Thứ Sáu, 17/05/2024 12:50:00 GMT+7

Tin đăng lúc 22-11-2015

Lượt xem: 3510

Giá sữa & trách nhiệm xã hội

TPP kết thúc đàm phán đã làm dấy lên những niềm hy vọng đối với hàng triệu hộ gia đình Việt Nam về giá sữa sẽ giảm sâu. Rất dễ hiểu, sữa là một mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong đời sống, có ảnh hưởng lớn tới các thế hệ tương lai.
Giá sữa & trách nhiệm xã hội
Ảnh minh họa

Song, những chia sẻ với báo chí của các doanh nghiệp sữa trong nước như gáo nước lạnh dội vào lửa hy vọng của người tiêu dùng.

 

Chẳng hạn, vị Chủ tịch HĐQT một công ty sữa lớn cho hay, do chi phí sữa nguyên liệu chỉ chiếm 20- 25% giá thành sản xuất, vì vậy, việc thuế nhập khẩu sữa nguyên liệu giảm xuống 0% chỉ giúp giảm chi phí sản xuất khoảng 0,5- 1%. Chưa kể, các chi phí khác như điện, nước, tiền lương... luôn có xu hướng đi lên, nên giá sữa trong nước chỉ giảm không đáng kể, không như kỳ vọng của người tiêu dùng. Dĩ nhiên, chi phí sản xuất sữa cao hay thấp, hợp lý hay không hợp lý, chỉ có cơ quan thuế mới thấu hiểu khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, người ngoài cuộc khó biết rõ.

 

Đó là góc nhìn của doanh nghiệp sữa trong nước. Một góc nhìn khác về thực tế có ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường sữa Việt Nam: Sự cạnh tranh quyết liệt giữa sữa ngoại và sữa nội, đặc biệt với các dòng sản phẩm sữa bột.

 

Khi TPP được thực thi, những dòng sản phẩm sữa của các cường quốc về sữa như New Zealand, Australia, Hoa Kỳ... rất có thể sẽ ào ạt tràn vào Việt Nam. Đáng chú ý, chi phí sản xuất sữa tại các quốc gia này thấp hơn đáng kể so với Việt Nam, chẳng hạn như Australia, New Zealand chỉ có 35 USD/100kg sữa tươi, trong khi ở Việt Nam khoảng 42- 52 USD/100kg sữa tươi... Khi sữa ngoại bán với giá rẻ, giá sữa nội có rẻ theo?

 

Đặc biệt, những dòng sữa ngoại giá rẻ vào Việt Nam có thể sẽ phá vỡ xu hướng tiêu dùng sữa tươi, nhất là trong bối cảnh sự “lập lờ đánh lận” giữa sữa tươi 100% và sữa hoàn nguyên (sữa bột nhập khẩu pha thành sữa nước), hoặc các loại sữa bột được quảng cáo mơ hồ, không nêu chính danh là sữa để lách luật mà ai cũng biết đó là sữa chính hiệu, vẫn tồn tại dai dẳng do chưa có những quy định cụ thể, chặt chẽ, mang tính pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước. Khi đó, sữa nào sẽ thắng?

 

Sớm nhất phải tới năm 2018, TPP mới có thể thực thi. Câu chuyện về giá sữa còn được bàn luận dài dài. Từ nay tới đó, các doanh nghiệp sữa nội chuẩn bị thế và lực ra sao để “sống khỏe” và chiến thắng trong cạnh tranh? Điều quan trọng hơn tất cả là doanh nghiệp Việt thể hiện thế nào trách nhiệm xã hội, đáp ứng sự mong mỏi của hàng chục triệu người tiêu dùng Việt?

 

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang