Thứ Ba, 07/05/2024 15:56:12 GMT+7

Tin đăng lúc 01-03-2024

Lượt xem: 225

Hút vốn FDI vào Bắc Trung Bộ

Trái ngược với bức tranh kinh tế không mấy sáng sủa năm 2023 là điểm sáng hiếm hoi đến từ thu hút FDI của các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ.
Hút vốn FDI vào Bắc Trung Bộ
Khu công nghiệp WHA IZ 1 tại Nghệ An có quy mô lớn và hiện đại tại Bắc Trung Bộ, kết nối các trung tâm sản xuất, chế tạo và phân phối phục vụ thị trường trong nước và quốc tế. Ảnh: Tuấn Anh

Năm 2023, dòng vốn FDI đến từ những “ông lớn” hàng đầu thế giới đồng loạt đổ vào Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… Điều này đã mở ra cơ hội lớn cho khu vực vốn dĩ được xem là “vùng trũng” của nền kinh tế.

 

Những số liệu “biết nói”

 

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế các dự án còn hiệu lực tính đến 20/12/2023, khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có 2.425 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 67,5 tỷ USD. Trong đó, Thanh Hóa, Hà Tĩnh đứng đầu khu vực với tổng vốn đầu tư đăng ký lần lượt là 15,074 tỷ USD và 12,087 tỷ USD.

 

Có thể điểm qua một số dự án có quy mô lớn, như: Tại tỉnh Thanh Hóa có nhà máy xi măng Nghi Sơn, lọc hóa dầu Nghi Sơn và các dự án của Tập đoàn Hong Fu… đi vào hoạt động và đã giải quyết hơn 70.000 lao động thường xuyên và hàng chục nghìn lao động khác.

 

Tỉnh Hà Tĩnh có Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa với tổng mức đầu tư đã điều chỉnh trên 12,7 tỷ USD; nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I với tổng mức đầu tư 1,595 tỷ USD; nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 với tổng mức đầu tư hơn 2,5 tỷ USD cùng hàng loạt dự án bến cảng thuộc cảng Vũng Áng...

 

Trong khi Nghệ An lại trở thành “ngôi sao” sáng trong thu hút vốn FDI trong năm 2023 khi dẫn đầu Bắc Trung Bộ với 19 dự án được cấp mới, 11 lượt dự án điều chỉnh cùng tổng số vốn đăng ký lên đến 1,6 tỷ USD, tăng 66,8% so với năm 2022. Kết quả này đã vượt xa so với kỳ vọng mà chính quyền địa phương đề ra hồi đầu năm để góp mặt vào Top 8 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về thu hút vốn FDI.

 

Để có được thành quả đáng tự hào trên, ông Nguyễn Đức Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An từng chia sẻ rằng, đó là do địa phương đã có sự chuẩn bị khá bài bản các nền tảng, hệ sinh thái để chào đón các nhà đầu tư, đặc biệt là thực hiện tốt phương châm “5 sẵn sàng” về: Quy hoạch; hạ tầng thiết yếu; mặt bằng đầu tư; nguồn nhân lực; hỗ trợ thủ tục cho nhà đầu tư, kịp thời giải quyết vướng mắc liên quan đến đầu tư.

 

“Thu hút được dòng vốn đầu tư lớn từ các nhà đầu tư FDI là kết quả thể hiện sự bứt phá của Nghệ An trong công tác thu hút đầu tư nói chung. Đồng thời, điều này cho thấy Nghệ An thực sự đã trở thành điểm đến tiềm năng và đáng tin cậy với doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài”, ông Nguyễn Đức Trung nói.

 

Kỳ vọng sẽ tiếp đà thăng hoa

 

Nhận định về công tác thu hút vốn FDI vùng Bắc Trung Bộ trong năm 2024, các chuyên gia kinh tế cho rằng, dòng tiền từ những tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia sẽ tiếp tục chảy mạnh vào một số địa phương có vị trí địa lý thuận lợi, mặt bằng tốt, nguồn lực dồi dào; cơ chế chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh cởi mở như Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.

 

Đơn cử tại Nghệ An, với mục tiêu tiếp tục lọt vào Top 10 địa phương thu hút FDI cao của cả nước đã cho thấy những tín hiệu vui, đầy tích cực ngay từ những ngày đầu năm 2024 khi có thêm 6 dự án FDI đăng ký đầu tư, với tổng số vốn 390 triệu USD; trong đó, chủ yếu là các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

 

Được biết, Nghệ An cũng đang gấp rút triển khai công tác giải phóng mặt bằng để thi công xây dựng KCN VSIP Nghệ An II, với diện tích 500ha trên địa bàn huyện Diễn Châu và KCN Hoàng Mai II, diện tích hơn 334ha ở thị xã Hoàng Mai để sẵn sàng quỹ đất sạch, đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

 

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng Nghệ An cũng cần thực hiện đồng bộ các hoạt động xúc tiến đầu tư bằng nhiều phương thức, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm; chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, tổ chức, đối tác trong và ngoài nước, các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, các nhà đầu tư hiện hữu để quảng bá tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư của tỉnh.

 

Ngoài ra, tỉnh cũng cần đề ra nhiệm vụ, tập trung đẩy mạnh hoạt động kết nối đầu tư với các nhà đầu tư từ thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,…; mở rộng thu hút các đối tác tiềm năng đến từ Mỹ, châu Âu; tranh thủ tối đa sự hỗ trợ từ các thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài, tổ chức xúc tiến đầu tư, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đóng tại Việt Nam…

 

Liên quan đến vấn đề này, trong khuôn khổ Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2023, xây dựng kế hoạch hoạt động năm 2024 của Hội đồng điều phối vùng diễn ra vào trung tuần tháng 1/2024 tại Nghệ An, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Thường trực của Hội đồng Điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ cũng đã nhấn mạnh rằng: Năm 2024, cơ hội thu hút đầu tư đối với các địa phương rất lớn, cần chủ động cụ thể hóa phương án quy hoạch, tạo mặt bằng sạch, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao,… để đón dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.

 

“Hội đồng Điều phối vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp các bộ, ngành hỗ trợ các địa phương trong thu hút các dự án phù hợp quy hoạch đã được phê duyệt” – ông Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

 

Theo Diendandoanhnghiep.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang