Thứ Bẩy, 04/05/2024 05:23:51 GMT+7

Tin đăng lúc 20-10-2022

Lượt xem: 750

Khuyến công Hải Dương: Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn phục hồi hậu đại dịch Covid-19

Để giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn CNNT vượt qua những khó khăn, phục hồi trong giai đoạn hậu Covid-19. Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC) tỉnh Hải Dương đã chú trọng hỗ trợ các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh đầu tư máy móc, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) nhằm phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Khuyến công Hải Dương: Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn phục hồi hậu đại dịch Covid-19

Theo báo cáo của Sở Công Thương, trong thời gian qua, công tác khuyến công gặp không ít khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Bên canh đó, các cơ sở CNNT cũng gặp nhiều khó khăn do hàng hóa sản xuất ra không tiêu thụ, hoặc chậm, tồn kho nhiều do đứt gẫy nguồn cung, hoạt động sản xuất cầm chừng và duy trì giữ chân người lao động, việc đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị hạn chế do thiếu nguồn vốn.

 

Bằng sự nỗ lực cùng với sự quan tâm giúp đỡ từ Bộ Công Thương, Cục Công Thương địa phương, các Sở, ban, ngành của tỉnh, TTKC tỉnh Hải Dương đã xây dựng, triển khai và thực hiện tốt công tác khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương năm 2021.

 

Trong đó, chương trình khuyến công quốc gia có 02 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất sản phục vụ tiêu dùng cho 05 cơ sở CNNT; hướng dẫn 03 đề án cơ sở CNNT tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia, tổng kinh phí là: 1 tỷ 650 triệu đồng.

 

Chương trình khuyến công địa phương gồm: 11 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị cho các cơ sở CNNT; 01 đề án bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, với 155 sản phẩm của 54 cơ sở CNNT đăng ký tham gia bình chọn, công nhận 50 sản phẩm đạt danh hiệu sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, với tổng kinh phí là: 2 tỷ 020 triệu đồng.

 

Ông Nguyễn Quốc Việt - Giám đốc TTKC tỉnh Hải Dương cho biết: Năm 2022 TTKC phối hợp với Phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương) tiến hành khảo sát 29 HTX, hộ kinh doanh, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại 12 huyện, thị xã, thành phố để lựa chọn, hướng dẫn các cơ sở hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ khuyến công năm 2022, tổng hợp trình hội đồng thẩm định.

 

Qua khảo sát cho thấy, đa số các cơ sở CNNT đáp ứng các yêu cầu về đăng ký ngành nghề sản xuất, kinh doanh, diện tích nhà xưởng, máy móc thiết bị, số lượng lao động… Hầu hết các đơn vị được khảo sát đều có nhu cầu về đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến và mở rộng sản xuất nhằm thay thế máy móc cũ, công nghệ lạc hậu kém hiệu quả bằng máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại và giảm công lao động, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Bước đầu cơ quan chức năng đánh giá có 20 cơ sở đủ điều kiện xem xét trình hội đồng thẩm định.

         

Để các cơ sở CNNT được tiếp cận, ứng dụng KHCN trong sản xuất kinh doanh, ông Nguyễn Quốc Việt cũng kiến nghị, cần mở rộng các đối tượng được hưởng lợi về chính sách khuyến công đến các cơ sở CNNT ở phường xã, thị xã, thành phố và đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh; Tăng cường nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, mức hỗ trợ kinh phí cho mỗi đề án khuyến công nhằm khuyến khích các cơ sở CNNT đầu tư phát triển công nghiệp...

 

Có thể thấy, công tác khuyến công hỗ trợ các cơ sở CNNT đầu tư ứng dụng KHCN, máy móc tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh đã đem lại hiệu quả thiết thực tại các cơ sở CNNT, doanh nghiệp. Tạo ra những sản phẩm có chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu CNNT theo hướng hiện đại hóa, bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống tại địa phương.

 

Công Du


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang