Thứ Sáu, 03/05/2024 07:12:10 GMT+7

Tin đăng lúc 06-07-2023

Lượt xem: 1725

Gỡ thế khó cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí Việt Nam

Lĩnh vực cơ khí, máy móc và thiết bị là một trong bốn ngành công nghiệp trọng yếu, chiếm tỉ trọng 25,6%. Tuy đạt được nhiều kết quả quan trọng song có thể nói các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực công nghiệp cơ khí Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, nhân lực, chi phí sản xuất cũng như mối liên kết trong ngành.
Gỡ thế khó cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí Việt Nam
Phát triển ngành cơ khí sẽ mang lại xung lực lớn cho ngành CNHT

Mỗi năm, doanh thu từ các gói sản xuất giàn khoan của Việt Nam lên đến hàng trăm triệu USD. Đây là một trong những hạng mục cơ khí phức tạp, đòi hỏi trình độ và sự chính xác cao, nhưng các DN Việt Nam thường xuyên trúng thầu các gói sản xuất gian khoan với Brunei. Điều đó cho thấy, khả năng và tiềm lực của công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngành cơ khí Việt Nam là rất khả quan. Dư địa thì lớn nhưng vấn đề là làm thế nào để các DN cơ khí Việt Nam không chỉ nắm vững thị trường 100 triệu dân trong nước, mà còn xuất khẩu các sản phẩm cơ khí vươn ra thị trường quốc tế.

 

Trong một dự báo được Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) công bố, tổng nhu cầu thị trường cơ khí của Việt Nam từ nay đến năm 2030 có thể đạt hơn 300 tỷ USD. Nhưng hiện nay ngành Cơ khí Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng gần 1/3 nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước. Với khoảng 25.000 DN cơ khí đang hoạt động, chiếm gần 30% tổng số DN công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam, ngành Cơ khí trong nước đã từng bước làm chủ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; tạo động lực thúc đẩy các ngành Công nghiệp và kinh tế khác phát triển, qua đó trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động.

 

Điểm sáng lớn nhất của ngành Cơ khí có lẽ là chế tạo thiết bị điện. Việt Nam đã dần làm chủ được những thiết bị điện có hàm lượng công nghệ cao nhờ cơ chế đặt hàng của Chính phủ. Với việc sản xuất thành công máy biến áp 220 kV-250 MVA; máy biến áp 500 kV, đặc biệt là máy biến áp nguồn 3 pha 500 kV-467 MVA (dòng máy siêu cao áp công suất lớn rất ít nước trên thế giới có công nghệ chế tạo), đưa vào vận hành an toàn đã khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của ngành Cơ khí điện Việt Nam. Trong tương lai, Việt Nam cũng có kế hoạch bỏ ra hàng trăm tỷ USD cho cơ sở hạ tầng từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây cũng chính là cơ hội cho các DN cơ khí Việt Nam tham gia sâu vào các gói thầu, làm chủ công nghệ. Bởi vậy, có thể thấy dư địa cho CNHT cơ khí là rất lớn. Vấn đề chủ yếu nằm ở việc các DN có nắm bắt, tận dụng được thời cơ để chuyển mình hay không.

 

Hiện nay, cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở ba phân ngành chính, gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; ô tô và phụ tùng ô tô. Theo Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam, mặc dù, nhiều DN Việt Nam có năng lực tốt tại một số lĩnh vực như khuôn mẫu các loại, linh kiện cơ khí, dây cáp điện, linh kiện nhựa... song chất lượng sản phẩm CNHT của một số DN trong nước vẫn còn thấp, giá thành cao, nên thiếu sức cạnh tranh.

 

Cần nhiều giải pháp vượt khó cho DN

 

Theo một thống kê của Bộ Công Thương, trong khoảng 1.800 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện của Việt Nam, chỉ có khoảng hơn 300 DN tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Trong đó, tỷ lệ sản xuất sử dụng cho DN nội địa là 10 - 20%. Đây là con số đáng buồn khi so với các nước như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, bởi có khoảng 60 - 70% phụ tùng, linh kiện tại các quốc gia này là do DN trong nước sản xuất.

 

Lý giải cho thực trạng này, các chuyên gia cho biết, nhiều DN Việt Nam có công nghệ nền lạc hậu và chưa có nhiều kinh nghiệm phát triển CNHT. Ngoài ra, với thị trường nhỏ, chưa đủ quy mô sản xuất, giá thành cao, sức cạnh tranh thấp, nên thương hiệu và thị phần của CNHT Việt Nam còn nhiều hạn chế. Các sản phẩm CNHT trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Các sản phẩm CNHT có hàm lượng công nghệ cao vẫn chủ yếu do các DN FDI cung cấp.

 

 

Doanh nghiệp chưa mặn mà với sản xuất trong nước 

 

Giá thành và chi phí quá cao khiến các DN không mấy mặn mà với việc sản xuất trong nước. Bởi vậy, vấn đề phát triển CNHT đòi hỏi bàn tay của Nhà nước với các chiến lược mang tầm quốc gia. Việt Nam cần có các cơ chế chính sách ưu đãi, hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước, thậm chí là bắt buộc sản xuất các sản phẩm tại Việt Nam. Từ đó DN mới có thể tăng quy mô, hạ giá thành, cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu.

 

Theo một số chuyên gia, Việt Nam nên có những quy định tỷ lệ khối lượng và giá trị dự án để dành cho DN cơ khí nội địa tham gia như thông lệ quốc tế. Điều này giúp khuyến khích DN trong nước nhận chuyển giao công nghệ để tự làm, DN cơ khí trong nước cũng cần chuyển mình mạnh mẽ để đón nhận những cơ hội từ thị trường.

 

Nhìn chung, các DN chế biến, chế tạo và CNHT còn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động đáp ứng các yêu cầu của DN, đặc biệt là lao động tay nghề cao. Trình độ của đội ngũ quản lý, lãnh đạo DN CNHT của Việt Nam còn hạn chế, trong khi đây là nhân tố quyết định đường lối, chiến lược kinh doanh và cách thức vận hành DN, khả năng chấp nhận rủi ro để thực thi các điều chỉnh, cải cách thông qua đầu tư, đổi mới công nghệ, cách thức quản lý...

 

Tại Việt Nam cũng đã có những DN tiên phong phát triển CNHT như Công ty Tập đoàn Công nghiệp Trường Hải - Thaco Industries (Tập đoàn thành viên của Thaco) tại Khu công nghiệp Thaco Chu Lai, Quảng Nam. Thaco Industries sản xuất rất nhiều sản phẩm cơ khí phục vụ cuộc sống như máy móc nông nghiệp, đường ống cấp thoát nước, bồn chứa nước, linh kiện và phụ tùng ô tô... Những sản phẩm đó đã giúp Thaco Industries đạt doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm và tăng trưởng liên tục trong các năm gần đây. Điều này chứng tỏ tiềm năng của ngành Công nghiệp cơ khí Việt Nam còn rất lớn, có thể phục vụ mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội.

 

Anh Minh

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang