Thứ Hai, 06/05/2024 18:10:13 GMT+7

Tin đăng lúc 16-03-2024

Lượt xem: 411

Hải Phòng: Thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực cảng biển, logistics với UAE

TP Hải Phòng mong muốn tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác để các doanh nghiệp, nhà đầu tư của UAE đến tìm hiểu, khảo sát môi trường đầu tư trong lĩnh vực cảng biển, logistics, năng lượng…
Hải Phòng: Thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực cảng biển, logistics với UAE
Lãnh đạo TP Hải Phòng làm việc với Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền UAE tại Việt Nam

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng khi giới thiệu về môi trường đầu tư kinh doanh của địa phương với đối tác thuộc Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE).

 

Theo ông Nguyễn Văn Tùng, TP Hải Phòng là thành phố đứng thứ 3 cả nước với lợi thế về vị trí địa lý, hệ thống giao thông phát triển đồng bộ. Trong đó, nổi bật là cảng quốc tế Lạch Huyện và sân bay quốc tế Cát Bi, KKT Đình Vũ – Cát Hải, khu du lịch Cát Bà, Đồ Sơn… Chỉ số GRDP mỗi năm của TP Hải Phòng giao động từ 10 - 13%, luôn luôn nằm trong tốp đầu cả nước. Những năm qua, TP Hải Phòng cũng tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế. Các nhà đầu tư đầu tư nước ngoài vào thành phố đều được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi. Trong lĩnh vực cảng biển, TP Hải Phòng đã đưa một số cảng biển nước sâu vào hoạt động và đang đầu tư vào lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa.

 

Được biết, hiện số vốn FDI “rót” vào TP Hải Phòng đã đạt 30 tỷ USD, với hơn 940 dự án đầu tư còn hiệu lực đến từ 42 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, Hải Phòng hiện chưa có nhiều quan hệ hợp tác với các đối tác, chưa có dự án đầu tư từ UAE. 

 

Tại cuộc làm việc mới đây giữa TP Hải Phòng với Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền UAE tại Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tùng đã đề nghị Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền UAE kết nối, thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, quảng bá hình ảnh của TP Hải Phòng để các doanh nghiệp, nhà đầu tư, địa phương của UAE đến tìm hiểu, khảo sát môi trường đầu tư trong lĩnh vực mà hai bên cùng có thế mạnh như cảng biển, logistics, năng lượng, tải chính, ngân hàng, xây dựng cơ sở hạ tầng, bất động sản, vận tải, nông nghiệp… Đồng thời, hỗ trợ thúc đẩy hợp tác xuất khẩu các sản phẩm của TP Hải Phòng sang thị trường UAE.

 

 

TP Hải Phòng mong muốn thúc đẩy hợp tác với UAE trong lĩnh vực cảng biển, logistics

 

Cũng theo ông Tùng, TP Hải Phòng luôn hoan nghênh và chào đón các nhà đầu tư UAE đến khảo sát, tìm hiểu môi trường đầu tư, tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển tại địa phương. Đồng thời, đề nghị, hai bên cử các đầu mối để đẩy mạnh kết nối thông tin, từ đó tiến tới triển khai các chương trình hợp tác thiết thực, hiệu quả…

 

Còn theo ông Bader Abdulla Almatrooshi - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền UAE tại Việt Nam cho biết, thời gian qua, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và UAE ngày càng phát triển tích cực, qua đó rộng mở cơ hội hợp tác giữa các đối tác của UAE với các địa phương của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Về phía TP Hải Phòng, địa phương này có nhiều tiềm năng cho đầu tư và hợp tác trong các lĩnh vực logistics, dầu khí, cảng biển và du lịch. Sau cuộc làm việc với TP Hải Phòng, đoàn sẽ kết nối với các đơn vị UAE có liên quan về các dự án của TP Hải Phòng như dự án về khu thương mại tự do và năng lượng tái tạo, để sớm thúc đẩy hợp tác thời gian tới…

 

Được biết, liên quan đến lĩnh vực cảng biển, logistics, Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ, Hải Phòng cần sớm trở thành thành phố công nghiệp gắn với cảng biển hiện đại, thông minh, bền vững. Thành phố chọn cảng biển-logistics là 1 trong 3 trụ cột phát triển kinh tế.

 

Còn theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, cảng biển Hải Phòng được xếp hạng Cảng biển đặc biệt (cùng cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu).

 

Đặc biệt, theo Quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đã xác định mục tiêu đến năm 2030, xây dựng, phát triển Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chuyển đổi số. Một trong ba nhiệm vụ trọng tâm phát triển Hải Phòng thời kỳ 2021-2030 được xác định là thành lập KKT ven biển phía Nam gắn với dịch vụ cảng biển và logistics. KKT này với diện tích quy hoạch dự kiến khoảng 20.000ha, được định hướng triển khai khu thương mại tự do, được ưu tiên phát triển các dự án khu, cụm công nghiệp, trung tâm logistics tầm cỡ quốc tế, các đô thị dọc theo tuyến đường bộ ven biển, tận dụng lợi thế của khu quy hoạch cảng Nam Đồ Sơn và cảng hàng không quốc tế tại huyện Tiên Lãng.

 

 

Các phương tiện vào làm hàng tại khu vực các bến cảng Hải Phòng

 

Hiện địa phương này đang khai nhiều dự án hạ tầng trọng điểm trong lĩnh vực cảng biển. Đồng thời triển khai xây dựng và hoàn thiện đề án thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng. Việc thành lập KKT mới là nhằm tranh thủ dư địa phát triển của KKT Đình Vũ – Cát Hải, đặc biệt trong bối cảnh làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ các nước vào Việt Nam. KKT ven biển phía Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối với các khu kinh tế lân cận, tạo thành chuỗi khu kinh tế ven biển, làm động lực phát triển của cả vùng. Đồng thời, tạo dư địa để thu hút thêm các nhà đầu tư FDI, trong đó có các nhà đầu tư đến từ UAE.

 

Theo BQL KKT Hải Phòng, KKT mới dự kiến gồm 6 khu vực phát triển KCN, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, chế biến chế tạo, tạo thành chuỗi cung ứng ven biển, kết nối trực tiếp với cảng Lạch Huyện, cảng Nam Đồ Sơn. Trong đó, nghiên cứu thành lập Khu thương mại tự do tại khu vực KCN Tiên Lãng 1. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển TP Hải Phòng trở thành động lực của cả vùng Đồng bằng sông Hồng.

 

Theo Diendandoanhnghiep.vn

 

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang