Thứ Hai, 29/04/2024 08:20:27 GMT+7

Tin đăng lúc 08-08-2016

Lượt xem: 4218

Huyện Đông Giang, Quảng Nam: Khuyến công tạo “đòn bẩy” cho công nghiệp nông thôn miền núi phát triển

Thực hiện chính sách của Nhà nước trong việc khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT), trong đó đặc biệt ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), cơ sở CNNT, làng nghề truyền thống ở các huyện miền núi phát triển, giải quyết lao động tại địa phương, thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Quảng Nam (TTKC) đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động hiệu quả, tạo “đòn bẩy” cho các DN, cơ sở CNNT, làng nghề phát triển.
Huyện Đông Giang, Quảng Nam:  Khuyến công tạo “đòn bẩy” cho công nghiệp nông thôn miền núi phát triển
Nghề dệt thổ cẩm ở thôn Đhrôồng, xã Tà Lu

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện cho biết, Đông Giang là huyện miền núi nghèo, cơ sở hạ tầng thiếu và yếu, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) chậm phát triển nên nguồn kinh phí khuyến công còn hạn chế (kế hoạch kinh phí khuyến công năm 2016 của huyện chỉ có 236 triệu đồng). Nhờ được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, nên chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, đã có 3 đề án khuyến công được triển khai gồm: Hỗ trợ cơ sở CN-TTCN tham gia các hội chợ triển lãm; Hỗ trợ máy móc trang thiết bị bảo quản sản phẩm ớt A Riêu cho HTX Nông lâm nghiệp Ma Cooih; Hỗ trợ xây dựng và đăng ký thương hiệu sản phẩm cho các cơ sở SXKD phát triển CN-TTCN trên địa bàn, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho các đơn vị.

 

Là một trong những DN nhận được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công, Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Nông lâm nghiệp Quyết Thắng (xã Ba, Đông Giang) chia sẻ: Chúng tôi là DN chuyên trồng và sản xuất chè xanh. Để có thể cạnh tranh với các đơn vị cùng ngành nghề thì việc nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm là một trong những yêu cầu hàng đầu và quan trọng mà chúng tôi phải hướng tới. Tuy nhiên, để làm được điều này không phải là điều dễ dàng. Nhờ TTKC tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí cho việc đầu tư dây chuyền sản xuất chè xanh dạng hạt viên và xây dựng mô hình trình diễn phù hợp, Công ty đã có điều kiện mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm để tiếp cận với thị trường trong và ngoài tỉnh, nhưng quan trọng hơn là tạo ra công ăn việc làm ổn định, tăng thu nhập cho lao động địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào miền núi.

 

Không chỉ hỗ trợ các đơn vị đầu tư máy móc thiết bị, mà TTKC còn rất chú trọng vào việc hỗ trợ các Tổ hợp tác, làng nghề của huyện Đông Giang trong việc xây dựng thương hiệu, tập huấn, đào tạo nâng cao tay nghề cho ngươi lao động. TTKC đã phối hợp tổ chức các đợt tập huấn, đào tạo nâng cao tay nghề cắt may cho chị em thuộc Tổ hợp tác dệt thổ cẩm thôn Đhrôồng, trang bị một số máy may, máy vắt sổ cho chị em. Nhờ vậy, các thành viên tổ hợp tác có thể tạo ra hàng chục loại sản phẩm thổ cẩm với đầy đủ hoa văn, màu sắc, đường nét, kích cỡ khác nhau với chất lượng phù hợp nhu cầu tiêu dùng của khách hàng ở nhiều điểm du lịch tại các địa bàn ngoài huyện. Cùng với đó, năm 2015, mẫu nhãn hiệu “COTU YAYA DHROONG” của Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Đhrôồng cho 4 nhóm sản phẩm thổ cẩm truyền thống của người Cơ Tu cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể.

 

Phát huy những thành quả đã đạt được, trong sáu tháng cuối năm 2016, Đông Giang sẽ tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ các DN, cơ sở CNNT. Đặc biệt, sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm mang tính đặc trưng và có tiềm năng của địa phương, góp phần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, tránh tình trạng hàng nhái gây ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu./.

 

Quỳnh Anh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang