Thứ Sáu, 03/05/2024 23:26:53 GMT+7

Tin đăng lúc 14-08-2023

Lượt xem: 648

Hậu Giang: Thực hiện đề án nhóm “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến thực phẩm” mang lại hiệu quả tích cực

Hiện nay, công nghiệp chế biến thực phẩm là ngành công nghiệp quan trọng của tỉnh Hậu Giang. Đây là ngành có thế mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao và có tác động đến sự phát triển các ngành kinh tế khác, đặc biệt là thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Trong đó, sản xuất các sản phẩm từ gạo và thịt heo có nguồn nguyên liệu dồi dào của địa phương, đặc biệt là sản phẩm bún tươi và bún khô, pa tê, chả lụa… là loại thực phẩm phổ biến.
Hậu Giang: Thực hiện đề án nhóm “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến thực phẩm” mang lại hiệu quả tích cực
Nghiệm thu máy massage thịt hút chân không tại Cơ sở sản xuất chả lụa Thanh Tùng

Năm 2023, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại tỉnh Hậu Giang (Trung tâm) đã thực hiện đề án nhóm “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến thực phẩm” cho 3 đơn vị thụ hưởng với tổng kinh phí thực hiện hơn 2,434 tỉ đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 900 triệu đồng, còn lại hơn 1,534 tỉ đồng từ nguồn kinh phí đối ứng của các đơn vị.

 

Cơ sở sản xuất chả lụa Thanh Tùng (ở phường III, thành phố Vị Thanh) là một trong 03 đơn vị thực hiện đề án nhóm được Trung tâm hỗ trợ 300 triệu đồng trong tổng vốn 671 triệu đồng để đầu tư 01 máy massage thịt hút chân không với công suất 200kg/mẻ vào trong chế biến thực phẩm. Máy massage thịt hút chân không có chức năng tẩm ướp, trộn, đảo và massage một lượng thịt rất lớn trong khoảng thời gian ngắn. Bồn chứa thịt được làm bằng inox 304 dày 2mm không gỉ nên quá trình ướp các loại gia vị không gây ra hiện tượng ăn mòn kim loại, sản phẩm luôn đạt chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong quá trình tẩm ướp thịt trong bồn, đầu hút chân không hoạt động giúp sản phẩm thịt được tơi, xốp, mềm và ngấm đều gia vị, đạt chất lượng thịt theo yêu cầu sản xuất. Việc ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến giúp quá trình tẩm ướp thịt được khép kín, tránh được bụi bẩn so với việc phải thuê nhân công tẩm ướp và đảo trộn bằng phương pháp thủ công.

 

“Việc đầu tư máy massage thịt hút chân không đã giúp cơ sở nâng cao năng lực sản xuất, sản phẩm làm ra đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng đều về chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ, mở rộng sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tiết kiệm được chi phí thuê mướn nhân công, giúp cho cơ sở chủ động trong quá trình sản xuất và cung ứng nguồn sản phẩm chất lượng cao cho các đối tác kinh doanh, giải quyết việc làm ổn định cho trên 10 lao động trực tiếp tham gia sản xuất tại cơ sở”. Ông Thái Thanh Tùng, chủ cơ sở sản xuất chả lụa Thanh Tùng cho biết.

 

Cơ sở sản xuất thực phẩm Huỳnh Đức (tại thành phố Ngã Bảy) đã mạnh dạn đầu tư 01 máy sấy bún, hủ tiếu, bánh tráng sử dụng năng lượng mặt trời có công suất 3,1kW vào trong sản xuất thực phẩm từ 300 triệu đồng do nguồn vốn khuyến công quốc gia hỗ trợ. Trước đây, khi chưa có máy móc hiện đại, đơn vị phải thực hiện việc phơi, sấy sản phẩm phụ thuộc vào điều kiện thời tiết dẫn đến chất lượng và năng suất sản phẩm chưa cao. Từ khi cơ sở đầu tư máy sấy năng lượng mặt trời công suất lớn, quy trình sản xuất sản phẩm được cải thiện, rút ngắn được thời gian sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tối ưu sử dụng nguyên liệu, giảm giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, giải quyết việc làm ổn định cho trên 10 lao động nữ tại địa phương. Sau khi đầu tư máy sấy năng lượng mặt trời, cơ sở tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm dòng sản phẩm mới đó là sản phẩm bún khô giúp cơ sở mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Có thể thấy, việc xác định rõ đối tượng cũng như ngành nghề trọng điểm được ưu tiên hỗ trợ, cùng với đó là phân bổ nguồn lực hợp lý, công tác khuyến công của Hậu Giang đã và đang đạt được nhiều tín hiệu tốt. Nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ đã giúp các cơ sở sản xuất mạnh dạn đầu tư, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến thực phẩm đã giúp tăng hiệu quả sản xuất, tăng lợi nhuận cho cơ sở, bảo vệ môi trường, tạo việc làm ổn định cho lao động, góp phần phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cho địa phương. Nhiều cơ sở thụ hưởng có quy mô nhỏ, nguồn vốn hỗ trợ cũng không cao nhưng hiệu quả đạt được vượt mong đợi.

 

Thanh Trà


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang