Thứ Hai, 29/04/2024 18:44:35 GMT+7

Tin đăng lúc 18-09-2023

Lượt xem: 1119

Giải pháp tạo động lực phát triển ngành Cơ khí Việt Nam

Cơ khí là một ngành đầy tiềm năng của Việt Nam song đến nay mới chỉ đáp ứng khoảng gần 1/3 nhu cầu trong nước. Theo dự báo, tổng nhu cầu thị trường cơ khí của Việt Nam từ nay đến năm 2030 có thể đạt hơn 300 tỷ USD. Thúc đẩy mạnh chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam được xác định chính là nhiệm vụ hàng đầu lúc này.
Giải pháp tạo động lực phát triển ngành Cơ khí Việt Nam
Cơ khí Việt Nam cần nhiều giải pháp đồng bộ để tận dụng dư địa

Đơn cử như Công ty CP Thiết bị điện MBT luôn phải nhập khẩu 100% nguyên liệu chính từ nước ngoài. Ông Lê Lam, Phó Tổng Giám đốc phụ trách sản xuất của MBT cho biết: “Giá một con ốc-vít mà doanh nghiệp (DN) Việt Nam sản xuất có thể chỉ 1.000 đồng nhưng chúng tôi vẫn phải chi 1,5USD/sản phẩm để mua từ nước ngoài”. Điều này khiến DN đối diện nhiều khó khăn do phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Nhiều khi phải chờ nguyên liệu 2, 3 tháng mới có, trong khi thời hạn giao hàng của DN cận kề, đôi khi phải xin hoãn, gia hạn thời gian giao hàng.

 

Chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu chiếm hơn 50% tổng chi phí nên lợi nhuận chỉ đạt 5% doanh thu. Đó là chưa kể lúc giá cả tăng cao, ảnh hưởng dịch bệnh thì lợi nhuận chỉ là 2%. Hiện thu nhập bình quân của công nhân chỉ tầm 10 triệu đồng/tháng. Điều đó khiến chảy máu chất xám trở thành một điều đáng lo ngại thực sự đối với DN.

 

Đại diện Công ty cho biết, dù đã cố gắng liên hệ với các nhà cung cấp trong nước, nhưng chất lượng vẫn không đáp ứng yêu cầu. Vậy nên bài toán “con gà – quả trứng” vẫn chưa thể tìm ra được lời giải. Mục tiêu lớn nhất hiện nay mà MBT theo đuổi là tăng trưởng doanh thu ít nhất 20% và cố gắng mua được nguyên liệu trong nước để tăng lợi nhuận.

 

Ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN ngành CNHT (CNHT) TP Hà Nội (HANSIBA) đánh giá, những công ty như MBT còn nhiều dư địa phát triển nếu các DN CNHT có thể kết nối được với nhau để cung cấp nguyên liệu, nhân lực. Ông Vân chia sẻ: “Hiện không ít DN CNHT nhỏ và vừa đã đẩy mạnh đầu tư công nghệ, thiết bị để đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao. Vấn đề là các DN này chưa kết nối được với nhau nên cần sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước”.

 

Không thể phủ nhận rằng, thời gian qua, một số sản phẩm cơ khí Việt Nam đã đạt chất lượng tốt, tương đương với chất lượng sản phẩm của một số quốc gia trong khu vực. Hiện DN sản xuất linh kiện ngành Cơ khí trong nước có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như: Khuôn mẫu các loại, linh kiện cơ khí, dây cáp điện, linh kiện nhựa, cao su kỹ thuật... Do nhu cầu của thị trường CNHT rất lớn nên nhiều DN đã mạnh dạn đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất, chú trọng phát triển các dòng sản phẩm chất lượng, phục vụ DN đầu tư trực tiếp nước ngoài, hướng vào xuất khẩu sản phẩm cơ khí.

 

Dù đạt được những thành công, song CNHT ngành Cơ khí của Việt Nam nhìn chung vẫn chưa phát huy đúng với tiềm năng. Hiện có trên 500 DN sản xuất các loại linh kiện kim loại cung ứng cho các ngành hạ nguồn, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong số hơn 7.000 DN cơ khí của cả nước. Chất lượng sản phẩm CNHT ngành Cơ khí của một số DN trong nước hiện vẫn còn thấp, giá thành sản xuất lại cao nên thiếu sức cạnh tranh. Ngoài ra, Việt Nam cũng thiếu nhiều DN cơ khí lớn, mang tầm quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt.  

 

Không chỉ cần thúc đẩy sản xuất cơ khí để phục vụ thị trường trong nước, mà ở một khía cạnh khác, theo Bộ Công Thương, việc xuất khẩu sản phẩm cơ khí đóng vai trò rất quan trọng cho sản xuất trong nước, đặc biệt là chiến lược phát triển công nghiệp tầm nhìn 2035, xuất khẩu sẽ chiếm 40% tổng sản lượng ngành Cơ khí vào năm 2030, đến năm 2035 đạt 45%... Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, xuất khẩu các sản phẩm cơ khí hiện tại, đặc biệt là sản phẩm do DN trong nước sản xuất vẫn còn khá khiêm tốn.

 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trung bình mỗi tháng, Việt Nam xuất khẩu một lượng khoảng 3,5 tỷ USD máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng ra thế giới. Trong đó, thiết bị điện dùng cho điện thoại hữu tuyến đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất, khoảng 15-20 tỷ USD/năm. Tiếp đến là các sản phẩm như máy biến thế điện, máy biến đổi điện tĩnh; ắc-quy điện; động cơ điện và máy phát điện; máy ép đùn; tổ máy phát điện và máy biến đổi điện quay; máy chuẩn bị xơ sợi dệt; máy kéo sợi, máy đậu sợi hoặc máy xe sợi... Đáng chú ý, các sản phẩm cơ khí như phương tiện vận tải, ô tô, phụ tùng ô tô... gần như rất hạn chế trong xuất khẩu sản phẩm cơ khí. Trong khi đó, năm 2022, Việt Nam đã nhập hơn 170.000 ô tô nguyên chiếc.

 

Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam (VAMI) cho rằng, nhiều năm qua, hàng loạt hạn chế, yếu kém đến từ cơ chế, chính sách quản lý cũng như từ phía bản thân DN đã khiến ngành công nghiệp cơ khí phát triển khá mờ nhạt, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Ngay tại thị trường trong nước, ngành Cơ khí cũng không có được nhiều thị phần, phải tự vận động, phát triển mà chưa nhận được sự hỗ trợ hữu hiệu từ hệ thống chính sách để có nhiều đơn hàng từ đầu tư công như các nước khác. Từ đó, các DN cơ khí vốn đã thiếu đơn hàng lại còn bị thua thiệt ngay trên sân nhà. Có rất nhiều dự án lớn về xây dựng, giao thông, các công trình thủy lợi, dầu khí, kinh tế biển, đóng tàu, ô tô, xe máy… vẫn chủ yếu sử dụng sản phẩm cơ khí nhập khẩu, hoặc do các DN FDI đảm nhiệm.

 

Các chuyên gia đánh giá, với dân số 100 triệu người, đa phần là dân số trẻ, Việt Nam có triển vọng trở thành trung tâm công nghiệp cơ khí hàng đầu Đông Nam Á. Điều này sẽ đóng góp vào tăng trưởng GDP và bài học của Thái Lan được nhiều chuyên gia cho rằng, là cảm hứng để Việt Nam vươn lên, phát triển công nghiệp cơ khí, tiến tới xuất khẩu. Việt Nam được đánh giá là quốc gia hội tụ nhiều yếu tố để phát triển một ngành công nghiệp cơ khí mạnh.

 

Việt Nam có thể bắt đầu bằng việc tăng cường hợp tác với các hãng ô-tô lớn để lựa chọn chủng loại phụ tùng, linh kiện mà Việt Nam có thể sản xuất để đảm nhận vai trò mắt xích trong chuỗi sản xuất - cung ứng toàn cầu, trên cơ sở đó đầu tư công nghệ tiên tiến, sản xuất phục vụ xuất khẩu. Điều này đã được Thaco Industries triển khai rất thành công, là đối tác của nhiều hãng xe lớn trên thế giới như Kia, Peugeot, BMW, Mercedes Benz...

 

Để hỗ trợ DN cơ khí, Bộ Công Thương cho biết, Bộ tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của hai trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Bắc và miền Nam. Hiện nay, hai trung tâm này đã có các hoạt động hỗ trợ DN công nghiệp cơ khí tại một số địa phương trên cả nước, như hỗ trợ đào tạo hệ thống quản trị sản xuất, hệ thống quản lý kinh doanh; nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Các trung tâm đang tích cực hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia có mặt tại Việt Nam như Toyota, Mitsubishi, Canon nhằm tìm kiếm các nhà cung cấp phù hợp tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn này.

 

Theo Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035, ngành Cơ khí Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu. Về xuất khẩu, giai đoạn đến năm 2020, sản lượng xuất khẩu đạt 35% tổng sản lượng ngành Cơ khí, giai đoạn đến năm 2030 đạt 40%, đến năm 2035 đạt 45% tổng sản lượng ngành Cơ khí.

 

Anh Minh

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang