn hàng của bạn, từ shop đã nhận đơn chưa, gói hàng đang ở kho nào, shipper đã cầm hàng đi giao chưa... Nếu có shipper gọi giao hàng, đừng quên thao tác mở ứng dụng mua sắm ra kiểm tra đơn hàng của mình đã ở tình trạng “Đang giao hàng” chưa nhé.

 

Khi nhận hàng bạn nên kiểm tra, đối chiếu thông tin đơn hàng trên mã vận đơn, từ thông tin shop, thông tin người nhận, đặc biệt là mã vận đơn vì đây là loại mã mà các đối tượng lừa đảo thường không ăn cắp được. Nếu mọi thứ trùng khớp thì hãy trả tiền và nhận hàng.

 

Chủ động bảo vệ thông tin cá nhân ở mọi nền tảng

 

Xé nhỏ hóa đơn mua hàng bằng giấy trước khi cho vào thùng rác; không bình luận số điện thoại hay địa chỉ, món đồ mình mua vào các bài đăng bán hàng công khai mà nhắn tin riêng là cách đơn giản bảo vệ thông tin cá nhân.

 

 

Cảnh báo các thông báo trúng thưởng, quà tri ân yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng hay đòi phí

 

Nếu bạn nhận được thông báo “Chúc mừng trúng thưởng”, “Tặng quà tri ân” nhưng các chương trình quà tặng này lại không được công khai trên các phương tiện truyền thông hoặc yêu cầu bạn trả phí để nhận thưởng thì bạn nên từ chối.

 

Đặc biệt cảnh giác với các tin nhắn mạo danh ngân hàng, báo trúng thưởng hàng chục triệu đồng, kèm theo đường link truy cập yêu cầu bạn cung cấp thông tin tài khoản, đăng nhập. Chỉ cần một phút lơ là, thẻ tín dụng của bạn có thể liên tục bị rút tiền, chuyển khoản cả trăm triệu đồng.

 

Hãy nhớ rằng, cái gì quá tốt thì sẽ khó là thật

 

Một quy tắc mua sắm lâu đời là người mua cần thận trọng với mọi lời quảng cáo. Nếu người dùng được mời chào một mặt hàng tốt với mức giá thấp đến khó tin thì điều này khó có thể là thật. Người dùng cần nghiên cứu thêm về các nhà cung cấp trước khi mua hàng. Ít nhất, hãy kiểm tra số điện thoại và địa chỉ hoặc email để nếu có bất kỳ vấn đề nào với đơn đặt hàng, người mua đều có thể liên hệ.

 

Minh Vũ


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang