Thứ Sáu, 03/05/2024 19:53:55 GMT+7

Tin đăng lúc 06-06-2023

Lượt xem: 822

Huyện Quốc Oai: Các chủ thể OCOP chủ động thay đổi để dẫn đầu

Hiện nay, trên địa bàn hai xã Tân Hòa và Cộng Hòa thuộc huyện Quốc Oai có khoảng 06 chủ thể có sản phẩm miến đạt OCOP 4 sao. Các chủ thể đã thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh để dẫn đầu về sản lượng và chất lượng sản phẩm.
Huyện Quốc Oai: Các chủ thể OCOP chủ động thay đổi để dẫn đầu
Các cơ sở sản xuất có sản phẩm đạt OCOP đã tạo công ăn việc làm thường xuyên với mức thu nhập từ 200 – 300 nghìn/người/ngày. Điểm đáng chú ý là trong số đó có rất nhiều người lao động lớn tuổi. Làm miến không chỉ tạo cho họ công việc mà còn mang lại nguồn thu nhập chủ động.

Theo thống kê, xã Tân Hòa có khoảng 60 hộ sản xuất miến; xã Cộng Hòa có khoảng trên 10 hộ sản xuất. Tham gia chương trình OCOP, xã Tân Hòa có 04 chủ thể có sản phẩm đạt OCOP 4 sao gồm: Cơ sở Miến Dương Kiên, cơ sở Miến Dũng Thúy, cơ sở Miến Thảo Chính; xã Cộng Hòa có 02 chủ thể có sản phẩm đạt OCOP 4 sao gồm: Cơ sở Miến Vương Đắc Thỏa và cơ sở Miến Trường Hải.

                               

Thời gian qua, các cơ sở sản xuất có sản phẩm miến đạt OCOP đã kế thừa và phát huy  tinh hoa nghề mà cha ông để lại, tạo nên những sản phẩm miến dẻo, dai, thơm ngon đặc trưng riêng có của miến Làng So.

 

Đáng chú ý, những năm gần đây, hoạt động sản xuất của các chủ thể đã có những thay đổi rõ nét về hoạt động đầu tư dây chuyền máy móc, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo chuyển biến tích cực trọng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 

 

Theo nguồn sử liệu là các thần phả được lưu giữ trong đình, nghề làm bún gạo (tiền thân của miến dong) đã xuất hiện ở Làng So hơn 10 thế kỷ trước, gắn với câu chuyện dân làng So làm lễ tiễn Đinh Bộ Lĩnh và 300 tráng đinh lên đường dẹp loạn 12 xứ quân. Từ xa xưa, người dân nơi đây lưu truyền câu ca: “Cỗ yến thiếu miến làng So”, ý nói mâm cỗ dù có nhiều món ngon đến đâu cũng không thể thiếu miến Làng So.

 

Trao đổi về vấn đề này, ông Vương Sỹ Trung - Chủ tịch UBND xã Tân Hòa cho biết, hiện nay, trên địa bàn, nhiều cơ sở đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất lớn, hiện đại với vốn đầu tư lên tới hàng tỷ đồng, nhờ vậy, năng suất và chất lượng sản phẩm đều được nâng lên rõ rệt, đem lại hiệu quả lớn cho các cơ sở sản xuất.

 

Ông Vương Đình Dũng - Chủ cơ sở kinh doanh Miến dong Dũng Thúy chia sẻ, cơ sở chúng tôi đã đầu tư dây chuyền nồi hơi, máy sấy, hấp, tráng bánh trị giá khoảng 03 tỷ đồng. Nhờ hệ thống này đã giúp cơ sở nâng công suất lên gấp đôi so với sản xuất trước kia. Hàng năm, cơ sở gia đình tôi sản xuất khoảng 200 tấn bột dong. Có cơ sở vào cao điểm có thể sản xuất đến hơn 100 tấn bột/ tháng.

 

Cùng quan điểm, ông Dương Đình Khôi - Giám đốc Công ty Dương Kiên cho biết thêm, những năm qua, hình thức tráng miến thủ công đã được các hộ đầu tư thay thế bằng máy liên hoàn với kinh phí lên tới hàng tỷ đồng, qua đó giúp cho năng suất, chất lượng cao hơn, không phụ thuộc vào thời tiết, giảm chi phí nhân công. Cùng với đó, các hộ đã xây dựng chuỗi liên kết từ khâu đầu vào, khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ tạo hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra các hộ còn ứng dụng chuyển đổi số để truy xuất nguồn gốc sản phẩm; các sản phẩm miến dong đã được cấp mã QR giúp thuận tiện cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

 

 

Một góc xưởng sản xuất được đầu đư máy móc hiện đại của Cơ sở sản xuất miến Dũng Thúy

 

Đầu tư dây chuyền sản xuất, đổi mới công nghệ đã và đang tạo “cú hích”, tạo lợi thế cạnh tranh không nhỏ cho nhiều cơ sở sản xuất miến. Ông Vương Đắc Thỏa - Chủ cơ sở sản xuất miến Vương Đắc Thỏa, xã Cộng Hòa chia sẻ: “Tôi đã trù bị kế hoạch đầu tư dây chuyền sản xuất khoảng 5 tỷ đồng. Với thương hiệu và thị trường đã có, cùng với hoạt động đầu tư mới, tôi tin rằng sản phẩm của chúng tôi sẽ tiếp tục chinh phục, mở rộng được thị trường cả ở trong và ngoài nước”.

 

Ông Hương Quý Hùng - Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa nhận định, việc thay đổi tư duy sản xuất, đầu tư đổi mới dây chuyền, công nghệ tạo cho sản phẩm của các chủ thể có chỗ đứng vững vàng hơn trong thị trường. Các cơ sở sản xuất không chỉ kinh doanh hiệu quả mà còn tạo công ăn việc làm cho một bộ phận lao động địa phương, trong đó có nhiều người cao tuổi.

 

 

Sản phẩm gắn sao OCOP đã giúp cho các chủ thể tự tin hơn khi phát triển thị trường, đồng thời cũng thúc đẩy, cổ vũ các cơ sở đổi mới để ngày càng phát triển.

 

Đánh giá về những chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất của các cơ sở sản xuất có sản phẩm đạt OCOP cũng như hoạt động sản xuất miến Làng So, ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội khẳng định, những năm qua, chính quyền và các ban ngành địa phương thường xuyên hướng dẫn người dân phát triển thương hiệu miến sạch Làng So. Các cơ quan chức năng định kỳ kiểm soát nguyên liệu đầu vào, đề xuất thành lập khu công nghiệp Tân Hòa để nhân dân sản xuất tập trung. Qua đó, nâng cao việc quản lý chất lượng, xử lý chất thải ổn định, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm; thường xuyên đổi mới quy trình sản xuất hiện đại an toàn và thân thiện môi trường; quan tâm nhiều hơn đến mẫu mã bao bì sản phẩm; chú trọng xây dựng hình ảnh, uy tín và thương hiệu sản phẩm; tăng cường liên kết, thúc đẩy xúc tiến thương mại; bước đầu hình thành văn hóa tổ chức sản xuất kinh doanh kịp thời theo những yêu cầu ngày càng cao của thị trường… Nhờ vậy, đặc sản Miến So ngày càng được người tiêu dùng trong và ngoài nước tin dùng…

 

Minh Ngọc

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang