Thứ Sáu, 26/04/2024 10:11:40 GMT+7

Tin đăng lúc 21-02-2023

Lượt xem: 933

Hải Phòng – Quảng Ninh: Tăng cường liên kết vùng

Quảng Ninh - Hải Phòng nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Thời gian qua 2 địa phương đã tăng cường hiệu quả hợp tác liên kết vùng, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội của các vùng lân cận.
Hải Phòng – Quảng Ninh: Tăng cường liên kết vùng
Phối cảnh Dự án Xây dựng cầu Lại Xuân kết nối thúc đẩy phát triển cân bằng giữa 02 vùng

Từ kết nối giao thông

 

Theo ông Nguyễn Đức Thọ - PCT UBND TP Hải Phòng: Ngày 25/01/2014, Thủ tướng Chính phủ  đã ban hành Quyết định số 198 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định: "Xây dựng Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ trở thành một trong các vùng dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, nòng cốt tiên phong trong thực hiện các đột phá chiến lược, thực hiện tái cấu trúc kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa".

 

Được xác định vai trò là hạt nhân, là cực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Từ năm 2009, Ban Thường vụ tỉnh ủy Quảng Ninh và Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã ký kết các chương trình hợp tác, phát triển toàn diện giữa 02 địa phương để cùng tạo ra những bước phát triển mang tính đột phá, góp phần quan trọng trong phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

 

Để triển khai chương trình hợp tác trên, trong thời gian qua, thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh đã triển khai một số dự án giao thông mang tính liên kết vùng như: (1) Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; (2) Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10, đoạn từ cầu Đá Bạc đến Cầu Kiền; (3) Dự án đầu tư xây dựng cầu Bến Rừng nối huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng và thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh và một số dự án khác…

 

Được biết, Quảng Ninh - Hải Phòng trước năm 2018 được kết nối với nhau bằng tuyến giao thông đường bộ độc đạo là Quốc lộ 10 cùng 2 tuyến phà là Rừng và Lại Xuân. Tuy nhiên tuyến này chỉ có 2 làn xe trong khi lưu lượng phương tiện ngày càng tăng, để di chuyển từ Hạ Long hay Đông Triều đến Hải Phòng trên quãng đường khoảng 70km mất khoảng 2-3 giờ đồng hồ. Trong khi đó, 2 tuyến phà là Rừng và Lại Xuân cũng tốn thời gian không kém. Vì thế chưa phát huy tốt hiệu quả lợi thế của 2 địa phương.

 

Cuối năm 2018 khi cao tốc Hạ Long - Hải Phòng hoàn thành, đưa vào khai thác, việc kết nối giữa Quảng Ninh - Hải Phòng đã được cải thiện đáng kể, rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại giữa 2 khu vực. Có điều, theo quy hoạch phát triển đô thị đến năm 2030, cùng với TP Uông Bí, khu vực phía Tây Quảng Ninh sẽ có thêm 2 thành phố là Đông Triều và Quảng Yên. Trong khi bên kia bờ sông, huyện Thủy Nguyên cũng đang hoàn thiện hồ sơ thành lập thành phố Thủy Nguyên theo mô hình thành phố trong thành phố. Như vậy, dù chỉ cách bởi một con sông, nhưng thời gian và quãng đường di chuyển các địa phương phía Tây của Quảng Ninh với Thủy Nguyên, Hải Phòng vẫn là khá khó khăn. Và điều này càng cản trở khi đây đang được xác định là 2 khu vực trọng điểm về tăng trưởng kinh tế với các KCN, CCN, chuỗi đô thị đang hình thành rất nhanh.

 

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh: Nhằm đón đầu cơ hội phát triển mới, xác định rõ nhiệm vụ liên kết hợp tác, liên kết vùng là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển, cụ thể hóa các chương trình hợp tác giữa BTV Tỉnh uỷ Quảng Ninh và BTV Thành uỷ Hải Phòng, tháng 5/2022, hành lang đường bộ thứ 3 của Quảng Ninh - Hải Phòng là dự án Cầu Bến Rừng nối TX Quảng Yên với huyện Thủy Nguyên qua sông Đá Bạch đã được đầu tư xây dựng với tổng vốn gần 2.000 tỷ đồng, từ ngân sách Trung ương, ngân sách TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, cầu Bến Rừng có chiều dài 1.865,3m, rộng 21,5m, cầu chính gồm 4 nhịp... Đến nay, công trình đã thi công đạt trên 30% tổng khối lượng và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023.

 

Để kết nối Đông Triều với Thủy Nguyên, đầu tháng 2 vừa qua, Quảng Ninh và Hải Phòng tiếp tục khởi công dự án hành lang đường bộ thứ 4 là Lại Xuân với chiều dài cầu 840m, rộng 12m và đường dẫn với tổng vốn đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong 20 tháng, xong trong năm 2024. Hiện Quảng Ninh cũng đang đẩy mạnh triển khai dự án Đường ven sông tốc độ cao kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều và sẽ đấu nối vào các hành lang giao thông này, phối hợp với tỉnh Hải Dương để nối dài tới TP Chí Linh.  

 

...đến tăng cường tính liên kết vùng

 

Để tăng cường tính liên kết vùng theo Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hải Phòng – Quảng Ninh sẽ hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ; phát huy các lợi thế, tiềm năng, thế mạnh và tăng khả năng liên kết, thúc đẩy phát triển cân bằng giữa 02 vùng; thúc đẩy liên kết với các khu vực xung quanh để phát triển kinh tế, hạ tầng đảm bảo sự bền vững, hài hòa với môi trường; nâng cao sức hấp dẫn, tính cạnh tranh và tạo ra thương hiệu trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

 

Được biết, đến năm 2024 Quảng Ninh và Hải Phòng sẽ có 4 hành lang giao thông đường bộ, kết nối đồng bộ hầu khắp các khu vực liền kề; góp phần nâng cao năng lực phục vụ về giao thông, tạo hệ thống kết nối giao thông liên vùng, đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải giữa các KCN, CCN và chuỗi đô thị đang hình thành; phát huy dư địa đất đai, mở rộng không gian phát triển mới, kiến tạo cảnh quan - kiến trúc công trình mang dấu ấn bản sắc địa phương để phục vụ cho phát triển du lịch.

 

Cùng với hệ thống đường thủy nội địa, đường biển sẽ tạo thành một hệ thống giao thông liên hoàn tạo lực đẩy cho phát triển cộng sinh trong giao thương hàng hóa, trong cung ứng nguồn nhân lực của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đồng thời, thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân 2 địa phương, nhất là nhân dân các huyện, thị xã nơi dự án đi qua; thúc đẩy phát triển cân bằng giữa 2 vùng; nâng cao sức hấp dẫn, tính cạnh tranh và tạo ra thương hiệu trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước.

 

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh: Phát triển vùng, liên kết vùng đã được đề cập nhiều trong Nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng. Đặc biệt tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh xây dựng quy hoạch và tổ chức không gian phát triển của quốc gia, của các vùng một cách hợp lý để phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, mỗi địa phương, tạo điều kiện tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới. Từ quan điểm này và dựa trên thực tế địa phương, thời gian qua Quảng Ninh đã tăng cường thúc đẩy, khai thác hiệu quả hợp tác liên kết vùng, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các vùng lân cận.

 

Cụ thể mới đây tỉnh Quảng Ninh cùng với các địa phương (Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên) ký cam kết hình thành trục cao tốc phía Đông (từ trục cao tốc dọc tỉnh dài 176km nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) hình thành chuỗi kinh tế liên kết có diện tích gấp 3 lần Thủ đô Hà Nội, 5 lần TP Hồ Chí Minh, 8 lần TP Đà Nẵng. Đây là sáng kiến hoàn toàn mới, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh liên kết vùng.

 

Trong đó, Quảng Ninh đóng vai trò là trung tâm kết nối khi sở hữu gần 2/3 trục cao tốc từ TP Hà Nội đến Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Giai đoạn 2022-2025, 4 tỉnh, thành phố đặt mục tiêu các chỉ số về tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp cao hơn mức trung bình cả nước, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước; cải thiện, giữ vị trí trong nhóm dẫn đầu cả nước về môi trường kinh doanh thuận lợi; phấn đấu mỗi năm có ít nhất 4 hoạt động chung cấp vùng; kết nối, phát triển cộng đồng doanh nghiệp với quy mô hơn 100.000 doanh nghiệp vào năm 2025.

 

Tham gia chuỗi kinh tế liên kết với vai trò là trung tâm kết nối, Quảng Ninh với thế mạnh về tài nguyên du lịch, dịch vụ, chuỗi sản xuất - thương mại, hạ tầng giao thông đồng bộ gắn với thị trường Trung Quốc... là cầu nối với TP Hải Phòng có lợi về hệ thống cảng biển và logistics... Từ đó hình thành cơ sở dữ liệu chung về hạ tầng giao thông, hệ thống các KCN, chuỗi sản xuất và cung ứng đồng bộ, cơ hội cùng lôi kéo các địa phương trong khu vực cùng phát triển, tăng tốc và bứt phá bằng các hoạt động cụ thể, đem lại hiệu quả thiết thực.

 

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI, chia sẻ về vấn đề này: Đây là liên kết kinh tế mạnh, góp phần tạo nên không gian và tầm nhìn mới về phát triển kinh tế, có quy mô lớn, nhiều tiềm năng, lợi thế, tạo thuận lợi thúc đẩy sự phát triển, hình thành ra cực tăng trưởng khu vực phía Bắc. Bên cạnh đó, chuỗi liên kết sẽ giải quyết những thách thức cấp vùng trong phát triển kinh tế, tạo nên sự thịnh vượng chung. Điều này phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và hành động của Chính phủ.

 

Theo DiendanDN


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang