Thứ Năm, 02/05/2024 20:26:01 GMT+7

Tin đăng lúc 17-08-2023

Lượt xem: 825

Gần 90% hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đang được tiêu thụ, mua bán trên mạng

Qua quá trình đấu tranh, các lực lượng chức năng đã thống kê, có tới 80-90% hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đang được tiêu thụ, mua bán trên mạng. Đấu tranh chống hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên mạng là “mặt trận nóng và rất khó”.
Gần 90% hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đang được tiêu thụ, mua bán trên mạng
Lực lượng QLTT Hà Nội Phát hiện trên sản phẩm thời trang có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như Adidas, Burberry, Zara...tại kho hàng số 1, khu nhà dân cư mới, tổ 5, phường Kiến Hưng, Hà Đông (Nguồn: QLTT Hà Nội)

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, với 75% số người dân sử dụng internet, Việt Nam có 74,8% số người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến. Quần áo, giày dép, mỹ phẩm; thiết bị đồ dùng gia đình; đồ công nghệ và điện tử; sách, hoa, quà tặng và thực phẩm… là những loại hàng hóa dịch vụ được người tiêu dùng lựa chọn mua sắm trực tuyến nhiều nhất.

 

Với số lượng người dùng lớn, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các cá nhân,... sử dụng các trang mạng như Face book, zalo, tik tok, app... như công cụ “ra đơn” hiệu quả hơn hẳn chợ truyền thống. Mặt khác, việc live tream, chạy quảng cáo trên các nền tảng xã hội cũng rất dễ dàng. Cùng với đó, việc chốt đơn, giao nhận hàng hóa cũng rất thuận lợi. Có thể thấy, thay vì chờ người mua hàng như chợ truyền thống thì chợ mạng mang sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng.

 

Không phủ nhận những giá trị, lợi ích mà chợ mạng mang lại cho các doanh nghiệp và  người tiêu dùng, tuy nhiên, thời gian qua, không ít người tiêu dùng đã gặp phải tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng,... khi mua hàng trên các trang mạng. Nhiều người tiêu dùng dở khóc, dở cười khi mua được hàng kém chất lượng nhưng không thể trả lại hàng; mua phải mỹ phẩm, thực phẩm BVSK kém chất lượng, vừa mất tiền vừa ảnh hưởng sức khỏe,...

 

Theo thống kê của lực lượng QLTT, trong năm 2022, trên cả nước đã phát hiện 72.641 vụ buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc; trong đó xử lý trên 43.964 vụ hàng giả, hàng nhái hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Riêng 4 tháng đầu năm 2023, có 4.712 hành vi vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; xử phạt vi phạm hành chính trên 43,3 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 45,5 tỷ đồng. Trong đó, 80-90% hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đang được tiêu thụ, mua bán trên mạng. Thành phố Hồ Chí Minh & Hà Nội là hai thị trường lớn mà các đối tượng buôn bán hàng giả nhắm tới. Đơn cử, riêng trong tháng 7/2023, lực lượng chức năng TP Hà Nội đã kiểm tra kiểm soát thị trường qua đó phát hiện xử lý 3.025 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

 

 

Một sản phẩm bôi ngoài da, không rõ đơn vị sản xuất, kinh doanh đang được quảng cáo trên facebook, ladaza.vn như “thần dược” đặc trị bệnh Gout

 

Qua những vụ việc buôn bán hàng giả, hàng nhái trên mạng bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ không chỉ sản xuất trong nước mà còn được đặt sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa về nội địa tiêu thụ. Các đối tượng mở gian hàng giảm giá, khuyến mại để bán nhiều loại hàng lậu, hàng giả, sau đó xóa chứng cứ rất nhanh. Khó khăn lớn nhất đến từ việc các trang thông tin giả, sàn TMĐT, trang mạng xã hội Facebook, Zalo… nở rộ, bán hàng thật chung với hàng giả.

 

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc hiện chưa được kiểm soát chặt chẽ là do lợi nhuận thu được từ việc sản xuất, buôn bán những mặt hàng này quá lớn. Trong khi đó, các chủ quyền sở hữu trí tuệ chưa thật sự chú ý đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, chỉ quan tâm đến các quy định về công bố tiêu chuẩn chất lượng, ghi nhãn hàng hóa và quên đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp chưa phối hợp với các cơ quan chức năng, xem việc xử lý vi phạm là nhiệm vụ của các cơ quan thực thi pháp luật. Mặt khác, trong quá trình yêu cầu các đơn vị là các sàn giao dịch thương mại điện tử rà soát website về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... còn gặp một số khó khăn. Chẳng hạn như các sàn chưa đầu tư đúng mức cho nhân sự, bộ phận kỹ thuật để kiểm duyệt sản phẩm.

 

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho rằng: “Để giải quyết vấn đề chống hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trong không gian mạng đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cơ quan, đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, người tiêu dùng. Về lâu dài, phải xây dựng nền tảng thương mại điện tử vững chắc, lựa chọn đơn vị điển hình để đẩy lùi các tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Theo đó, phải xây dựng thể chế, nền tảng cơ sở pháp luật đáp ứng được nhu cầu về quản lý nhà nước trong thời gian tới đối với nền kinh tế số nói chung và thương mại điện tử nói riêng, nghĩa là phải có khung pháp lý bắt kịp hơi thở của thời đại 4.0. Từ xây dựng cơ sở pháp lý đó, các bộ, ngành liên quan mới có căn cứ để vào cuộc. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền để không những cơ quan chức năng mà người tiêu dùng, doanh nghiệp biết được vai trò của mình ở đâu, cần phải làm gì, từ đó mới ngăn chặn, đẩy lùi, dần xóa bỏ các hành vi kinh doanh hàng giả, buôn lậu trên không gian mạng”. 

 

Nhằm tăng cường hiệu quả đấu tranh chống hàng giả và bảo vệ thương hiêu doanh nghiệp nghiệp trên nền tảng thương mại điện tử, các doanh nghiệp cần xây dựng và nâng cao năng lực của bộ phận sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp; thiết lập các kênh phân phối chính thức, ổn định, thuận tiện (đặc biệt chú trọng các kênh thương mại điện tử) để người tiêu dùng dễ tiếp cận; thiết lập các kênh giám sát thị trường, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan thực thi, các cơ quan hỗ trợ thực thi, các sàn thương mại điện tử để đối phó có hiệu quả với các hành vi giả mạo, cạnh tranh không lành mạnh, cố tình gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Về lâu dài, phải xây dựng nền tảng thương mại điện tử vững chắc, lựa chọn đơn vị điển hình để đẩy lùi các tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Ngoài ra, cần làm tốt công tác tuyên truyền giúp người tiêu dùng có các kinh nghiệm, kiến thức để nhận diện hàng giả, mua được hàng thật, hàng chất lượng, hàng đúng giá.

 

MN


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang