Thứ Sáu, 03/05/2024 00:33:22 GMT+7

Tin đăng lúc 03-04-2018

Lượt xem: 4350

Kiềm giữ CPI năm 2018: Huy động tổng lực để đạt mục tiêu

Thông tin tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 3 diễn ra tại Bộ Công Thương mới đây cho thấy, do giá hàng loạt các mặt hàng dự kiến sẽ tăng theo lộ trình và xu hướng chung của thế giới, mục tiêu giữ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong phạm vi Quốc hội cho phép (tăng dưới 4% so với cùng kỳ năm 2017) không dễ đạt được.
Kiềm giữ CPI năm 2018: Huy động tổng lực để đạt mục tiêu
Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là kiểm soát tốt chỉ số giá tiêu dùng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 3/2018 giảm 0,27% so với tháng trước do giá hầu hết các nhóm hàng như: Thực phẩm, hàng tiêu dùng, dịch vụ văn hóa - giải trí, vận tải phục vụ Tết đều giảm với mức từ 0,09 - 0,77%. Tính chung 3 tháng đầu năm, CPI cả nước tăng 2,82% so với cùng kỳ năm 2017.

 

Phân tích diễn biến chỉ số CPI quý I, bà Đỗ Thị Ngọc - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) - cho hay, ngày 1/1/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01 về điều hành tất cả các lĩnh vực kinh tế vĩ mô. Về cơ bản, các giải pháp điều hành đều được thực hiện rất sát sao nên mặc dù tháng Tết, thị trường có nhiều biến động khiến CPI tháng 1 và 2 tăng cao, nhưng đến tháng 3 đã giảm mạnh, giúp CPI bình quân quý I vẫn nằm trong giới hạn Quốc hội cho phép.

 

Tuy nhiên, theo bà Ngọc, xu hướng tăng CPI vào tháng Tết và giảm dần trong các tháng sau đang gây áp lực lên việc hoàn thành mục tiêu của cả năm. Cụ thể, năm 2017, CPI đi theo xu hướng tháng 1 đạt mức cao nhất (5,22%) và giảm dần sau các tháng, nhưng năm nay có thể sẽ đi ngược lại. Nguyên nhân bởi thời gian tới, hàng loạt các mặt hàng do nhà nước quản lý giá sẽ tăng giá theo lộ trình như giá dịch vụ y tế; tiền lương cơ sở sẽ được điều chỉnh vào tháng 7 với mức tăng 90.000 đồng, dễ ảnh hưởng đến mặt bằng nhiều loại giá, phí khác...

 

Áp lực tỷ giá cũng không nhỏ khi tháng 3 vừa qua, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất lên 1,75% - mức cao nhất những năm gần đây, dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục tăng khoảng 2 - 3 lần. Khi tăng lãi suất, giá đồng USD tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá các mặt hàng nhập khẩu của nước ta.

 

Trước diễn biến như vậy, Tổng cục Thống kê đã đưa ra 3 kịch bản CPI cho năm nay với kịch bản cao nhất là CPI sẽ tăng khoảng 4% so với cùng kỳ và 5% so với tháng 12/2017. Tuy nhiên, trước đó, trong cuộc họp Ban chỉ đạo Điều hành giá tháng 3, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá - đã yêu cầu các bộ, ngành bám sát kịch bản tăng CPI năm 2018 ở mức 3,55% để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Do đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phải kiểm soát tốt chỉ số này.

 

Bà Trần Thị Phương Lan - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, để bảo đảm cân đối cung - cầu, không “sốt” giá và cũng hạn chế tối đa khủng hoảng thừa như những năm trước, tháng 4, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức một hội nghị lớn nhằm kết nối cung - cầu Hà Nội với 19 tỉnh, thành phố. Các hoạt động kết nối cung - cầu nhỏ lẻ cũng sẽ được triển khai thường xuyên trong năm 2018, nhằm bảo đảm cung cấp đầy đủ hàng hóa cho người tiêu dùng.

 

Ổn định cung - cầu, tránh thiếu hàng, “sốt” giá, “được mùa, mất giá” là giải pháp TP. Hồ Chí Minh tích cực triển khai trong thời gian tới. Ông Nguyễn Phương Đông - Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho hay, thành phố sẽ thành lập sàn giao dịch hàng hóa để ổn định cung - cầu thị trường tốt hơn, bảo đảm giá hàng hóa ổn định.

 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục điều hành hiệu quả Quỹ bình ổn giá xăng dầu, ổn định thị trường xăng dầu trong nước; điều hành ổn định giá điện trong năm 2018 và tăng cường truyền thông trong sử dụng, tiết kiệm điện…

 

Nguồn Báo Công Thương

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang