Thứ Hai, 29/04/2024 20:01:59 GMT+7

Tin đăng lúc 19-10-2023

Lượt xem: 1158

Hải Dương với mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp công nghệ cao

Nằm trong khu vực của tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và trên trục cao tốc phía đông Hà Nội - Quảng Ninh, tỉnh Hải Dương có rất nhiều tiềm năng cho phát triển công nghiệp. Nhằm mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng, Hải Dương đã và đang khẳng định năng lực thu hút nguồn vốn lớn cả trong và ngoài nước vào các khu công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp công nghệ cao...
Hải Dương với mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp công nghệ cao
Hải Dương định hướng sẽ phát triển một số ngành công nghiệp tiềm năng như: công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao

Nhiều doanh nghiệp công nghệ cao tìm cơ hội đầu tư

 

Năm 2022, Công ty CP đầu tư Quảng Hưng và Công ty TNHH Tư vấn kỹ thuật Sinotech (Đài Loan) ký thoả thuận hợp tác đầu tư vào KCN Công nghệ cao và khu đô thị dịch vụ tại TP.Chí Linh.

 

Theo đó, hai doanh nghiệp mong muốn được nghiên cứu quy hoạch Khu công nghiệp Công nghệ cao Chí Linh 1, TP.Chí Linh, tỉnh Hải Dương với quy mô khoảng 325 ha. Mục đích là xây dựng khu kinh tế - kỹ thuật đa chức năng, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ cao (CNC), đào tạo nhân lực CNC và sản xuất, kinh doanh sản phẩm CNC.

 

Dự án khi hình thành sẽ thu hút các ngành nghề sản xuất sạch trong và ngoài nước, như sản xuất, nghiên cứu, lắp ráp modul đèn nền LCD và máy chiếu, sản xuất linh kiện điện tử, bo mạch nhiều tầng; thiết kế và sản xuất khuôn mẫu chính cho ứng dụng quang điện tử, công nghệ thông tin và truyền thông; sản xuất máy biến áp, bộ lọc và cuộn cảm; bảng mạch, linh kiện chính xác cho các thiết bị quang điện tử, viễn thông, ô tô, máy tính, điện thoại thông minh...

 

Mới đây, tỉnh Hải Dương cũng vừa có buổi làm việc với Công ty CP Tập đoàn Thành Công về đề xuất đầu tư tổ hợp sản xuất cơ khí chế tạo và lắp ráp tổng thành cho ngành cơ khí, phụ trợ, linh kiện ô tô và công nghiệp khác tại KCN Lai Vu, với tổng mức đầu tư dự kiến 94,3 triệu USD.

 

Theo đó, doanh nghiệp này đề xuất xây dựng tổ hợp sản xuất cơ khí chế tạo và lắp ráp tổng thành cho ngành cơ khí, phụ trợ, linh kiện ô tô và công nghiệp khác, bao gồm trung tâm nghiên cứu và phát triển, có sản phẩm chủ yếu là các chi tiết cơ khí thân vỏ ô tô, linh kiện điện tử, hệ thống ghế ngồi trang bị trên xe. Công suất thiết kế đạt quy mô tương đương 200.000 xe ô tô/năm, có định hướng xuất khẩu sang nhiều nước trong khu vực. Công nghệ sản xuất các sản phẩm cơ khí được chuyển giao từ các đối tác như Hàn Quốc và nhiều quốc gia trong khối G7, do đó bảo đảm tính đồng bộ, tiên tiến, phù hợp với nhu cầu sản xuất xe trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, bảo đảm quy trình sản xuất hiện đại, hướng tới sản xuất xanh, không rác thải, không gây ô nhiễm môi trường.

 

Hiện tại, xung quanh tỉnh Hải Dương cũng đã có nhiều các doanh nghiệp lắp ráp lớn đang hoạt động như Samsung, Microsoft… là tiềm năng cho ngành CNHT, công nghiệp CNC của tỉnh phát triển trong giai đoạn tới, một số nhà đầu tư nước ngoài như Foxcom, Powe Solar, Sun Group, TH, T&T.. đã và đang nghiên cứu đầu tư vào Hải Dương với ý tưởng đầu tư lớn. Đây là hạt nhân để phát triển công nghiệp của tỉnh từng bước đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

 

Phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp công nghệ cao

 

Theo quyết định phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp CNC, công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Hải Dương đặt mục tiêu có khoảng 340 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp công nghiệp CNC, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, các doanh nghiệp lắp ráp lớn mang lại giá trị kinh tế cao; đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 580 doanh nghiệp.

 

Theo đó, mục tiêu của Đề án đưa ra: Phát triển công nghiệp CNC, công nghiệp công nghệ tiên tiến, công nghiệp công nghệ mới, công nghiệp công nghệ sạch, công nghiệp hỗ trợ để góp phần đảm bảo thực hiện mục tiêu đến năm 2025, Hải Dương cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

 

Đề án cũng ưu tiên thu hút các doanh nghiệp CNC, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, doanh nghiệp lắp ráp lớn để dẫn dắt phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, làm nền tảng bước đầu tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó:

 

Đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ: Hải Dương ưu tiên thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên thu hút đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh Hải Dương, như: các loại khuôn mẫu có độ chính xác cao; các loại chi tiết cơ khí tiêu chuẩn chất lượng cao dùng cho các thiết bị điện tử, cơ điện tử, rô bốt công nghiệp; các loại linh kiện điện tử, mạch vi điện tử để phát triển các thiết bị điều khiển; cảm biến các loại; các loại động cơ thế hệ mới…

 

Đối với công nghiệp CNC: Tỉnh Hải Dương ưu tiên thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất theo Danh mục công nghệ cao ưu tiên thu hút đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh Hải Dương và Danh mục sản phẩm CNC khuyến khích thu hút đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh Hải Dương  và các doanh nghiệp công nghiệp CNC, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, các doanh nghiệp lắp ráp lớn mang lại giá trị kinh tế cao, như: công nghệ rô-bốt, vật liệu tiên tiến, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, dữ liệu lớn, chuỗi khối...

 

Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Hải Dương có khoảng 340 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp công nghiệp CNC, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, các doanh nghiệp lắp ráp lớn mang lại giá trị kinh tế cao; đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 580 doanh nghiệp.

 

Đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp của công nghiệp CNC, công nghiệp công nghệ tiên tiến, công nghiệp công nghệ mới, công nghiệp công nghệ sạch, công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 35% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp; đến năm 2030, chiếm khoảng 45% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp.

 

Tỉnh cũng đặt mục tiêu tới năm 2050, Hải Dương sẽ trở thành tỉnh công nghiệp CNC, thông minh và bền vững, tận dụng vị trí chiến lược, liên kết vùng và ứng dụng khoa học và công nghệ cao, trở thành trục động lực của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ để hiện thực hóa tầm nhìn trên, Hải Dương sẽ tập trung vào 4 trụ cột chính.

 

Trước hết, tập trung mở rộng và nâng cao chuỗi giá trị, tận dụng liên kết vùng cho các ngành công nghiệp chủ lực, nâng cao và mở rộng chuỗi giá trị các ngành thế mạnh và mũi nhọn của tỉnh như ngành điện, điện tử, cơ khí luyện kim… dựa trên liên kết vùng và thu hút doanh nghiệp FDI lớn.

 

Thứ hai, xây dựng năng lực cạnh tranh chiến lược, tiến tới phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng trong tương lai. Tỉnh sẽ mở rộng các ngành công nghiệp với giá trị gia tăng cao như hóa chất, hóa dược, công nghiệp CNC và công nghiệp hỗ trợ. Tập trung nghiên cứu và phát triển các sản phẩm cao cấp, độc quyền, có tỷ lệ nội địa hóa cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, đặc biệt tới các thị trường khắt khe như EU, Mỹ, Nhật Bản.

 

Thứ ba, duy trì và tái cơ cấu các ngành công nghiệp giá trị sản xuất nhỏ, chỉ duy trì, dừng đầu tư và phát triển thêm các ngành công nghiệp giá trị thấp và ảnh hưởng môi trường như sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, da giày, công nghiệp khai khoáng.

 

Cuối cùng, tỉnh Hải Dương quyết tâm xây dựng địa phương thành trục công nghiệp động lực cho vùng Đồng bằng sông Hồng với khu công nghiệp chuyên biệt CNC, hiện đại và lõi trung tâm đổi mới sáng tạo. Với quỹ đất cho khu công nghiệp ít, tỉnh tập trung phát triển khu công nghiệp chuyên biệt CNC, khu công nghiệp đô thị dịch vụ và khu công nghiệp sinh thái với trung tâm đổi mới sáng tạo, cùng các cụm công nghiệp với hạ tầng hiện đại.

 

Theo ông Lưu Văn Bản – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, Hải Dương sẵn sàng mời gọi và tạo điều kiện tối đa cho các dự án CNC, thân thiện với môi trường. Hải Dương có nhiều trường đào tạo nghề chất lượng, tạo nền tảng để tỉnh thực hiện các chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.

 

Trường Phạm


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang