Thứ Sáu, 26/04/2024 22:11:43 GMT+7

Tin đăng lúc 11-05-2016

Lượt xem: 4590

Giải pháp ESCO: Mô hình tiết kiệm năng lượng hiệu quả

Sau 1 năm thực hiện thí điểm, mô hình công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) đã đạt được những kết quả rất khả quan. Thời gian tới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ nhân rộng mô hình này nhằm giúp doanh nghiệp sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm.
Giải pháp ESCO: Mô hình tiết kiệm năng lượng hiệu quả
Đầu tư hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời quy mô công nghiệp theo mô hình ESCO đang thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp

Lợi ích kép từ ESCO

 

ESCO cung cấp các giải pháp năng lượng toàn diện với dịch vụ bao gồm lập kế hoạch, xây dựng, lắp đặt, vận hành và bảo trì, tối ưu hóa, đóng góp tài chính và chịu rủi ro thương mại trong cả quá trình dịch vụ. Khi tham gia mô hình ESCO, khách hàng không phải bỏ chi phí đầu tư ban đầu vào việc lắp đặt, vận hành hệ thống. Thay vào đó, chi phí năng lượng tiết kiệm được hàng tháng sẽ được tính toán chia lại cho đơn vị đầu tư.

 

Mô hình ESCO đã được áp dụng phổ biến trên thế giới, đặc biệt là tại các nước phát triển như Nhật, Mỹ, Hàn Quốc... tuy nhiên ở Việt Nam, mô hình này mới được EVN giao cho Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) triển khai thí điểm. Ngoài ra, một số công ty khác cũng đang triển khai.

 

Ông Đặng Nguyên Phương - Phó phụ trách Ban Kiểm tra, giám sát mua bán điện EVNSPC- cho biết, đến nay đơn vị đã ký kết được 4 hợp đồng cung cấp dịch vụ nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời (NLMT) với tổng dung tích là 48.000 lít/ngày, tổng giá trị các hợp đồng  khoảng 4,9 tỷ đồng. Ngoài ra, EVNSPC đã trình phương án đầu tư cho 4 khách hàng khác với tổng công suất 136.000 lít/ngày.

 

Theo tính toán của một số công ty cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp có thể tiết kiệm ít nhất 60% chi phí nhiên liệu cho nước nóng/gia nhiệt so với sử dụng điện. Bên cạnh hiệu quả về mặt kinh tế, dự án còn mang lại các hiệu quả về môi trường, xã hội như giảm phát thải khí nhà kính, tạo cơ hội việc làm, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, cộng đồng trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đơn cử như tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex), sau khi thực hiện mô hình ESCO (hệ thống cung cấp 23.000 lít nước nóng/ngày), sản lượng điện tiết kiệm mỗi năm 240.000 kWh, tương đương 390 triệu đồng, giảm 136 tấn CO2/năm.

 

Nhiều tiềm năng phát triển

 

Ông Trần Viết Nguyên - Phó Ban Kinh doanh EVN - cho biết, việc đẩy mạnh triển khai mô hình ESCO nằm trong chương trình tiết kiệm điện của EVN giai đoạn 2016 - 2020. Theo kế hoạch, mỗi năm EVN sẽ triển khai thực hiện tối thiểu 50 dự án ESCO, trong đó giao cho mỗi tổng công ty điện lực thực hiện tối thiểu 10 dự án.

 

Theo đó, tất cả các khách hàng sử dụng điện đều là đối tượng thực hiện của dự án, EVN sẽ ưu tiên các dự án vừa và nhỏ có tổng đầu tư từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng. Trước mắt, EVN hỗ trợ kinh phí đầu tư, các tổng công ty điện lực lập dự án, đầu tư và quản lý đảm bảo hiệu quả.

 

EVN cũng không chỉ dừng lại ở sản phẩm hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời mà sẽ nghiên cứu mở rộng thêm nhiều sản phẩm đầu tư theo mô hình ESCO như pin năng lượng mặt trời, chiếu sáng, tư vấn giải pháp tiết kiệm điện khác.

 

Các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp đều có mong muốn tiết giảm chi phí sản xuất, nhất là chi phí về điện, nhưng họ lại gặp phải rào cản lớn nhất về vốn đầu tư và giải pháp kỹ thuật. Do đó, việc nhân rộng mô hình ESCO sẽ giúp các doanh nghiệp giải bài toán này.

 

Ông Trần Viết Nguyên – Phó Ban Kinh doanh EVN:

 

Mô hình ESCO vẫn còn khó khăn do thiếu các quy định, cơ chế, chính sách pháp lý, huy động vốn, nhân sự thiếu và yếu… Do đó, rất cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước để thúc đẩy, nhân rộng mô hình này tại Việt Nam. Các đơn vị cung cấp dịch vụ cần đẩy mạnh tuyên truyền để việc triển khai được hiệu quả.

 

Nguồn: Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang