Thứ Sáu, 26/04/2024 23:26:36 GMT+7

Tin đăng lúc 06-04-2020

Lượt xem: 1398

Hải Dương: Để ngành CNHT tạo bước đột phá

Hải Dương là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, được đánh giá là tỉnh có nền kinh tế năng động. Những năm qua, tỉnh đã xác định phát triển công nghiệp là hướng đi chủ đạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc đầu tư phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT).
Hải Dương: Để ngành CNHT tạo bước đột phá
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương, Samsung Việt Nam và UBND tỉnh Hải Dương về phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh

Hiện nay, toàn tỉnh có gần 15.000 DN trong nước đang hoạt động với số vốn đăng ký trên 164.000 tỷ đồng. Trong đó có khoảng 130 DN CNHT đang hoạt động, tập trung trong 3 lĩnh vực chủ yếu là cơ khí chế tạo, điện - điện tử và dệt may - da giày. Các sản phẩm CNHT đã cơ bản góp phần phục vụ nhu cầu sản xuất công nghiệp trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Để thu hút đầu tư vào lĩnh vực CNHT, UBND tỉnh Hải Dương ban hành Quy hoạch Phát triển CNHT tỉnh Hải Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020, đưa CNHT của tỉnh trở thành ngành công nghiệp phát triển hiện đại, tham gia vào sản xuất và cung cấp các linh kiện, phụ tùng… cho các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh và khu vực lân cận và phấn đấu trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia trong năm 2030.

 

Để thực hiện kế hoạch đó, UBND tỉnh Hải Dương đã có nhiều chính sách cụ thể hóa hoạt động trong ngành CNHT. Một trong những bước đi được nhận định là đột phá, tạo cú hích cho phát triển CNHT của tỉnh là sáng kiến phối hợp với Bộ Công thương, Tập đoàn Samsung tổ chức chương trình tư vấn hỗ trợ DN CNHT trong tháng 2 vừa qua. Thông qua chương trình, nhiều kế hoạch, chỉ đạo đã được đưa ra nhằm phát triển ngành CNHT cả nước nói chung và tại Hải Dương nói riêng. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào CNHT, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài vào DN tại địa phương, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), xây dựng hình ảnh Hải Dương năng động, hấp dẫn, nỗ lực đột phá, tạo sức cạnh tranh…

 

Theo Ông Phạm Thanh Hải - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho biết: “Tỉnh Hải Dương đang có những lợi thế nhất định trong thu hút sản xuất CNHT một cách có chọn lọc so với các tỉnh khác. Ngành CNHT Hải Dương đã hình thành khá rõ nét trong 3 lĩnh vực: Cơ khí chế tạo, điện - điện tử, dệt may - da giày. Mặc dù sản lượng chưa đáp ứng hoàn toàn nhu cầu, nhưng đã góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp này, đồng thời phục vụ sản xuất của các ngành công nghiệp chủ lực trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung”.

 

Thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển, ngành CNHT tỉnh Hải Dương đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Trong giai đoạn 2015 – 2019, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của 3 lĩnh vực sản xuất CNHT tỉnh bình quân đạt trên 15,4%/năm. Đặc biệt, trong năm 2019, tỷ trọng giá trị sản xuất CNHT chiếm gần 60% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp.

 

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục phát huy hết công suất các dự án đầu tư giai đoạn trước đồng thời đầu tư kêu gọi các dự án mới; Chú trọng thu hút đầu tư, sản xuất linh kiện cơ khí phục vụ ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô, xe máy; Các nhà máy sản xuất linh kiện, cụm linh kiện điện - điện tử cho các thiết bị điện tử gia dụng, thiết bị nghe nhìn, thiết bị ngoại vi; Sản xuất nguyên phụ liệu thay thế cho hàng nhập khẩu trong ngành dệt may, da – giày… hướng tới mục tiêu phát triển CNHT với giá trị sản xuất CNHT năm 2020 đạt 39.202 tỷ đồng và 132.317 tỷ đồng vào năm 2030.

 

Bích Ngọc


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang